| Hotline: 0983.970.780

'Chuyện tình khó quên' của một thời say mê ca bình minh

Thứ Bảy 29/07/2023 , 09:03 (GMT+7)

'Chuyện tình khó quên' lúc 20h tối nay 29/7 trên Nông nghiệp Radio chia sẻ duyên nợ 'ca bình minh' của đôi vợ chồng thi sĩ Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên.

Vợ chồng nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy - Lý Phương Liên.

Vợ chồng nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy - Lý Phương Liên.

“Chuyện tình khó quên” trên Nông nghiệp Radio tiếp tục giới thiệu đến công chúng một mối giao cảm đặc biệt trong làng văn chương Việt Nam hiện đại, giữa nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy và nhà thơ Lý Phương Liên.

Trong giới cầm bút, có nhiều “chuyện tình khó quên” của những gương mặt nổi tiếng. Thế nhưng, cả vợ lẫn chồng đều làm thơ và sống bên nhau trọn đời, lại không có nhiều. Nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy và nhà thơ Lý Phương Liên hơn nửa thế kỷ cùng nhau lướt qua bao nhiêu sóng gió thăng trầm để trọn vẹn chung thủy cùng văn chương.

Xuất hiện với tư cách khách mời của “Chuyện tình khó quên”, nhà thơ Lê Xuân Đố từng gắn bó với vợ chồng Nguyễn Nguyên Bảy - Lý Phương Liên từ thời gian khổ đạn bom ở Hà Nội đến những năm đổi mới và hội nhập ở TP.HCM, chia sẻ: “Lý Phương Liên là một hiện tượng thơ gây xôn xao dư luận đầu thập niên 70 của thế kỷ trước với những bài “Ca bình minh”, còn Nguyễn Nguyên Bảy là một người luôn tràn đầy năng lượng sống. Họ thành một đôi đam mê và tận hiến cho thi ca”.

Vợ chồng Nguyễn Nguyên Bảy - Lý Phương Liên đều sinh trưởng ở Hà Nội. Nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy lớn hơn nhà thơ Lý Phương Liên 8 tuổi. Khi chàng cử nhân Nguyễn Nguyên Bảy đã đường bệ cán bộ biên tập ở Đài Tiếng nói Việt Nam thì nàng công nhân Lý Phương Liên tập tễnh làm thơ để vơi bớt niềm riêng cay cực.

Là chị cả của bốn đứa em, Lý Phương Liên phải bươn chải cùng mẹ gánh vác gia đình khi người cha mất sớm. Năm 18 tuổi, Lý Phương Liên lại hứng chịu thêm một cú sốc, người mẹ trúng bom Mỹ qua đời. Gạt nước mắt, Lý Phương Liên xin làm công nhân ở Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo để nuôi em ăn học. Khoảnh khắc ấy, Lý Phương Liên viết: “Em đón nhận đời em sau một thoáng hãi hùng/ Chôn mẹ, nuôi đàn em thơ dại/ An phận ư? Mơ hồ sợ hãi/ Sống vẫn là lời mẹ dặn thiêng liêng”.

Và cũng từ xót xa số phận mình, Lý Phương Liên đã có bài thơ “Tâm sự với Thúy Kiều” gây chấn động đời sống văn học. Lý Phương Liên không chỉ khước từ ngõ cụt tăm tối “Sông Hồng đó, nọ Hồ Tây/ Chết trong nước cuốn có ngày nổi lên/ Kiểu gì chết cũng thấp hèn/ Kiểu gì chết cũng làm hoen ố đời” mà còn quyết liệt chọn lấy một sự tồn tại hướng đến tương lai: “Chúng ta mở cửa cuộc đời/ Và cầm lái con thuyền nhân định/ Giữa biển lớn thuyền chúng ta lướt đến/ Sáng toàn thân ánh sáng của con người”.

Một trong những bài thơ gắn với tên tuổi Lý Phương Liên là “Ca bình minh”. Nhịp sống lao động bộn bề trên miền Bắc vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa ủng hộ miền Nam đánh Mỹ, được đưa vào “Ca bình mình” nhẹ nhàng và xao xuyến: “Bạn bè em có nhiều ý lạ/ Khi nói tới ca ba/ Ca của nhưng đêm trời đầy sao hoa/ Ca của những đêm đông bập bùng ánh lửa/ Còn em với niềm vui bé nhỏ/ Em gọi ca ba là ca bình minh/ Ý nghĩ ấy gặp em như một sự vô tình/ Đêm ca ba đi dọc đường Nam Bộ/ Tay vẫy chào những đoàn tàu rời ga Hàng Cỏ/ Đưa bộ đội lên đường/ Các anh đi suốt ca ba thẳng tới chiến trường/ Đón bình minh đất nước”.

Chính những câu thơ trong sáng và đằm thắm của nàng công nhân Lý Phương Liên, đã khiến nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy tìm kiếm cơ hội hạnh ngộ. Vốn đã đồng cảm với thơ, lại gặp người con gái xinh đẹp và tháo vát, nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy lập tức đem lòng si mê. Bài thơ “Thư tình đầu đời” được Nguyễn Nguyên Bảy viết năm 1968 đánh dấu thời hẹn hò của họ: “Tình yêu gọi dòng sông xuôi về biển/ Chim đầy vườn ríu rít gọi mai lên/ Mỗi bông hồng chợt hiện một nàng tiên/ Em đã đến để lòng anh thương nhớ”.

Khi tình yêu đã chín muồi, Lý Phương Liên nhận lời cầu hôn của Nguyễn Nguyên Bảy cuối năm 1969. Hai mảnh đời thi sĩ run rẩy của Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên bước vào cuộc sống vợ chồng với bao khó khăn chồng chất. Lý Phương Liên xa dần những vần điệu khát khao, chỉ còn Nguyễn Nguyên Bảy níu giữ những phút giây lặng lẽ sống, lặng lẽ thơ của họ: “Có em tủi tủi mừng mừng/ Khỏi than thở nỗi chưa từng được yêu/ Có em như có tín điều/ Thuyền đời phải vượt bao nhiêu thác ghềnh”.

Nguyễn Nguyên Bảy ghi lại sự bình yên trong lam lũ: “Câu văn vần này em đã không quên/ Anh ngủ nướng ban mai nghe chổi hát ngoài thềm/ Quét bụi mưa bụi gió/ Thức dậy không thấy nón thấy rổ/ Biết là cò đã đi chợ cỏ lau/ Đổi kẹo lạc kẹo vừng lấy củi lấy rau”.

'Chuyện tình khó quên' lúc 20h ngày 29/7 trên Nông nghiệp Radio.

"Chuyện tình khó quên" lúc 20h ngày 29/7 trên Nông nghiệp Radio.

Sau năm 1975, vợ chồng họ chuyển vào TP.HCM định cư, và đời sống của họ khá giả dần lên theo nhịp điệu đất nước phát triển. Cơ ngơi sang trọng, hai con đều du học và lập nghiệp ở Mỹ, nhưng những nhọc nhằn còn in sâu trong đôi mắt Lý Phương Liên vẫn là nỗi ám ảnh của Nguyễn Nguyên Bảy: “Một nửa tôi không lời/ Thương đau có gì phải kể/ Cảnh mất cha đổ buồn mắt mẹ/ Mất mẹ trút khổ vai em/ Mười bảy tuổi mỏng manh thuyền/ Chèo chống đàn em dại/ Chỉ còn đôi mắt vợ của tôi/ Toàn thân em như cây thị rũ lá/ Khô cành trước gió ban mai/ Chỉ còn đôi mắt/ Đôi mắt kể tôi nghe/ Lưng ngày nắng quật/ Đêm ngồi bỏng vú môi con/ Vai gánh nỗi thương chồng/ Đôi mắt u hoài trong vắt/ Đôi mắt ấy chính là hai ngôi sao trên trời/ Đêm đêm nhìn anh/ Thức với anh/ Đi cùng anh/ Hai ngôi sao không lặn bao giờ”.

Ngày 28/12/2022, nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy qua đời ở tuổi 83. Tuy nhiên, tình yêu của ông vẫn ở lại cùng người vợ qua tập thơ “99 khúc tặng Liên” cất giữ nhiều hơi ấm ơn nghĩa phu thê: “Tình yêu hai chúng mình/ Không ngôn từ mây gió/ Không ngọt ngon cám dỗ/ Mộc mạc lời trăng rằm/ Mà nên duyên tri kỷ/ Mà nên tình tri âm/ Vầng trăng con mắt nhìn/ Như thần linh chứng giám/ Mỗi khi gặp hoạn nạn/ Lại nhìn vầng trăng treo/ Mỗi khi tắt lửa yêu/ Lại gọi trăng xin lửa/ Nợ trăng chỉ trả đủ/ Thủy chung yêu một đời”.

Mời các bạn đón nghe “Chuyện tình khó quên” trên Nông nghiệp Radio lúc 20h tối nay 29/7 với câu chuyện “Đôi vợ chồng dắt nhau đi trọn đời với thi ca”.

Xem thêm
Lật mặt 7 chạm mốc hơn 60 tỷ sau 2 ngày công chiếu

Sau hai ngày công chiếu, tính cả những suất chiếu sớm, phim 'Lật mặt 7: Một điều ước' đã thu về hơn 60 tỷ đồng, vượt xa phim Mai của Trấn Thành.

Nhận định Man United vs Burnley: Thắng để hy vọng

Trận đấu giữa Man United vs Burnley trong khuôn khổ vòng 35 Premier League sẽ diễn ra vào lúc 21h00 ngày 27/4/2024 trên sân vận động Old Trafford.

Các huyền thoại bóng đá Brazil gây sốt tại Đà Nẵng

Trận giao hữu giữa 2 đội ngôi sao bóng đá Brazil và Việt Nam trên sân vận động Hòa Xuân - Đà Nẵng mang đến cho khán giả những khoảnh khắc đẹp và đáng nhớ.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm