Chuyện tình khó quên của nhạc sĩ Lê Uyên Phương gắn liền với những ca khúc nổi tiếng “Dạ khúc cho tình nhân”, “Lời gọi chân mây”, “Hãy ngồi xuống đây”, “Vũng lầy của chúng ta”, “Tình khúc cho em”… Đặc biệt hơn, chất men tạo cảm hứng và lan tỏa cho tác phẩm Lê Uyên Phương chính là “chuyện tình khó quên” giữa ông và ca sĩ Lê Uyên trên phố núi sương mù.
Sự kết hợp giữa Lê Uyên Phương và Lê Uyên, thường được so sánh với sự ăn ý giữa Trịnh Công Sơn và Khánh Ly. Tuy nhiên, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly chỉ là tình nhân trong âm nhạc, còn Lê Uyên Phương và Lê Uyên có duyên nợ trăm năm.
Cách đây 25 năm, nhạc sĩ Lê Uyên Phương vĩnh biệt dương gian ở tuổi 58, vào ngày 29/6/1999. Hiện tại, ở tuổi 72, ca sĩ Lê Uyên nhớ về người chồng quá cố: “Chúng tôi đã yêu và sống trong tình yêu mỗi ngày. Hát, chính là sống với nhau trong tình yêu, mà chỉ sợ một ngày nào đó những ngọt ngào không còn nữa! Còn bây giờ, khi một mình trên cõi đời này, tôi cũng không nhiều thay đổi. Tôi rất hạnh phúc khi có được anh Lê Uyên Phương. Nếu không có anh thì tôi đã không có một cuộc sống như tôi đã có”.
Nhạc sĩ Lê Uyên Phương tên thật là Lê Minh Lập, sinh ngày 2/2/1941 tại Đà Lạt. Ông có xuất thân khá đặc biệt, bởi ông là con trai của công chúa Phương Nhi, và là cháu của vua Thành Thái. Sau khi học xong trung học ở Đà Lạt, chàng trai Lê Minh Lập làm giáo viên ở Gia Lai.
Năm 1960, chàng trai Lê Minh Lập lấy bút danh Lê Uyên Phương viết ca khúc đầu tay “Buồn đến bao giờ” và chính thức bước vào con đường sáng tác Năm 1965, nhạc sĩ Lê Uyên Phương từ bỏ nghề giáo tại Pleiku quay trở lại Đà Lạt để theo đuổi ước mơ âm nhạc.
Thật hữu duyên, ở thành phố sương mù, nhạc sĩ Lê Uyên Phương hạnh ngộ cô tiểu thư gia đình gốc Hoa nhỏ hơn 11 tuổi - Lâm Phúc Anh đang theo học ở trường Virgo Maria dành cho con cháu giới nhà giàu. Nhạc sĩ Lê Uyên Phương và nữ sinh Lâm Phúc Anh cư ngụ gần nhau trên đường Võ Tánh.
Nữ sinh Lâm Phúc Anh năm 15 tuổi, đã gặp mối tình sét đánh với nhạc sĩ Lê Uyên Phương, như chị thổ lộ: “Hai đứa thích nhau ngay lập tức. Anh xấu trai, nhưng có đôi mắt rất hiền từ, tôi thích lắm. Phải nói ảnh là người con trai đầu tiên mà tôi nhìn thì tôi có nhiều cảm xúc. Lúc đó tôi không hiểu được yêu là gì, chỉ thấy thích người này thôi. Hai đứa khi gặp nhau rồi, chỉ muốn ở bên cạnh nhau mọi lúc mọi nơi, không muốn rời nhau một phút nào hết”.
Nhạc sĩ Lê Uyên Phương đã viết ca khúc “Tình khúc cho em” như món quà tỏ tình để tặng người yêu bé bỏng. Nhạc sĩ Lê Uyên Phương đã tập cho nữ sinh Lâm Phúc Anh hát những lời nồng cháy: “Cho em môi hôn vội vàng/ Cho em quen ân tình sâu/ Dù em không mong dài lâu/ Xin cất lấy ước mơ đầu/ Cho tôi yêu em nồng nàn/ Cho tôi yêu em nồng nàn/ Dù tháng năm buồn vui bàng hoàng”.
Và nữ sinh Lâm Phúc Anh đã dựa vào bút danh Lê Uyên Phương của tình nhân, để đặt nghệ danh cho mình là Lê Uyên. Họ cùng nhau biểu diễn ở các phòng trà, với sự tự giới thiệu “song ca Lê Uyên và Phương”.
Lúc ấy, ca sĩ Lê Uyên quá trẻ, còn thân thế của chàng trai hoàng tộc lưu lạc trong thân phận nhạc sĩ Lê Uyên Phương cũng không lấy gì đáng tin cậy đối với gia đình doanh nhân gốc Hoa khá quyền uy khu vực Chợ Lớn. Lập tức quan hệ yêu đương của họ bị ngăn cấm. Buồn bã và thất vọng, nhạc sĩ Lê Uyên Phương lang thang dưới những đồi thông để sáng tác cả một tập ca khúc lấy nhan đề “Khi loài thú xa nhau” dự báo mơ hồ về một “chuyện tình khó quên” nhiều mất mát: “Cho nhau hết những mê say, cho nhau hết cả chua cay”.
Nhạc sĩ Lê Uyên Phương có cái u ở ngón tay và ngón chân, khiến nhiều người suy đoán ông bị ung thư xương. Nhạc sĩ Lê Uyên Phương cũng tin vậy, và không muốn lập gia đình vì sợ những hệ lụy cho người ở lại nếu mình đoản mệnh. Ca sĩ Lê Uyên nhớ lại giai đoạn hẹn hò: “Chúng tôi đều nghĩ rằng hạnh phúc của chúng tôi sẽ kéo dài theo từng tháng, từng ngày thôi. Các ca khúc của anh viết cho tôi hát thường nói tới việc chia ly, dự báo ngày mai sẽ chia lìa. Chẳng hạn như trong bài “Cho lần cuối”, anh viết: “Giờ này còn cầm tay, cầm chắc mối duyên bẽ bàng, cầm chắc mắt môi ngỡ ngàng, cầm giá buốt thương đau, ngày mai ta không còn thấy nhau”.
Không nỡ chứng kiến tình nhân dày vò trong nỗi ám ảnh, ca sĩ Lê Uyên đã động viên nhạc sĩ Lê Uyên Phương nhờ chuyên gia y học kiểm tra. Kết quả những cái u ở ngón tay và ngón chân của nhạc sĩ Lê Uyên Phương chỉ là khối u bình thường, không hề nguy hiểm đến tính mạng. Nhạc sĩ Lê Uyên Phương từ bỏ ý định sống độc thân suốt đời, và ca sĩ Lê Uyên cũng đồng thuận ước nguyện trăm năm.
Sau khi ca sĩ Lê Uyên sinh con gái đầu lòng Lê Uyên Uyên, cuộc sống vợ chồng đã thôi thúc nhạc sĩ Lê Uyên Phương sáng tác tập ca khúc “Uyên ương trong lồng”. Những bài hát mà nhạc sĩ Lê Uyên Phương viết về mái ấm phu thê nhiều thử thách lắm chông chênh như “Đang mùa hạ trên cao”, “Đôi khi hạnh phúc buồn”, “Mộng du bên người”, “Trên da tình yêu” hoặc “Uống nước bên bờ suối” đều được ca sĩ Lê Uyên thể hiện gây xao xuyến cho người nghe.
Ca sĩ Lê Uyên thổ lộ: “Chồng tôi cũng là thầy tôi. Anh không chỉ đưa tôi đến âm nhạc, mà còn nhắc tôi một điều để rồi tôi nhớ mãi: Phải hát hết lòng. Hát trung thực với chính mình. Thích thì hát, không thì thôi, không hát giả bộ”. Đầu năm 1970, cặp đôi Lê Uyên Phương có dịp biểu diễn trước sinh viên Văn khoa Sài Gòn và họ lập tức nổi tiếng.
Trong hồi ký của nhạc sĩ Phạm Duy đã dành nhiều sự trân trọng cho tác phẩm Lê Uyên Phương: “Giữa không khí ngột ngạt của chiến tranh, Trịnh Công Sơn tìm đến những ca khúc phản chiến, còn Lê Uyên Phương thốt lên tiếng nói tuyệt vọng của một thế hệ thanh xuân trong trẻo, muốn được sống để yêu đương trong thanh bình thì lại bế tắc trước thực tại. Họ vùi sâu vào tình yêu mà tìm quên. Họ công khai mong manh, công khai tàn lụi, Lê Uyên Phương chắc đã là một tín đồ của chủ nghĩa hiện sinh nên đã thốt lên tiếng kêu than của thế hệ thanh niên ấy bằng một thứ âm nhạc trẻ trung có nhuốm mùi nhục cảm. Những giai điệu ấy đã được Phương và vợ là ca sĩ Lê Uyên hát giữa thanh niên đô thị. Và họ được đón nhận nồng nhiệt”.
Năm 1979, vợ chồng nhạc sĩ Lê Uyên Phương sang Mỹ định cư. Họ cùng nhau sinh hoạt văn nghệ ở hải ngoại, cũng rất được kiều bào chào đón. Tuy nhiên, những ngày tha hương không mang lại nhiều cảm hứng sáng tác cho nhạc sĩ Lê Uyên Phương.
Ca sĩ Lê Uyên nhớ lại hình ảnh nhạc sĩ Lê Uyên Phương những ngày cuối cùng trên nhân gian: “Anh lúc nào cũng hoài niệm sự yên ả của Đà Lạt. Anh sợ đời sống phố thị với những sự không chân thật như sợ một đám cháy, mà nó có thể bén lửa lên mình và người mình yêu bất cứ lúc nào. Anh sống giản dị, anh thường nói anh đã làm được tất cả những gì anh muốn. Trước khi mất, anh có về nước để đi thăm Hà Nội một lần, vì anh biết tôi sinh ra ở phố Hàng Bồ”.
Như một sự tưởng nhớ, chuyên mục “Chuyện tình khó quên” giới thiệu câu chuyện “Nhạc sĩ Lê Uyên Phương cho nhau hết những mê say” trên Nông nghiệp Radio lúc 20h ngày 29/6.