Về thủ phủ tôm nước lợ
Nhơn Trạch là địa phương có diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt là diện tích đất mặt nước lợ lớn nhất tỉnh. Những năm trước đây, sản xuất nông nghiệp của người dân gặp nhiều bất lợi do xâm nhập mặn, nhiễm phèn dẫn đến năng suất thấp. Nhưng hiện tại, huyện đã hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung như: nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả, trồng sen… vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa cải thiện hiệu quả sử dụng đất.
Đến các xã vùng ven sông như Vĩnh Thanh, Phước An, Phước Khánh, Long Thọ… không khó bắt gặp những đầm tôm công nghệ cao với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, những bánh xe mang nguồn oxi đẩy quay vòng xả bọt nước trắng xóa. Trên mặt người dân rạng rỡ nụ cười hạnh phúc khi những ruộng lúa, mía trước đây giờ đã trở thành những đầm, đìa nuôi tôm công nghệ cao cho thu nhập hàng tỷ đồng/ha mỗi năm.
Về tới xã Phước An, hỏi thăm trang trại nuôi tôm công nghệ cao của anh Nguyễn Huy Bình thì ai cũng biết bởi anh là một trong những người đưa con tôm nước lợ từ miền Tây về đây nuôi trồng thành công. Không chỉ làm giàu bản thân, anh Bình còn tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm cùng nông dân nơi đây làm giàu.
Tiếp chúng tôi tại ao tôm của mình khi trời nhá nhem tối nhưng anh vẫn mải miết kiểm tra từng giỏ tôm, xem tình trạng sức khỏe của từng chú tôm. Anh Bình cho biết, vốn xuất thân từ miền ven biển Tiền Giang, vào Đồng Nai lập nghiệp khi tuổi còn đôi mươi, hành trang mang theo ngoài sức trẻ là “một bụng” kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản. Nhận thấy, vùng Nhơn Trạch nói riêng, xã Phước An nói riêng có độ mặn lý tưởng để nuôi tôm nhưng chưa ai khai thác, sau khi tích lũy số vốn nhất định, anh đã bắt tay vào thực hiện mô hình nuôi tôm nước lợ.
“Tôi đầu tư theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ban đầu chỉ vài trăm mét vuông đất lúa để nuôi thử nghiệm, sau đó cứ “trúng” tôm lại mua đất làm ao mới. Hiện tại, tôi làm được 10 ao (200m2/ao) và hùn vốn với anh em làm được 9 ao, tổng cộng là 19 ao nuôi tôm thẻ chân trắng”, anh Bình chia sẻ.
Lợi nhuận cao, ít dịch bệnh
Anh Bình cho biết thêm, thấy anh làm ăn hiệu quả, những năm gần đây, nhiều người dân tại địa phương cũng đã mạnh dạn làm theo. Khi tần suất ao tôm càng dày thì dịch bệnh trên tôm càng nhiều, vì thế, từ kiểu nuôi truyền thống tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, anh đã từng bước chuyển sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao.
“Nếu trước đây, nuôi tôm theo phương pháp truyền thống, trên diện tích 1 ha, nông dân sẽ dành 70% diện tích nuôi và 30% diện tích còn lại dùng để xử lý nước. Song bằng phương pháp nuôi công nghệ cao hiện nay thì hoàn toàn ngược lại, người nuôi sẽ dành đến 70% diện tích để xử lý nước nguồn nước và chỉ nuôi trên diện tích 30%. Ngoài ra, để cho ra được một vụ tôm thành phẩm cần 2 – 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn từ 20 – 30 ngày, mật độ thả từ 250 – 300 con/m2, với sự chuyển đổi này, năng suất tôm mỗi vụ thu hoạch cao gấp 3-4 lần so với nuôi ao đất. Trung bình mỗi năm, mô hình này có thể nuôi được từ 4 vụ chứ không chỉ làm được 2 vụ như cách nuôi truyền thống”.
Chia sẻ về kinh nghiệm xử lý dịch bệnh trên tôm, anh Bình cho biết thêm, việc nuôi tôm công nghệ cao rủi ro dịch bệnh cũng được kiểm soát tốt hơn (như bệnh đường ruột, chết nhanh, đốm trắng...) và khi dịch bệnh nếu có xảy ra thì cũng dễ xử lý hơn. “Từ khi áp dụng mô hình nuôi theo hướng công nghệ cao, hiệu quả mang lại khá rõ rệt, những vụ thuận, sau 2 tháng thì có thể thu hoạch sản lượng từ 4 - 5 tấn. Sau khi trừ hết các chi phí, lợi nhuận từ 200 – 250 triệu đồng/vụ", anh Bình phấn khởi nói.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch Nguyễn Văn Nhân cho hay, hiện tổng diện tích nuôi tôm của huyện đạt gần 1,7 ngàn ha, chủ yếu tập trung ở 2 xã Phước An và Vĩnh Thanh, trong đó có hàng trăm ha nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Vì nuôi tôm công nghệ cao, người nuôi kiểm soát tốt về con giống, an toàn dịch bệnh, lượng thức ăn vừa đủ theo nhu cầu của tôm và nhất là xử lý tốt nguồn phân tôm dưới đáy ao, đảm bảo môi trường trong nuôi thủy sản. Đặc biệt, ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao đang cho lợi nhuận cao hơn nhiều so với mô hình nuôi tôm truyền thống.
Những năm trở lại đây, mô hình nuôi tôm công nghệ cao được nông dân đầu tư nhiều. Đặc biệt, tại ấp Bà Trường đang chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình nuôi này nên chỉ trong một thời gian ngắn, diện tích nuôi tôm thâm canh ao nổi phủ bạt tại đây đã đạt hơn 60 ha. Địa phương đang tiếp tục tích cực hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi sang mô hình ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm thâm canh; thu hút nhà đầu tư nuôi tôm công nghệ cao”, Trưởng phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch Nguyễn Văn Nhân nhấn mạnh.