| Hotline: 0983.970.780

Chuyện nuôi tôm ở Đồng Nai: [Bài 2] 'Bắt tay' ứng dụng công nghệ cao

Thứ Hai 14/11/2022 , 10:41 (GMT+7)

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thủy sản Thành Công (Đồng Nai) đã chứng minh việc nông dân 'bắt tay' ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm đã tạo nên sự thành công.

Liên kết để cùng phát triển

Theo Chi cục Thủy sản Đồng Nai, điều kiện môi trường, chất lượng nguồn nước ở khu vực huyện Nhơn Trạch rất phù hợp với con tôm. Nhưng do lâu nay người dân vẫn nuôi tôm theo phương pháp truyền thống nên năng suất không cao, rủi ro nhiều về dịch bệnh do nguồn nước ô nhiễm.

Khu sản xuất tôm công nghệ cao của HTX Thành Công. Ảnh: Minh Sáng.

Khu sản xuất tôm công nghệ cao của HTX Thành Công. Ảnh: Minh Sáng.

Đến năm 2016, một số hộ dân bắt đầu liên kết với nhau từng bước hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao. Kết quả đạt được ngoài mong đợi khi năng suất cao hơn gấp nhiều lần cách nuôi truyền thống. Khi vùng nguyên liệu đủ lớn, các doanh nghiệp ngành thủy sản cũng chủ động bắt tay cùng người nông dân xây dựng chuỗi liên kết bền vững. Trong đó, tiêu biểu nhất là HTX dịch vụ nông nghiệp thủy sản Thành Công và người Giám đốc HTX đầy nhiệt huyết Nguyễn Huy Bình.

Anh Bình chia sẻ, xuất phát từ những khó khăn của bà con nông dân trong quá trình nuôi trồng thủy sản nói chung và tôm nói riêng như: năng suất nuôi trồng thấp, thiếu vốn, thiếu nguồn nguyên liệu, môi trường nuôi, dịch bệnh, khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, …. Từ thực tế đó, đòi hỏi người nuôi tôm phải hợp tác lại để tập hợp được nguồn lực về tài chính, đất đai, con người, kỹ thuật nuôi trồng, tiếp cận những tiến bộ trong lĩnh vực nuôi tôm, tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào, thức ăn, con giống, cũng như mở ra các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm đầu ra của quá trình sản xuất và nuôi tôm. Và cũng từ đây HTX Dịch vụ nông nghiệp thủy sản Thành Công ra đời.

Thành viên HTX học hỏi kinh nghiệm thả giống. Ảnh: Minh Sáng.

Thành viên HTX học hỏi kinh nghiệm thả giống. Ảnh: Minh Sáng.

Hiện HTX có 9 thành viên, tổng số vốn điều lệ 15 tỷ đồng với tổng diện tích 18 ha (gồm 6,6 ha với 39 ao nuôi, còn lại là ao lắng). Nhờ sản xuất khoa học, bài bản, HTX dễ dàng ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp cùng bà con xây dựng chuỗi liên kết. Theo đó, HTX được một doanh nghiệp thủy sản lớn tại địa phương hỗ trợ và triển khai mô hình nuôi tôm Elanco Demo Farm. Đây là quy trình nuôi tôm bền vững an toàn sinh học, vi sinh và dinh dưỡng.

Trong đó, quy trình an toàn sinh học được chú trọng hơn nhiều các mô hình khác giúp tăng tỉ lệ thành công, kết hợp với các sản phẩm sát trùng trang trại, thiết bị cũng như làm sạch nguồn nước cấp. Và điểm đặc trưng nhất của Elanco Demo Farm là việc đưa vào áp dụng công nghệ hiện đại 4.0 vào trong quản lý, theo dõi ao nuôi tôm, giúp cho việc đánh giá chuẩn xác hơn, quản lý bài bản hơn và hỗ trợ người nuôi ra quyết định phù hợp hơn.

“Với mô hình nuôi tôm Elanco Demo Farm kết quả đạt được sau 97 ngày nuôi (cho 4 ao, mỗi ao diện tích 800 m2) với tổng sản lượng 16.700 kg, size 35-37 giá 170.000 đồng/kg  (giá thời điểm tháng 3/2021), FCR 1.34, lợi nhuận 1 tỷ đồng”, anh Nguyễn Huy Bình chia sẻ.

Tiếp thêm nguồn lực

Anh Bình cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, giá tôm ổn định ở mức người nông dân có lợi nhuận tốt hơn năm ngoái. Với những thành công bước đầu, hiện HTX đang tiếp tục đầu tư mở rộng thêm diện tích ao nuôi hơn 13 ha tại ấp Vũng Gấm, xã Phước An. Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất của HTX và người nuôi tôm hiện nay là chi phí đầu tư vào mô hình nuôi tôm công nghệ cao khá lớn. Anh cũng mong chính quyền địa phương có phương án hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi cho nông dân nuôi tôm.

Đoàn công tác Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Đồng Nai thăm, khảo sát mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại HTX Thành Công. Ảnh: Minh Sáng.

Đoàn công tác Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Đồng Nai thăm, khảo sát mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại HTX Thành Công. Ảnh: Minh Sáng.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước An Phạm Thanh Tuấn cho biết, tổng diện tích nuôi thủy sản nước lợ trên địa bàn xã đạt khoảng 1,1 ngàn ha. Trong vai trò là Giám đốc HTX, anh Bình lãnh đạo điều hành hoạt động của HTX rất hiệu quả, lập kế hoạch phát triển hàng năm và đưa ra các giải pháp phù hợp trong phát triển sản xuất, nâng cao đời sống các xã viên. Hiện nay, HTX dịch vụ nông nghiệp thủy sản Thành Công là một trong số ít hợp tác xã ở huyện Nhơn Trạch ăn nên làm ra, khi thu lợi nhuận hàng tỉ đồng mỗi năm từ việc nuôi tôm sạch.

HTX chuẩn bị mở rộng thêm 13 ha đầm nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: Minh Sáng.

HTX chuẩn bị mở rộng thêm 13 ha đầm nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: Minh Sáng.

Hiện tỷ lệ thành công nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao tại Phước An nói riêng, huyện Nhơn Trạch nói chung lớn, khiến cho diện tích nuôi theo mô hình này tăng nhanh, mở ra nhiều triển vọng cho ngành thủy sản. Tuy nhiên, mô hình này đòi hỏi người nuôi tôm phải có kỹ thuật cao, cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật thường xuyên, liên tục để đảm bảo thành công trong sản xuất.

“Phương thức sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang là định hướng chung của địa phương, trong đó, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được các ngành chức năng khuyến khích. Để hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm thâm canh, huyện Nhơn Trạch đã có kế hoạch đầu tư hạ tầng như: đường giao thông, đường điện, hệ thống thủy lợi cho các vùng nuôi thủy sản; thành lập tổ hợp tác, HTX nuôi tôm; phát triển vùng nuôi tôm VietGAP. Địa phương rất quan tâm thu hút doanh nghiệp về đầu tư các dự án nuôi thủy sản bền vững trên địa bàn”, ông Phạm Thanh Tuấn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước An chia sẻ.

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.