| Hotline: 0983.970.780

Chuyện về HTX rau sạch của bà Mùi

Thứ Tư 16/12/2020 , 08:16 (GMT+7)

Non trẻ nhất nhưng HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến đã bước đầu khẳng định được mình với những sản phẩm mà bà con quen gọi là rau sạch bà Mùi

Chị Nguyễn Thị Mùi-Chủ tịch Hội Phụ nữ xã đồng thời là Phó Giám đốc hợp tác xã (HTX), sáng lập viên kể với chúng tôi rằng thời gian qua, do chạy theo lợi nhuận nên nhiều hộ sản xuất nông nghiệp đã cho ra các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn an toàn.

Sau đó, cũng có một số gia đình áp dụng thử theo chuẩn VietGAP, tuy nhiên cũng không cạnh tranh được với sản phẩm của thị trường đại trà. Bản thân chị học đại học nông nghiệp, hiện đang làm 1,5 ha rau ngót, bưởi Diễn, ổi lê, rất đam mê nhưng vẫn nhiều trăn trở.  Trong khi Nam Phương Tiến là xã vùng xa của huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội có núi đồi, có nguồn nước sạch, đất sạch, không khí sạch rất thuận tiện để sản xuất hữu cơ.

Đi theo định hướng này, đến tháng 9/2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã tuyên tuyền, vận động 15 hộ tâm huyết tham gia vào HTX. Đơn vị đã được Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội hỗ trợ về kinh phí cũng như các cơ hội tham gia những sự kiện hội chợ, triển lãm ngoài ra còn có sự giúp đỡ của các cơ quan ban ngành khác trên thành phố và huyện. Sau 7 tháng triển khai, cuối cùng HTX Nông nghiệp Hữu cơ Nam Phương Tiến cũng ra đời với đầy đủ giấy phép kinh doanh, mã số thuế, con dấu, tài khoản riêng.

Chăm sóc rau ở HTX. Ảnh: NNVN.

Chăm sóc rau ở HTX. Ảnh: NNVN.

Mục đích thành lập là để vận dụng các chính sách của Nhà nước, tập trung huy động các nguồn lực từ bên ngoài cũng như bên trong, tạo ra sức mạnh tập thể nhằm sản xuất các sản phẩm an toàn, cung ứng cho các nhà hàng, trường học, doanh nghiệp. Đồng thời, cung ứng 100% các dịch vụ như phân bón, thuốc BVTV sinh học, giống rau, vật nuôi cho các thành viên với giá cả phù hợp, chất lượng đảm bảo, giảm chi phí đầu vào, góp phần tăng thu nhập cho các thành viên.

Từ 15 thành viên ban đầu hiện HTX đã phát triển lên 23 thành viên với nhiều chủng loại sản phẩm như rau, quả, lúa, cá trên tổng diện tích 60 ha trong đó có 2 ha bưởi, 5 ha rau, hơn 50 ha lúa theo định hướng sản xuất hữu cơ.

Bước đầu HTX đã cung cấp rau cho công ty Suất ăn Công Nghiệp Hà Nội, cung cấp bưởi cho các siêu thị ở Hà Nội ngoài ra còn bán quanh vùng, được nhiều gia đình, đám cưới, đám hiếu, đám tiệc tin dùng, gọi là rau bà Mùi dù chưa có tem nhãn hữu cơ. Chất lượng rau, quả của HTX được nhiều người khen có sự khác biệt rất rõ rệt so với sản phẩm thông thường.

Thu hái rau ở HTX. Ảnh: NNVN.

Thu hái rau ở HTX. Ảnh: NNVN.

Tuy nhiên theo chị Mùi cho hay hiện nay trên thị trường có nhiều mô hình sản xuất nông sản an toàn với quy mô đầu tư lớn nên sự cạnh tranh rất khốc liệt. Thêm vào đó là nhận thức của bà con đối với mô hình HTX kiểu mới còn hạn chế, họ thường ngại phải sản xuất theo một quy trình kỹ thuật chung mà vẫn nặng về tính tự phát.

Cán bộ quản lý HTX đều mới và chủ yếu là phụ nữ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh. Nguồn vốn, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý và đầu tư sản xuất còn eo hẹp. Điều quan trọng nhất là nhiều người tiêu dùng vẫn còn chưa biết được đến những sản phẩm chất lượng của HTX nên giá bán dù không cao nhưng một số trà rau vẫn phải để quá lứa.

“Chúng tôi vẫn phải đang gồng mình để chứng minh cho người dân trong xã giá trị của sản xuất sạch cả về sức khỏe lẫn kinh tế chứ trước mắt cũng còn đang gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, để HTX hoạt động hiệu quả Ban quản trị sẽ tiếp tục phải tuyên truyền đến hộ gia đình, hội viên phụ nữ vận động họ tham gia. Triển khai ký cam kết với các hộ thành viên trong quá trình sản xuất làm sao đảm bảo chất lượng, an toàn theo hướng dẫn. Xây dựng kế hoạch sản xuất các chủng loại rau đặc trưng dựa trên lợi thế về thiên nhiên của địa phương. Phối hợp xây dựng phương án tìm kiếm thị trường tiêu thụ san phẩm.

HTX cũng đang định hướng vận hành theo Nghị định 98, tham gia vào sản xuất theo chuỗi liên kết, chuỗi giá trị. Để làm được điều đó, đơn vị rất mong sự quan tâm của Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội cũng như các cơ quan ban ngành để có thể tiếp cận được những hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, vốn, máy móc và nhất là tìm kiếm thị trường…”  

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bao bì, nhãn mác sản phẩm OCOP chưa bắt kịp xu thế người tiêu dùng

ĐBSCL Giữa chủ thể OCOP và các đơn vị thương mại, siêu thị đã có buổi trao đổi về năng lực cung cầu, kết nối giao thương, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL.

Bình luận mới nhất