| Hotline: 0983.970.780

Chuyện tình khó quên của tác giả ‘Màu tím hoa sim’

Thứ Bảy 02/11/2024 , 04:48 (GMT+7)

Chuyện tình khó quên của nhà thơ Hữu Loan, tác giả bài thơ ‘Màu tím hoa sim’ nổi tiếng 75 năm qua, được hé lộ trên Nông nghiệp Radio lúc 20h tối nay 2/11.

Nhà thơ Hữu Loan (1916-2010).

Nhà thơ Hữu Loan (1916-2010).

Chuyện tình khó quên của nhà thơ Hữu Loan được ông gửi gắm trong bài thơ “Màu tím hoa sim” ra đời năm 1949. Không chỉ là một trong những tác phẩm được tán tụng nhất trong thi ca Việt Nam, bài thơ “Màu tím hoa sim” cũng được phổ nhạc thành nhiều bài hát khác nhau. Và cách đây đúng 2 thập niên, “Màu tím hoa sim” là bài thơ đầu tiên được mua bản quyền như một hình thức bảo tồn văn hóa, với giá 100 triệu đồng, vào năm 2004.

Nhân vật trữ tình trong “chuyện tình khó quên” làm nên bài thơ “Màu tím hoa sim” có tên là Lê Đỗ Thị Ninh. Do cách nhau đến 15 tuổi, nên Lê Đỗ Thị Ninh được Hữu Loan xác định quan hệ đặc biệt “Tôi người Vệ quốc quân xa gia đình/ Yêu nàng như tình yêu em gái”.

Bài thơ “Màu tím hoa sim” được nhà thơ Hữu Loan sáng tác năm 1949, từ mối duyên bất hạnh với người vợ trẻ hơn 15 tuổi.

Gia tài của nhà thơ Hữu Loan (2/4/1916-18/3/2010) có khoảng 60 bài thơ, hơi ít ỏi so với 94 năm mà ông chìm nổi trên nhân gian. Nhập cuộc sáng tạo rất muộn, thơ ông bật ra từ những va đập trực diện với thế sự, như chính Hữu Loan thổ lộ “tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, hồi nhỏ không có cơ may cắp sách đến trường như bọn trẻ cùng trang lứa, chỉ được cha dạy cho dăm chữ bữa có bữa không ở nhà. Đến năm 1938, lúc đó cũng đã 22 tuổi, tôi ra Hà Nội thi Tú Tài, để chứng tỏ rằng con nhà nghèo cũng thi đỗ đạt như ai”.

Có bằng Tú tài, Hữu Loan về Thanh Hóa làm gia sư ở nhà ông Lê Đỗ Kỳ - Tổng thanh tra canh nông Đông Dương, để dạy học cho cô bé Lê Đỗ Thị Ninh. Thầy giáo Hữu Loan nói về học trò Lê Đỗ Thị Ninh: “Em thật thông minh, dạy đâu hiểu đó nhưng ít nói và mỗi lần mở miệng là cứ y như một “bà cụ non”. Đặc biệt em chăm sóc tôi hàng ngày một cách kín đáo. Em thường đặt vào góc mâm cơm chỗ tôi ngồi ăn lúc thì vài quả ớt đỏ au, lúc thì quả chanh mọng ướt em vừa hái ở vườn. Những buổi trưa hè, nhằm lúc tôi ngủ trưa, em lén lấy áo sơ mi trắng tôi treo ở góc nhà đem ra giếng để giặt”.

Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Hữu Loan tạm biệt cô bé học trò Lê Đỗ Thị Ninh để làm công tác tuyên truyền cứu quốc. Ông hành quân qua những ngả đường và viết những bài thơ thời sự nhằm phục vụ cách mạng, mà tác phẩm ghi dấu ấn quan trọng là bài thơ “Đèo Cả” viết năm 1946 tại Phú Yên.

Đầu năm 1948, Hữu Loan nghỉ phép về Thanh Hóa, và gặp lại cô bé học trò Lê Đỗ Thị Ninh bấy giờ đã thành một thiếu nữ 17 tuổi xinh đẹp. Dù Hữu Loan mặc cảm bản thân nghèo khó, nhưng gia đình Lê Đỗ Thị Ninh vẫn chấp nhận chọ cả hai đến với nhau. Đám cưới Hữu Loan và Lê Đỗ Thị Ninh được tổ chức ngày 6/2/1948.

Sau hôn lễ, khi đi chào người thân, Hữu Loan cảm thấy mình già hơn vợ, nên thuê một chiếc xe kéo cho Lê Đỗ Thị Ninh, còn ông cuốc bộ phía sau. Lê Đỗ Thị Ninh phát hiện sự bất thường kia, bèn kêu xe kéo dừng lại và nói với Hữu Loan: “Em thích một người chồng chững chạc và vững vàng như anh”.

Một ca khúc được phổ nhạc từ bài thơ 'Màu tím hoa sim'.

Một ca khúc được phổ nhạc từ bài thơ "Màu tím hoa sim".

Hết hai tuần nghỉ phép ở Thanh Hóa, nhà thơ Hữu Loan tạm biệt người vợ trẻ để ra Nghệ An làm chủ nhiệm báo Chiến Sĩ của Sư đoàn 304. Chỉ ba tháng sau, Hữu Loan nhận được tin Lê Đỗ Thị Ninh vĩnh biệt dương gian. Hồi ký Hữu Loan ghi lại: “Hôm đó là ngày 25/5 âm lịch, em đưa quần áo ra giặt ngoài sông Chuồn thuộc ấp Nhị Long- Nông Cống, như mọi ngày. Vì muốn chụp lại tấm áo bị nước cuốn trôi nên em trượt chân chết đuối. Con nước lớn đã cướp em vào lòng nó, cướp đi của tôi một người tri kỷ, để lại cho tôi một nỗi đau không gì bù đắp nổi”.

Nước mắt Hữu Loan khóc vợ, đã trào ngược vào tâm can mà thành bài thơ “Màu tím hoa sim” cay đắng: “Má tôi ngồi bên mộ con/ Đầy bóng tối/ Chiếc bình hoa ngày cưới/ Thành bình hương/ Tàn lạnh vây quanh”.

Vì sao người vợ Lê Đỗ Thị Ninh gặp bất hạnh ở bến sông, mà Hữu Loan lại thảng thốt với “Màu tím hoa sim”? Đó là vì nỗi ám ảnh kỷ niệm “chuyện tình khó quên” của họ, những ngày Hữu Loan cùng Lê Đỗ Thị Ninh dạo chơi trên những đồi sim, và nàng đã hái sim cho chàng ăn. Nhà thơ Hữu Loan thổ lộ: “Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân, quả sim đối với tôi chẳng lạ lẫm gì, nhưng thú thật chưa bao giờ tôi được ăn những quả sim ngọt đến thế! Cứ thế, chúng tôi ăn hết quả này đến quả khác. Tôi nhìn em, em cười. Hai hàm răng em đỏ tím, đôi môi cũng đỏ tím, hai bên má thì tím đỏ một màu sim. Tôi cười phá lên, em cũng cười theo”.

Định mệnh nghiệt ngã của người vợ trẻ Lê Đỗ Thị Ninh đeo bám nhà thơ Hữu Loan nhiều năm. Niềm xót xa “những đồi hoa sim dài trong chiều không hết/ màu tím hoa sim/ tím cả chiều hoang biền biệt”, nhiều năm sau đã trở lại trong thơ Hữu Loan qua bài thơ “Thánh mẫu hài đồng” day dứt: “Em đi tím đất chiều hoang/ Ta như mất mẹ khóc tang hai lần”.

Như một sự bù đắp của số phận, nhà thơ Hữu Loan quen biết một người phụ nữ Thanh Hóa khác, tên là Phạm Thị Nhu. Ông bày tỏ cảm xúc về Phạm Thị Nhu: “Anh kiêu hãnh/ có quê hương bất khuất/ và có người yêu là em gái quê hương”. Ngày 16/11/1953, Hữu Loan 37 tuổi và Phạm Thị Nhu 18 tuổi, chính thức kết tóc thề nguyền ơn nghĩa tào khang.

Sau năm 1954, nhà thơ Hữu Loan công tác tại báo Văn Nghệ một thời gian ngắn, rồi rời Hà Nội trở về ẩn cư dưới chân núi Vân Hoàn từng chôn nhau cắt rốn. Ông sống bằng nghề lao động chân tay, từ tuổi trung niên đến tuổi cổ lai hy.

Có lần đang thồ đá, Hữu Loan gặp một đoàn du khách Pháp đi tham quan nông thôn Nga Sơn. Họ hỏi thăm các địa danh trong khu vực, nhưng người dân chung quanh đều ngơ ngác vì không biết ngoại ngữ. Chẳng đặng đừng, Hữu Loan hướng dẫn dùm họ. Cả đoàn du khách Pháp ồ lên ngạc nhiên vì không hiểu tại sao ở vùng đất heo hút lại có một cụ già lam lũ nhưng lại nói tiếng Pháp thông thạo và đối đáp sắc sảo như vậy.

Nhà thơ Hữu Loan và nhạc sĩ Phạm Duy gặp nhau năm 2005. Ảnh: Phong Quang.

Nhà thơ Hữu Loan và nhạc sĩ Phạm Duy gặp nhau năm 2005. Ảnh: Phong Quang.

Phu thê Hữu Loan - Phạm Thị Nhu yêu thương và nương tựa nhau trong cảnh gieo neo và đầm ấm. Họ có chung 10 đứa con, 6 trai 4 gái. Bà Phạm Thị Nhu được nhà thơ Hữu Loan viết tặng bài thơ “Hoa lúa” vào năm 1955: “Em ca giữa đồng xanh bát ngát/ Anh nghe quê ta sống lại hội mùa/ Xa em năm nhớ, gần em mười thương/ Còn bàn tay em, còn quê hương mãi”. Sau khi nhà thơ Hữu Loan qua đời 3 năm, bà Phạm Thị Nhu cũng trút hơi thở cuối cùng vào ngày 18/5/2013.

Để giúp công chúng hình dung rõ hơn về một sự thật cuộc đời được huyền thoại hóa nhờ vẻ đẹp thi ca, chuyên mục “Chuyện tình khó quên” giới thiệu câu chuyện “Nhà thơ Hữu Loan hạnh phúc ẩn hiện trong màu tím hoa sim” lúc 20h ngày 2/11 trên Nông nghiệp Raido.

Xem thêm
Bộ phim 'Độc đạo' vì sao thu hút khán giả truyền hình?

Bộ phim ‘Độc đạo’ phát sóng trên VTV3 vào lúc 21h40 thứ 2, 3, 4 hàng tuần thực sự khiến người xem thích thú vì lối thể hiện đề tài hình sự khá mới mẻ.

Barcelona được dự báo sẽ vô địch La Liga

Dù La Liga 2024/2025 mới đi được 1/3 chặng đường nhưng sau chiến thắng tại trận siêu kinh điển thì Barcelona được dự báo nhiều khả năng vô địch.

Bắt đầu kiểm tra doping ngẫu nhiên tại V.League

Mùa giải V.League 2024/2025 của bóng đá Việt Nam sẽ bắt đầu tiến hành kiểm tra lẫy mẫu thử doping ngẫu nhiên.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.

Bình luận mới nhất