| Hotline: 0983.970.780

Gió trên đồng lúa không còn nghèo

Thứ Ba 03/01/2023 , 09:28 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Những cánh đồng chỉ làm một vụ bấp bênh được chuyển thành ao hồ nuôi tôm càng xanh. Loài "tôm hùm nước ngọt" này cho thu nhập gấp 3 - 4 lần trồng lúa.

Vùng đồng ngoài của xã Đồng Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình), những hồ tôm nối liền nhau nên gió mát rượi. Ông Phạm Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Đồng Trạch giới thiệu: “Mấy năm trước, vùng này là trồng lúa một vụ nên nhìn chỉ thấy cây năn, lác, đồng nghèo lắm. Sau vụ nuôi tôm càng xanh có hiệu quả, nhiều gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi lúa sang tôm. Có con tôm, đồng nghèo vui hẳn. Ngoài đồng, lúc nào cũng có bóng người. Bà con bắt đầu làm giàu từ cánh đồng nghèo này”.

Thu nhập gấp 3 - 4 lần trồng lúa

Ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình cho hay, từ năm 2020, Trung tâm đã thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất trồng lúa kém hiệu quả tại xã Đồng Trạch (huyện Bố Trạch) với quy mô 6 hộ, diện tích nuôi thử nghiệm 3ha. “Trong vụ đầu tiên, tôm càng xanh sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, thích ứng với điều kiện sinh thái của địa phương. Thời gian nuôi tương đối ngắn, phù hợp với thời vụ nuôi tại Quảng Bình nên hạn chế được rủi ro do mưa lũ cuốn trôi. Hiệu quả kinh tế mang lại tăng gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa”, ông Hải nói.

Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm càng xanh ở Đồng Trạch tạo cho người dân hướng đi mới. Ảnh: T.P

Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm càng xanh ở Đồng Trạch tạo cho người dân hướng đi mới. Ảnh: Tâm Phùng.

Chúng tôi về xã Đồng Trạch, nơi có nhiều hộ chuyển đất lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm càng xanh toàn đực. Ông Phan Đệ, một trong những hộ ở xã Đồng Trạch tham gia mô hình cho hay, năm nay, gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi 6ha đất trồng lúa kém hiệu quả để tiến hành nuôi thử nghiệm tôm càng xanh toàn đực. Mới đầu triển khai, gia đình còn khá bỡ ngỡ vì chưa biết nhiều về quy trình và kỹ thuật nuôi. Nhưng nhờ sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh nên đã sớm tiếp cận được quy trình kỹ thuật, cách chăm sóc và xử lý sự cố khi nuôi tôm.

Ông Đệ chia sẻ: “Tôm càng xanh là loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, kích cỡ tương đối lớn, thịt thơm ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Cái hay của nuôi tôm càng xanh là giống tôm này có phổ thức ăn rộng, ngoài thức ăn công nghiệp có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương để bổ sung cho tôm càng xanh như cá tạp, tép”.

Vùng Đồng Cau vốn là đất lúa một vụ bấp bênh rộng trên 30ha. Hiện đã có trên 20 hộ dân cải tạo mặt bằng thành ao hồ để nuôi tôm càng xanh toàn đực với diện tích gần 20ha. Sáng sớm nay, ông Đệ kéo tôm bán cho thương lái. Tôm loại thường (khoảng 20 con/kg) giá tại đồng là 280 ngàn đồng/kg. Tôm loại lớn (dưới 12 con/kg) giá 300 ngàn đồng/kg.

Tôm được thả nuôi từ tháng 3, đến nay, ông Đệ đã xuất bán được trên 7 tạ tôm thành phẩm. “Dưới hồ còn khoảng 3 tạ nữa. Loại này bán phục bụ Tết đó. Đến đó thì tôm lớn chừng 7 - 10 con/kg, có giá bán khoảng 500 ngàn đồng/kg. Người ta đặt cọc rồi, nhưng chúng tôi không nhận vì còn phải tình toán cụ thể nữa chớ”, ông Đệ không giấu diếm.

Hơn 50 ha đất ruộng kém hiệu quả được bà con chuyển đổi sang nuôi tôm càng xanh toàn đực để có hiệu quả cao. Ảnh: TP

Hơn 50ha đất ruộng kém hiệu quả được bà con chuyển đổi sang nuôi tôm càng xanh toàn đực, cho hiệu quả cao gấp 3 - 4 lần trồng lúa. Ảnh: Tâm Phùng.

Anh Nguyễn Văn Hùng, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình, người lăn lộn, gắn bó với các mô hình trên địa bàn cho biết: Các hộ dân tham gia mô hình nuôi tôm càng xanh được hỗ trợ 50% giống và 50% vật tư (thuốc, thức ăn…).

Tính ưu việt của mô hình là sử dụng giống tôm càng xanh toàn đực, bởi tốc độ tăng trưởng của tôm đực nhanh hơn, trọng lượng lớn hơn, rút ngắn được thời gian nuôi. Hơn nữa, việc nuôi tôm càng xanh được quản lý một cách khoa học, quy trình kỹ thuật nuôi được chú trọng, do vậy, giảm thiểu dịch bệnh, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, sản phẩm có kết nối thị trường nên dễ tiêu thụ.

Lan tỏa “tôm hùm nước ngọt”

Với mục tiêu nuôi trồng thuỷ sản theo hướng bền vững, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế vùng đất nhiễm mặn của các địa phương, phát triển các đối tượng nuôi có chất lượng và giá trị kinh tế cao, từ năm 2021 đến gần cuối năm nay, mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên đất lúa kém hiệu quả gắn với tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được nhân rộng tại các xã Hồng Thủy (Lệ Thủy); Gia Ninh, Hàm Ninh, Vĩnh Ninh (Quảng Ninh); Đức Ninh (TP Đồng Hới); Đồng Trạch, Thanh Trạch (Bố Trạch)… với diện tích  gần 10ha, gồm 15 hộ tham gia.

Mấy năm trước, ông Nguyễn Văn Giới (xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh) đấu thầu vùng đất phía ngoài bãi ven sông Rào Con. Ông trồng lúa xen nuôi cá, tôm tự nhiên, mỗi năm cũng có thêm thu nhập mấy chục triệu đồng. Hay được tin người ta nuôi tôm càng xanh thành công, ông đến tận nơi học hỏi kinh nghiệm và cải tạo vùng đất lúa một vụ làm hồ.

Mô hình nuôi tôm càng xanh cho nông dân có thu nhập từ 100-120 triệu đồng/ha.  Ảnh: T.P

Mô hình nuôi tôm càng xanh cho nông dân thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng/ha. Ảnh: Tâm Phùng.

Ngày xuống giống, nhìn tôm còn bé hơn đầu tăm ông cũng lo lắm, ngày nào cũng đi quanh hồ nuôi vài vòng để kiểm tra xem có ếch, nhái, cá tạp léng phéng quanh đó không để bắt, kẻo sợ chúng xơi hết tôm của mình. Mấy tháng sau cũng không thấy tôm đâu, ông Giới quá sốt ruột nên bảo con trai kéo thử xem. Khi mẻ lưới được kéo lên, ông Giới mừng như bắt được… rùa vàng! Trên lưới, mớ tôm bằng đầu đũa ăn dày đặc, đưa càng lên bò lổm nhổm.

Hôm chúng tôi ghé thăm, ông lại sai con kéo nhẹ mẻ lưới được hơn 5 ký tôm, con nào con nấy gần bằng ngón tay cái người lớn. Ông bảo mang hấp tất để nhậu chơi. Tôm bóc vỏ để lại thịt trắng, ăn ngọt lừ đầu lưỡi, độ ngon chả kém tôm hùm biển chút nào. Ông Giới bở bụng: “Mọi người ăn thoải mái đi. Của nhà làm ra mà. Loại này hấp lên, chấm muối tiêu chanh uống rượu cứ gọi là… không vướng!”.

Lúc trò chuyện, ông Giới cũng không giấu, bảo cái giống này cứ thu hoạch đều, kéo lưới chọn con to mang bán, con nhỏ thảy lại nuôi thêm vài tuần cho lớn. Sau khi bán mấy lứa đầu, ông Giới mua lưới về bao quanh hồ để tránh lũ và nuôi hi vọng. Ông nói: “Đến giờ tính cả chi phí, biếu tặng thoải mái cũng đã lãi chút chút rồi. Nếu né được lũ muộn thì đến gần Tết là xả hồ bán hết. Tính nhẩm sơ sơ dưới hồ sản lượng tôm có giá trên 200 triệu đồng. Lãi lớn nằm ở đó đó!”.

"Tôm càng xanh để qua thời gian có thể lớn bằng cổ tay trẻ con, hai càng to kềnh ra. Loại này giá bán rất đắt và người ta tranh nhau mua. Khi đó là người ta ví nó là... tôm hùm nước ngọt đó!", ông Giới cười chêm vào câu chuyện.

Ông Nguyễn Công Phát (xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy) cho biết, gia đình nuôi thử nghiệm tôm càng xanh trong năm nay với diện tích một hồ rộng khoảng 0,6ha. Bước vào vụ nuôi, ông đã thả hơn 60.000 con giống tôm càng xanh toàn đực. “Sau 7 tháng nuôi thì gia đình thu hoạch. Trừ chi phí sản xuất, cũng có thu nhập hơn 50 triệu đồng, nhiều gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa”, ông Phát phấn khởi.

Diện tích hồ nuôi tôm càng xanh trên đất lúa kém hiệu quả ngày càng được mở rộng. Ảnh: T.P

Diện tích hồ nuôi tôm càng xanh trên đất lúa kém hiệu quả ngày càng được mở rộng. Ảnh: Tâm Phùng.

Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực được thực hiện trên đất lúa nhiễm mặn, kém hiệu quả ở một số địa phương trong tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Qua tính toán, người dân có thu nhập từ 100 - 120 triệu/ha từ nuôi tôm càng xanh. Việc người dân chuyển đổi đất lúa năng suất thấp sang nuôi tôm càng xanh cho thấy hiệu quả của mô hình và mở ra hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản.

Hiện, mô hình đang được bà con nông dân áp dụng nhân rộng trên địa bàn các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch với tổng diện tích nuôi trên 50ha. Ngoài nuôi chuyên canh, bà con thực hiện nuôi xen ghép với một số đối tượng khác như cá mè trắng, cá diếc… hoặc nuôi xen trong ruộng lúa. Nuôi tôm càng xanh được đông đảo bà con và địa phương đánh giá cao, xem đây là đối tượng nuôi mới có giá trị nhằm thay thế đối tượng nuôi truyền thống hiệu quả thấp mà các hộ nuôi đã áp dụng trước đây.

Tôm càng xanh là đối tượng nuôi khá mới, mô hình không chỉ đem lại thu nhập ổn định cho người dân mà còn làm thay đổi tư duy sản xuất của bà con trong nuôi trồng thủy sản. Ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình cho hay: “Thời gian tới, Trung tâm sẽ đề nghị các địa phương tranh thủ từ các nguồn kinh phí tiếp tục hỗ trợ, tuyên truyền, nhân rộng mô hình nuôi tôm càng xanh với quy mô phù hợp, bảo đảm nhu cầu tiêu thụ của thị trường và tăng hiệu quả sản xuất, tăng cao thu nhập cho nông dân”.

Xem thêm
Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.