| Hotline: 0983.970.780

Chuyển nuôi heo rừng sang trồng nấm, lão nông lãi 400 triệu đồng/năm

Thứ Năm 14/11/2024 , 13:55 (GMT+7)

TP.HCM Chuyển đổi từ mô hình chăn nuôi sang trồng nấm công nghệ cao phù hợp với định hướng đô thị, mang lại nguồn thu nhập tốt cho gia đình nông dân Nguyễn Dư Hào.

Nấm được trồng trong nhà lưới để chống côn trùng, dịch bệnh. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nấm được trồng trong nhà lưới để chống côn trùng, dịch bệnh. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tại TP.HCM, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất theo hướng tập trung, xây dựng nhiều mô hình chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển bền vững, phù hợp với định hướng nông nghiệp đô thị.

Điển hình trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật là ông Nguyễn Như Hào, nông dân phường Phú Hữu, thành phố Thủ Đức. Với bề dày kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp, cùng với sự nhạy bén về thị trường và sự vận động của Hội Nông dân phường, ông Hào quyết định chuyển đổi từ mô hình chăn nuôi heo rừng sang mô hình trồng nấm công nghệ cao trong nhà lưới từ năm 2017 trên diện tích 2.000m2 đất của gia đình, nhằm giảm tác động đến môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Dẫn chúng tôi đi tham quan, ông Hào hào hứng giới thiệu từng khu vực như trộn phôi, vào phôi, nhà nấm, khu vực đóng gói... Ông đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng vào trại nấm, từ hệ thống tưới tự động, máy trộn sơ dừa, máy hấp phôi nấm để tiệt trùng... 11 năm gắn bó với nghề trồng nấm, nhưng ông Hào luôn cập nhật công nghệ mới, học hỏi những mô hình hay để cải tiến quy trình của mình.

Hệ thống máy sàng, trộn sơ dừa trước khi cho vào ủ để làm phôi nấm. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hệ thống máy sàng, trộn sơ dừa trước khi cho vào ủ để làm phôi nấm. Ảnh: Nguyễn Thủy.

"Giai đoạn đầu chuyển đổi, tôi vẫn còn làm thủ công, trộn phôi bằng tay, tốn nhiều công lao động. Sau này, được Hội Nông dân quận, thành phố cho đi học các lớp về kỹ thuật trồng nấm, tham quan các mô hình hay, dần dần tôi cải tiến, đầu tư thêm để có thể tự động hóa một số khâu như phun tưới, trộn phôi. Tôi cũng chế thiết bị đo nhiệt độ của nấm", ông Lộc nói và cho biết, hiện trại của ông có hơn 50.000 phôi nấm bào ngư, nấm linh tử, với sản lượng bình quân khoảng 1 tấn/tháng, thu hoạch đến đâu đều bán hết trong ngày. Với giá thành khoảng 60.000đồng/kg, trừ hết chi phí, khấu hao tài sản ước tính lợi nhuận khoảng gần 400 triệu đồng/năm.

Ông Lộc cho biết thêm, quy trình sản xuất tại trại nấm hoàn toàn trong môi trường hữu cơ, không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Nấm được trồng trong nhà lưới để chống côn trùng, dịch bệnh, phôi nấm trước khi đưa vào nhà trồng được hấp sôi tiệt trùng trong thời gian 12 tiếng ở nhiệt độ 100 độ C nên tương đối an toàn.

Hiện nấm của gia đình ông tiêu thụ chủ yếu tại chợ truyền thống trên địa bàn phường Phú Hữu và kênh online. "Phường có 3 kênh online vệ tinh để tiêu thụ, quảng bá nông sản, thực phẩm của bà con, nên tôi ưu tiên cung cấp nấm tại đây, với giá sỉ. Ngoài ra, cũng bán trên zalo với các khách hàng lẻ.

Phôi nấm cho vào máy hấp ở nhiệt độ 100 độ C trong thời gian 12 tiếng để tiệt trùng trước khi cho vào khu vực nuôi. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phôi nấm cho vào máy hấp ở nhiệt độ 100 độ C trong thời gian 12 tiếng để tiệt trùng trước khi cho vào khu vực nuôi. Ảnh: Nguyễn Thủy.

"Trong tình hình đổi mới hiện nay, nông dân chúng tôi nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước để tiếp cận với những tiến bộ khoa học mới. Bên cạnh đó, còn được Nhà nước chăm chút, khen thưởng, động viên. Tôi và nhiều nông dân tiêu biểu năm 2024 vừa được Hội Nông dân TP.HCM cho đi tham quan, học tập các mô hình ở Đài Loan hơn 1 tuần.

Phải nói là "đi một ngày đàng học một sàng khôn", mình có thể tiếp thu, lĩnh hội những cái hay, những tiến bộ về ứng dụng khoa học công nghệ của nước bạn, nhất là trong làm nông nghiệp đô thị để nhìn lại những khó khăn của mình và điều chỉnh phù hợp thời đại", ông Hào nói và khẳng định, nếu biết chắt chiu kinh nghiệm, đầu tư bài bản sẽ tạo được những sản phẩm có thể cạnh tranh được với những nước tiên tiến hơn.

Ông Lộc cho biết, trong thời gian tới, ông dự tính sẽ mở rộng thêm diện tích và cải tiến thêm một số công nghệ để tạo năng suất cao hơn, ổn định hơn. 

Từ năm 2021 đến nay, ông Nguyễn Dư Hào liên tục đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi TP.HCM và là hộ sản xuất kinh doanh nông nghiệp thực hiện sản xuất thực phẩm sạch gắn với bảo vệ môi trường nông thôn.

Xem thêm
Khó tháo nút thắt môi trường trong chăn nuôi tập trung

Nghệ An Huyện Yên Thành có thế mạnh về chăn nuôi tập trung với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, tuy nhiên điều này cũng làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Bảo tồn giống bưởi cơm của xứ Mường

Hòa Bình Sớm đó, khi thảm cỏ còn đẫm sương đêm, tôi cùng anh Lương Văn Thảo (xóm Má 1, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, Hòa Bình) leo lên quả đồi cao trước mặt.