| Hotline: 0983.970.780

Chuyện 'tôm leo núi' [Bài 1]: Bước ngoặt ở vùng núi Trà Cổ

Thứ Ba 18/04/2023 , 16:05 (GMT+7)

Nhắc đến tôm càng xanh, người ta nghĩ ngay đến vùng đồng bằng sông nước. Thế nhưng ở vùng núi Trà Cổ (Đồng Nai), đặc sản này đã giúp nhiều nông dân đổi đời.

Người đưa tôm càng xanh về núi

Xã vùng núi Trà Cổ, huyện Tân Phú (huyện giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng) được xem là thủ phủ tôm càng xanh của tỉnh Đồng Nai, thậm chí là nơi duy nhất cả nước phát triển thành công loại vật nuôi này trên khu vực đồi núi.

Vùng nuôi tôm càng xanh xã Trà Cổ. Ảnh: Trần Trung.

Vùng nuôi tôm càng xanh xã Trà Cổ. Ảnh: Trần Trung.

Đến vùng nuôi tôm càng xanh xã Trà Cổ những ngày này, khi bà con vừa thu hoạch xong vụ tôm bội thu, ai nấy cũng phấn khởi vì tôm được mùa, giá cả ổn định từ 180.000 đến hơn 200.000 đồng/kg. Tùy vào diện tích lớn nhỏ, mỗi hộ nuôi tôm ở đây bỏ túi cả trăm triệu đến vài trăm triệu đồng/vụ sau khi trừ chi phí.

Đến ấp 5, xã Trà Cổ nhắc đến ông Lương Văn Thạch, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Trà Cổ, ai cũng biết bởi để có thành quả như ngày hôm nay phải kể đến công đầu của ông Thạch khi đưa con tôm càng xanh từ vùng sông nước về vùng đất này từ hơn 20 năm trước.

Ông Thạch cùng bà con trong xã thu hoạch tôm. Ảnh: Lê Bình.

Ông Thạch cùng bà con trong xã thu hoạch tôm. Ảnh: Lê Bình.

Năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng vốn bản chất nông dân chăm chỉ nên ông Thạch vẫn ngày ngày thăm ao tôm 5.000 m2 của mình. Ông Thạch nhớ lại, thời điểm năm 2001, ông và một số nông dân trong huyện thường được Trung tâm khuyến nông của huyện Tân Phú tổ chức cho nông dân đi tham quan học hỏi các mô hình kinh tế tại các huyện khác. Vốn có kinh nghiệm về nuôi cá nước ngọt, nhận thấy con tôm phù hợp với mảnh đất Trà Cổ, ông mạnh dạn đề xuất Trung tâm Khuyến nông của huyện hỗ trợ ông 3 ngàn con tôm giống để ông nuôi thử nghiệm.

Lứa tôm giống đầu tiên thành công. Ông Thạch mạnh dạn đầu tư 10 ngàn con tôm giống tiếp theo để thả vào ao nuôi cá của gia đình, lần này ông lại thắng lớn. Sau 2 vụ thử nghiệm ban đầu, ông Thạch cùng gia đình tập trung đầu tư nuôi tôm càng xanh và liên tiếp cho thu nhập cao hơn nhiều lần nuôi cá. Hiện với 5000 m2 nuôi tôm, mỗi vụ đã đem lại lợi nhuận cho gia đình ông cả trăm triệu đồng.

Nhờ lấy nước từ khe đá nên tôm sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, năng suất, chất lượng ổn định. Ảnh: Trần Trung.

Nhờ lấy nước từ khe đá nên tôm sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, năng suất, chất lượng ổn định. Ảnh: Trần Trung.

“Do khu vực nuôi còn nhiều ao hồ sông suối, tận dùng nguồn cá tạp sẵn có làm thức ăn cho tôm đã giúp người nuôi giảm 50% chi phí sản xuất. Ngoài ra, nhờ lấy nước từ khe đá nên nước ao tôm không bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm như các nguồn nước sông, suối, cộng với đặc điểm các ao tôm có nhiều tảo tự nhiên nên tôm khỏe, thịt ngọt, dai và thơm hơn các vùng khác. Vì vậy mà giá tôm càng xanh địa phương cao hơn giá tôm của các vùng khác trong khu vực miền Nam”, ông Thạch chia sẻ.

Cùng nuôi tôm theo tiêu chuẩn

Từ hiệu quả của mô hình nuôi tôm càng xanh, để tiến tới sản xuất bền vững, xây dựng thương hiệu, năm 2015, dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của UBND xã Trà Cổ, tổ hợp tác nuôi tôm càng xanh xã Trà Cổ được ra đời với 32 thành viên.

Sau khi thành lập, năm 2016, Chi cục Thủy sản Đồng Nai đã hướng dẫn, hỗ trợ các thành viên tổ hợp tác thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh VietGAP trên diện tích hơn 30 ha.

Với sự hướng dẫn tận tình về kỹ thuật, cách xử lý nguồn nước cũng như cách chọn giống, bảo vệ ao tôm, nên chất lượng và sản lượng tôm đã tăng đáng kể trong những năm qua.

Người dân xã Trà Cổ phát triển nghề nuôi tôm càng xanh. Ảnh: Lê Bình.

Người dân xã Trà Cổ phát triển nghề nuôi tôm càng xanh. Ảnh: Lê Bình.

Ông Hoàng Văn Bính, Tổ trưởng tổ hợp tác cho biết, khi nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP, các hộ dân phải đầu tư nhiều công sức, tiền bạc để cải tạo, bảo đảm cho ao nuôi sạch, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc kháng sinh. Trong quá trình nuôi, phải ghi chép nhật ký từ khi thả tôm giống đến khi xuất bán. Đổi lại, năng suất tôm luôn đạt yêu cầu, chất lượng và giá tôm ổn định nên bà con yên tâm và rất phấn khởi.

“Trước kia, bà con thường mua giống trôi nổi về thả nên có tình trạng tôm chết do không kiểm định được chất lượng. Từ khi nuôi theo hướng VietGAP, do được Chi cục Thủy sản Đồng Nai hỗ trợ tận tình về mặt kỹ thuật cũng như kịp thời giúp bà con kiểm tra nguồn nước nên vấn đề tôm chết đã được giải quyết, bà con yên tâm sản xuất. Đặc biệt, nếu dịch bệnh xảy ra chỉ cần gọi điện là cán bộ Chi cục Thủy sản xuống tận nơi hỗ trợ”, ông Bính chia sẻ.

Xây dựng thương hiệu

Theo ông Huỳnh Thanh Tân, Chủ tịch UBND xã Trà Cổ, nhờ chất lượng nguồn nước tốt, tôm càng xanh Trà Cổ ăn ngon, không thua kém mấy so với tôm thiên nhiên nên được thị trường rất chuộng. Đặc biệt, nhờ vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giá tôm càng xanh ở địa phương luôn cao hơn từ 10.000 - 20.000 đồng/kg so với hàng từ miền Tây, dù hình thức không to, không đẹp bằng.

Người nuôi tôm càng xanh xã Trà Cổ ứng dụng công nghệ vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, từng bước xây dựng thương hiệu. Ảnh: Trần Trung.

Người nuôi tôm càng xanh xã Trà Cổ ứng dụng công nghệ vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, từng bước xây dựng thương hiệu. Ảnh: Trần Trung.

Để tiến tới sản xuất bền vững, xác định xây dựng thương hiệu là vấn đề cấp bách, địa phương cũng đang hoàn tất thủ tục để đăng kí sản phẩm OCOP đối với tôm càng xanh Trà Cổ, gắn liền với tiêu chí về nông thôn mới kiểu mẫu của địa phương. Mới đây, người nuôi tôm địa phương rất phấn khởi khi được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sản phẩm đặc thù tôm càng xanh xã Trà Cổ.

Thương lái đến tận nơi thu mua tôm càng xanh cho bà con. Ảnh: Lê Bình.

Thương lái đến tận nơi thu mua tôm càng xanh cho bà con. Ảnh: Lê Bình.

“Điều đặc biệt làm nên chất lượng khác biệt của con tôm càng xanh Trà Cổ là do tôm nuôi từ nước suối trên núi chảy xuống. Ở Việt Nam chỉ riêng ở Trà Cổ mới nuôi tôm nước ngọt bằng nước suối. Ngoài điều khác biệt này, để đảm bảo chất lượng tôm sạch, nông dân ở đây nuôi tôm càng xanh theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là cơ sở để Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sản phẩm đặc thù tôm càng xanh xã Trà Cổ”, ông Huỳnh Thanh Tân - Chủ tịch UBND xã Trà Cổ chia sẻ.

“Từ nay đến năm 2025, Chi cục Thủy sản tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển tôm càng xanh, trong đó tập trung các giải pháp phát triển nuôi tôm 2 vụ (so với một vụ những năm trước đây); chuyển giao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới về giống, về kỹ thuật nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế; khuyến khích mở rộng vùng nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất cho con tôm”, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Nai Châu Thanh An cho biết.

Xem thêm
Kiên Giang bắt đầu thả giống nuôi tôm nước lợ từ tháng 1/2025

Năm 2025, Kiên Giang đề ra kế hoạch sản lượng tôm nuôi đạt 140.000 tấn, thời vụ thả giống nuôi tôm nước lợ từ tháng 1/2025.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.