| Hotline: 0983.970.780

Tôm 'rủ' lúa đi đường hữu cơ

Thứ Sáu 07/04/2023 , 19:22 (GMT+7)

Nông dân trên xã đảo Long Hòa - Hòa Minh phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh trên đất lúa còn manh mún, nhỏ lẻ, cần xây dựng thương hiệu để nâng giá trị.

Nguồn thu nhập chính

Với điều kiện về địa lý đặc trưng, 2 xã đảo Long Hòa và Hòa Minh, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh nằm giữa dòng sông Cổ Chiên, hàng năm thường chịu tác động của 2 mùa nước mặn và ngọt. Để thích ứng với điều kiện tự nhiên, bên cạnh trồng lúa, người dân xứ cù lao còn nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm càng xanh. Từ lâu, con tôm đã trở thành nguồn kinh tế mũi nhọn và là nguồn thu nhập chính của đa phần nông hộ nơi đây.

Nông dân cù lao Long Hòa – Hòa Minh đang thu hoạch tôm càng xanh. Ảnh: Hồ Thảo

Nông dân cù lao Long Hòa - Hòa Minh đang thu hoạch tôm càng xanh. Ảnh: Hồ Thảo.

Nông dân Nguyễn Văn Quốc ở xã Hòa Minh phấn khởi cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thu nhập bấp bênh dựa vào nguồn thu từ việc trồng lúa vào tháng nước ngọt. Khoảng vài năm trở lại đây, thấy bà con nuôi tôm càng xanh, bán có giá, mà lúa lại trúng nên tôi làm theo, từ đó có của ăn của để”.

Hàng năm, vào mỗi mùa thu hoạch tôm, các chủ trang trại, ao nuôi ở hai xã Long Hòa - Hòa Minh có lãi từ 50 đến 70 triệu đồng/ha, tùy theo giá cả thị trường. Đáng chú ý, việc canh tác xen canh nuôi tôm càng xanh trên đất lúa cũng được xem là mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, do có thể trồng lúa vào mùa mưa và nuôi tôm vào mùa khô trên cùng một diện tích canh tác. Với mô hình này, ngoài việc tăng giá trị lợi nhuận và tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái trong vùng, hướng đến nền nông nghiệp bền vững.

Trên diện tích canh tác khoảng 106ha nuôi tôm càng xanh kết hợp trên ruộng lúa tại cù lao Long Hòa - Hòa Minh, nhiều bà con nông dân chia sẻ sau khi nuôi một vụ tôm thì tiến hành trồng một vụ lúa. Khi đó những chất thải hữu cơ dưới đáy ao sau khi thu hoạch tôm sẽ làm cho ruộng lúa màu mỡ. Người trồng lúa hoàn toàn không cần sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật, thay vào đó chỉ bón phân hữu cơ để hạ phèn, giải độc còn sót trong đất. Đặc biệt sau mỗi vụ tôm, chất mùn bã hữu cơ, vi sinh vật và thức ăn dư thừa của con tôm là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cây lúa. Ngược lại sau vụ lúa, đất được cải tạo, môi trường thuận lợi nên tôm nuôi mau lớn, ít gặp rủi ro và dịch bệnh.

Bà Lê Thị Hiếu ở xã Hòa Minh cho biết, con tôm nuôi trên đất lúa khoảng 7 tháng có thể thu hoạch do ăn những vi sinh vật trên cây lúa. Ngoài ra, cây lúa có khả năng lọc sạch môi trường nước cho tôm sinh trưởng tốt. Bà Hiếu nuôi theo phương pháp này, con tôm mau lớn, nặng ký, khách hàng mua cũng khen tôm đẹp...

“Do hiện nay tôm càng xanh được thương lái mua có giá nên tôi cũng yên tâm chuẩn bị thả thêm vụ mới. Cụ thể, loại 7 - 10 con/kg, giá từ 270 - 300 nghìn đồng; loại 11 - 14 con/kg giá từ 200 - 210 nghìn đồng; loại từ 15 - 17 con/kg giá từ 170 - 190 đồng/kg. Vụ tôm vừa rồi sau khi trừ hết chi phí tôi vẫn còn lãi khoảng 70 triệu đồng”, bà Hiếu nói.

Con tôm dần trở thành thu nhập chính của nông dân trên cù lao Long Hòa - Hòa Minh. Ảnh: Hồ Thảo

Con tôm dần trở thành thu nhập chính của nông dân trên cù lao Long Hòa - Hòa Minh. Ảnh: Hồ Thảo.

Toàn xã Hòa Minh hiện có 1.553 lượt hộ thả nuôi với diện tích 561ha. Trong đó, tôm thẻ công nghiệp có 1.301 hộ với diện tích 435ha, tôm thẻ quảng canh có 252 hộ thả nuôi, diện tích 126ha. Đặc biệt tôm càng xanh có 205 hộ với diện tích 106,5ha, được 5,75 triệu con.

Ông Nguyễn Thanh Thưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Minh cho biết, phương thức canh tác nuôi tôm càng xanh kết hợp trên lúa ít tác động tiêu cực tới môi trường xung quanh, giúp sử dụng tài nguyên nước hợp lý theo từng thời điểm và mùa trong năm. Đồng thời, biện pháp này cũng như tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với tiêu chí sản xuất, thực hành nông nghiệp tốt. Nhờ đó giá trị hàng hóa cho cả tôm và lúa ngày càng được nâng cao. Nuôi tôm càng xanh kết hợp trên đất lúa thực sự là “hướng đi mở” cho nông dân Long Hòa - Hòa Minh. Hiệu quả trước mắt là chi phí sản xuất thấp, do không cần sử dụng nhiều thuốc và hóa chất. Đặc biệt là chi phí thức ăn và công sức lao động cũng giảm so với cách canh tác truyền thống, kéo theo lợi nhuận tăng lên. Điều đáng nói, nuôi tôm theo hình thức xen kẽ tôm - lúa là mô hình sản xuất phù hợp với khả năng của đa số nông dân và cho hiệu quả kinh tế khá cao.

“Hiện tại toàn xã có hơn 100 hộ nuôi tôm với trồng lúa hữu cơ, diện tích khoảng 45ha… Vừa rồi xã đã mở lớp tập huấn cho bà con về các dòng sản phẩm hữu cơ, cũng như đăng ký về thương hiệu, mẫu mã, tôm giống hữu cơ… Qua đó, mong muốn của người dân là sớm xây dựng được thương hiệu, để con tôm được vươn xa hơn và thứ hai là được bán giá cao hơn, chất lượng con tôm đạt hiệu quả cao hơn”, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Minh nói thêm.

Cần đăng ký thương hiệu

Ông Nguyễn Văn Quốc, Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản tỉnh Trà Vinh cho biết, mặc dù có tiềm lực phát triển, nhưng nhìn mặt bằng chung thì người dân Long Hòa - Hòa Minh vẫn chưa nuôi tôm theo một quy trình chuẩn, còn manh mún nhỏ lẻ. Các sản phẩm tôm tiêu thụ trên thị trường hầu hết chưa có nhãn hiệu, không có thông tin truy xuất nguồn gốc hay hệ thống nhận diện thương hiệu. Vì vậy, việc đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm tôm hữu cơ của hai xã đảo này là rất cần thiết. Qua đó, khai thác đúng giá trị của sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng nhất trong quy trình nuôi trồng tôm hữu cơ, đảm bảo các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế.

Cần xây dựng thương hiệu riêng, để nâng giá trị con tôm trên đất lúa. Ảnh: Hồ Thảo.

Trà Vinh xây dựng thương hiệu riêng, để nâng giá trị con tôm trên đất lúa. Ảnh: Hồ Thảo.

Trao đổi với ông Trần Văn Nhàn, Phó Trưởng phòng quản lý công nghệ, Sở KH-CN tỉnh Trà Vinh, ông cho biết UBND tỉnh đã phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển tài sản trí tuệ, đăng ký bảo hộ, quản lý và quảng bá nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm Tôm hữu cơ Long Hòa - Hòa Minh. Tổng nguồn kinh phí cho nhiệm vụ là trên 820 triệu đồng. Qua đó, nhằm hỗ trợ các chủ thể nuôi trồng, kinh doanh nâng cao giá trị sản phẩm tôm hữu cơ của hai xã Long Hòa - Hòa Minh và nâng cao đời sống kinh tế của người dân địa phương.

Hiện Sở KH-CN đang phối hợp với đơn vị tư vấn, cùng địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất tôm - lúa đến người dân. Song song đó, hướng dẫn quy hoạch vùng nuôi tôm, tỷ lệ giữa diện tích tôm và diện tích lúa. Quy trình kỹ thuật chăm bón lúa không ảnh hưởng đến nuôi tôm. Hướng dẫn việc ứng dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nuôi tôm. Sở KH-CN tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn, làm đề nghị nhãn mác tôm hữu cơ cho 2 xã Hòa Minh, Long Hòa…

“Có thể nhìn nhận rằng, với những điều kiện tự nhiên thuận lợi, nền tảng kỹ thuật trồng lúa hữu cơ sẵn có, kết hợp với tập quán nuôi tôm của người dân tại hai xã Long Hòa – Hòa Minh, đang tạo nên lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm tôm hữu cơ trên thị trường, thuận lợi cho quá trình xây dựng thương hiệu Tôm hữu cơ Long Hòa - Hòa Minh”, Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ, Sở KH-CN tỉnh Trà Vinh nói.

Xem thêm
Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.