“Chuyện tình khó quên” bước vào năm 2024 với chương trình đầu tiên về nhạc sĩ du ca Trần Tiến. Một nhân vật tài hoa và lãng tử như nhạc sĩ Trần Tiến chắc chắn có không ít giăng mắc những nhớ thương vương vấn. Thế nhưng, cô giáo Bích Ngà đã ở bên nhạc sĩ Trần Tiến suốt 50 năm qua, và làm chỗ dựa vững chắc của cuộc đời ông.
Trong hàng trăm ca khúc nổi tiếng mà nhạc sĩ Trần Tiến mang đến cho công chúng, có ca khúc “Tôi phải lòng vợ tôi” viết riêng cho cô gái Bích Ngà. Tuy nhiên, ca khúc đánh dấu “chuyện tình khó quên” của họ là bài hát “Cô gái Sầm Nưa”, do nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác năm 1968.
Nhạc sĩ Trần Tiến và cô giáo Bích Ngà đều sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Năm 1971, họ đã có cơ duyên gặp nhau rất tình cờ. Lúc ấy, Bích Ngà đang là sinh viên sư phạm. Ban ngày, Trần Thị Bích Ngà đi học, ban đêm Bích Ngà phụ cha bán vé ở rạp hát Đại Nam. Nghe người ta kháo nhau có chàng trai Trần Tiến vừa từ chiến trường Lào trở về có bài hát “Cô gái Sầm Nưa” rất hay. Tò mò, sau khi bán hết vé, Bích Ngà cũng vào rạp để xem thử.
Trên sân khấu, Trần Tiến biểu diễn bài hát “Cô gái Sầm Nưa” đã trông thấy một khán giả đặc biệt. Đó là thiếu nữ không có ghế ngồi như bao người khác, mà đứng dựa tường để nghe mình hát. Biểu diễn xong, Trần Tiến chạy xuống và phát hiện khán giả đặc biệt ấy rất xinh đẹp. Vậy là Trần Tiến làm quen và tán tỉnh bằng một bài thơ ngắn: “Trong bóng tối ánh đèn trước mặt/ Anh bỗng thấy em đứng cuối tường/ Và từ đấy anh hát với em/ Với niềm tha thiết giấu trong tim/ Nếu có đêm nào anh hát đạt/ Thì chính là đêm đó có em”.
Trần Tiến theo đuổi Bích Ngà rất khó khăn, vì gia đình Bích Ngà nề nếp vẫn mang nặng định kiến “xướng ca vô loài”. Bích Ngà nói với bố mẹ mình: “Anh Trần Tiến từ chiến trường trở về để học khoa sáng tác âm nhạc. Anh ấy sẽ là nhạc sĩ, chứ không chỉ là ca sĩ đâu”. Sau hơn hai năm kiên trì chứng minh tấm lòng thành, Trần Tiến cũng được “chuyện tình khó quên” toại nguyện. Đám cưới của họ tổ chức cuối năm 1973.
Sau mấy năm dạy học ở Hà Nội, cô giáo Bích Ngà theo chồng vào phương Nam định cư. Tổ ấm của họ cũng nhiều phen cam go, nhưng sự nhẫn nại và sự khéo léo của cô giáo Bích Ngà đã níu giữ, đã dàn xếp mọi thứ hài hòa và êm đẹp. Nhạc sĩ Trần Tiến lừng lẫy với hàng loạt ca khúc và những chuyến du ca. Còn cô giáo Bích Ngà cũng có nhiều năm làm hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Huỳnh Khương Ninh ở quận 1, TP.HCM. Hai cô con gái của họ cũng trưởng thành và có cuộc sống riêng ổn định.
Trong lễ kỷ niệm đám cưới vàng, nhạc sĩ Trần Tiến trình bày một phép tính bông đùa: “Hai vợ chồng tôi, cộng hai con gái và hai chàng rể, cộng thêm hai cháu ngoại là đủ một mâm tám người. Dắt nhau đi dự bữa tiệc nào cũng không sợ bị lỗ”.
50 năm có người vợ đảm đang Bích Ngà, nhạc sĩ Trần Tiến có điều kiện toàn tâm toàn ý sáng tác âm nhạc. So với những đồng nghiệp cùng thời, nhạc sĩ Trần Tiến không chỉ có số lượng tác phẩm đồ sộ mà còn rất đa dạng về đề tài. Với mảng đề tài tình yêu đôi lứa, nhạc sĩ Trần Tiến có các ca khúc “Ngựa ô thương nhớ”, “Tạm biệt chim én”, “Ngẫu hứng giao duyên”, “Trái tim nhiều ngăn”, “Tiếng trống Paranưng” hay “Chuyện tình thảo nguyên”. Với mảng đề tài về Hà Nội, nhạc sĩ Trần Tiến có các ca khúc “Hà Nội năm 2000”, “Phố nghèo”, “Ngẫu hứng sông Hồng” hay “Ngẫu hứng phố”. Với mảng đề tài xã hội, nhạc sĩ Trần Tiến có các ca khúc “Sao em nỡ vội lấy chồng”, “Mặt trời bé con”, “Vết chân tròn trên cát” hay “Sói con ngơ ngác”.
Con đường sáng tạo của nhạc sĩ Trần Tiến cũng lắm thăng trầm. Thế nhưng, dù yêu dù ghét ra sao, cũng không thể phủ nhận Trần Tiến là một trong số ít nhạc sĩ có ý thức dùng tác phẩm của mình để góp phần xây dựng cộng đồng văn minh hơn.
Ví dụ, ca khúc “Trần trụi 1987”, nhạc sĩ Trần Tiến phơi bày một thực trạng đáng băn khoăn: “Tôi đã thấy bạn tôi đi buôn trên đường phố Nga/ Bạn tôi lang thang trên đường phố Mỹ/ Bạn bè lừa nhau ngay trên quê hương/ Ðừng hát, xin đừng mãi ngợi ca, những lời hát nhàm chán ru quê hương ta vinh quang thăng hoa trong bao niềm kiêu hãnh, mà quên đi áo cơm và hoa hồng”. Và nhạc sĩ Trần Tiến cảnh tỉnh: “Tôi đã thấy bạn tôi lao công trên đường phố Nga/ Bạn tôi xây bao công trình cho Mỹ/ Người Việt tài năng lang thang nơi đâu, xa dấu quê nhà. Anh có đau không/ Hãy quay lại nhìn lại chính mình/ Hãy quay lại nhìn rõ chính mình/ Hãy quay lại nhìn về quê hương hôm nay. Anh có đau không?”.
Hơn một thập niên qua, vợ chồng nhạc sĩ Trần Tiến chuyển về sinh sống ở Vũng Tàu để hít thở không khí trong lành mà an vui dưỡng già. Thế nhưng, vài năm gần đây, nhạc sĩ Trần Tiến mắc bạo bệnh. Cô giáo Bích Ngà đã túc trực chăm sóc chồng mình. Bà chia sẻ về một phen hoạn nạn: “Năm tuần liền tôi và con gái út đưa ông ấy đến phòng xạ trị và ngồi đợi. Khoảng thời gian mình ngồi đợi căng thẳng lắm, không thể nói được bằng lời. Còn những ngày nghỉ, con gái của tôi cố gắng thuyết phục ông đi ra ngoài uống cà phê, ăn sáng cho khuây khỏa. May mắn là ông ấy chịu khó ăn, dù ăn không nổi cũng cố gắng”.
Nhạc sĩ Trần Tiến sau những ngày khốn đốn vì sức khỏe suy sụp, ông đã dần dần bình phục và tiếp tục sáng tác và biểu diễn. Nhạc sĩ Trần Tiến bộc bạch: “Tôi đúng là người có nhiều may mắn. Trời cho tôi nhiều bài hát hay. Tôi lại có người vợ hiền cùng hai đứa con ngoan và học giỏi. Ca khúc của mình lại được nhiều người yêu mến và thể hiện”.
Đón mùa xuân 2024, nhạc sĩ Trần Tiến bước vào tuổi 77. Ca khúc mới nhất của nhạc sĩ Trần Tiến có tên gọi “Còn có một ngày”, được chính ông hát trong lễ kỷ niệm 50 năm hạnh phúc cùng cô giáo Bích Ngà.
Để hiểu thêm về duyên nợ giữa nhạc sĩ Trần Tiến và cô giáo Bích Ngà, mời quý vị đón nghe chuyên mục “Chuyện tình khó quên” trên Nông nghiệp Radio lúc 20h ngày 6/1, với chủ đề “Nhạc sĩ Trần Tiến ngẫu hứng từ khi phải lòng vợ”.