| Hotline: 0983.970.780

Có bao nhiêu ca khúc xao xuyến về Quảng Nam Đà Nẵng?

Thứ Bảy 22/08/2020 , 09:13 (GMT+7)

Khi Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành tâm dịch Covid-19, thì những ca khúc viết về vùng đất này được công chúng trân trọng như món quà tinh thần cao đẹp.

Phố cổ Hội An là hình ảnh thường xuyên đi vào thơ nhạc.

Phố cổ Hội An là hình ảnh thường xuyên đi vào thơ nhạc.

Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam xưa nay vẫn có một tên gọi chung: đất Quảng! Một “đặc sản” mà nhiều người truyền tụng về đất Quảng là câu cửa miệng “Quảng Nam hay cãi”. Thế nhưng, người đất Quảng làm luật sư, không nhiều bằng người đất Quảng làm nhạc sĩ.

Đất Quảng đã sinh ra và nuôi dưỡng rất nhiều nhạc sĩ tài danh. Từ nhạc sĩ La Hối (1920-1945) với ca khúc “Xuân và tuổi trẻ” lừng lẫy thời tiền chiến, đến nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (1926-2004) với ca khúc “Nắng chiều” mở đầu dòng nhạc bolero tại Việt Nam. Danh sách nhạc sĩ xuất thân từ đất Quảng rất dài, có thể kể thêm từ Phan Huỳnh Điểu (1924-2015) nhạc sĩ Thuận Yến (1932-2014) nhạc sĩ Từ Huy (1948-2006) nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển (1947-2020) nhạc sĩ Đinh Trầm Ca…cho đến hiện tượng Lê Cát Trọng Lý.

Có lẽ “Bụt chùa nhà không thiêng” nên hầu hết các nhạc sĩ đều thành danh bên ngoài đất Quảng, và những ca khúc xao xuyến nhất của họ cũng chẳng mấy khi viết trực tiếp về đất Quảng.

Giai đoạn làm Bí thư Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh (1953-2015) luôn bày tỏ mong muốn có được những ca khúc hay viết về thành phố đáng sống nhất miền Trung. Thậm chí, trong cuộc gặp mặt 4500 cán bộ của Đà Nẵng tại Cung Thể thao Tiên Sa, ông Nguyễn Bá Thanh đề cập thẳng thắn: “Phải làm sao để có nhiều bài hát hay về Đà Nẵng giống như Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Hải Phòng, Đà Lạt, Nha Trang… Chứ quay đi quay lại, có mỗi cái “Đà Nẵng tình người” hát hoài!”.

Với bản tính nói là làm, ông Nguyễn Bá Thanh thường tiếp đãi rất trọng thị những nhạc sĩ khi họ đến Đà Nẵng để thực tế sáng tác. Đáng tiếc, thịnh tình rượu dâng trà rót mà ông Nguyễn Bá Thanh dành cho các nhạc sĩ lại không thu được ca khúc ưng ý. Thậm chí, có câu chuyện rất thú vị. Một ông nhạc sĩ tên tuổi đã công khai tuyên bố sẽ phổ nhạc cho một bài thơ ngắn của ông Nguyễn Bá Thanh để thành “Đà Nẵng ca”. Suốt thời gian ông Nguyễn Bá Thanh làm Bí thư Đà Nẵng, mỗi lần ông nhạc sĩ tên tuổi kia xuất hiện trên bãi biển Mỹ Khê thì tưng bừng tiệc lớn tiệc nhỏ. Vậy mà, ông Nguyễn Bá Thanh chuyển ra Hà Nội làm Trưởng ban Nội chính Trung ương rồi qua đời vì bạo bệnh đã lâu, vẫn chưa thấy “Đà Nẵng ca” đâu!

Muốn xây dựng sự thịnh vượng về vật chất cho một vùng đất, chỉ cần mất vài chục năm. Còn muốn xây dựng sự phong phú về văn hóa cho một vùng đất, có khi phải mất vài trăm năm. Tác phẩm nghệ thuật là một “trò chơi” mang tính “trời cho”, không phải muốn là được, không phải cầu là có.

Khi đất Quảng đối mặt với đợt bùng phát Covid-19, thì công chúng lại nghe vang lên nhiều ca khúc chứa chan tình cảm về Quảng Nam - Đà Nẵng. Thử điểm danh 5 ca khúc được trình diễn nhiều nhất trong các chương trình văn nghệ gây quỹ ủng hộ Quảng Nam - Đà Nẵng chống Covid-19.

Xét về mức độ phổ biến khắp nơi, thì ca khúc ‘Quê hương tuổi thơ tôi” của nhạc sĩ Từ Huy đứng đầu. Nhạc sĩ Từ Huy là một người con của Điện Bàn- Quảng Nam. Những ngày lập nghiệp tại phương Nam, nhạc sĩ Từ Huy đã viết ca khúc “Quê hương tuổi thơ tôi” để bái vọng nơi chôn nhau cắt rốn. Trong ca khúc “Quê hương tuổi thơ tôi” chỉ có duy nhất một địa danh của đất Quảng được nhắc đến là “sông Thu êm đềm”, nhưng những Quảng Nam - Đà Nẵng đều có quyền tự hào về bài hát này thuộc “sở hữu” của họ.

“Tôi yêu quê tôi, xanh xanh luỹ tre. Quê hương tuổi thơ đi qua đời tôi. Đường làng quanh co, sông Thu êm đềm. Thả diều đá bóng, nắng cháy giữa đồng. Biển trời mênh mông, tôi bay ngày ấy. Tiếng tu hú gọi, thấy nhớ biết bao. Tôi xa quê hương, bao năm tháng qua. Nhưng trong trái tim không bao giờ xa. Lời mẹ ru con hiu hiu trưa hè. Mùa lụt nước lũ, bắt cá giữa đường. Kỷ niệm yêu thương cho tôi ngày ấy. Biết đâu tìm lại, biết đâu mà tìm. Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi. Cho tôi tìm lại một ngày ấu thơ. Cho tôi tìm lại, cho tôi một ngày…”.

Xét về mức độ nổi tiếng trên phạm vi thành phố Đà Nẵng, thì ca khúc “Đà Nẵng tình người” ở vị trí số một. “Ca khúc “Đà Nẵng tình người” được nhạc sĩ Đình Thậm phổ từ thơ Ngân Vịnh.

“Đà Nẵng ơi, Đà Nẵng trong lòng tôi sao mà sâu mà nặng. Như tình cha muối mặn, như tình mẹ gừng cay. Cho lòng bao đắm say, cho đời bao nỗi nhớ. Núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển khơi. Đà Nẵng ơi, tình người. Đà Nẵng ơi, tình đời. Có qua bao lận đận, mới biết đâu biển cạn, đâu là dòng sông sâu. Có hiểu được lòng nhau, mới tới bờ tới bến. Có hiểu được lòng nhau, mới thấu hết nghĩa tình. Biển sóng xanh dập dềnh, nắng chiều vàng ngõ phố. Cho lòng bao nỗi nhớ, Đà Nẵng ơi duyên nợ. Cho lòng bao nỗi nhớ, Đà Nẵng ơi tình người…”.

Là một chàng trai sin trưởng ở Quế Sơn- Quảng Nam, nhạc sĩ Trần Quế Sơn (sinh năm 1972) khi vừa bước chân vào con đường sáng tác đã viết ca khúc “Yêu cái mặn mà” tri ân đất Quảng. Khi ấy chưa tách Đà Nẵng và Quảng Nam, nên trong ca khúc “Yêu cái mặn mà” có cả địa danh Hội An, Mỹ Sơn của Quảng Nam và địa danh Hòa Vang, Ngũ Hành Sơn của Đà Nẵng.    

“Nếu anh yêu cái mặn mà thì về Quảng Nam quê em. Nếu anh ưa cái nồng cay thì về Quảng Nam ân tình. Người ở miền Trung không ngại mưa ngại gió. Người ở miền Trung anh về anh sẽ thương. Nếu anh yêu những chùa chiền thì về Hội An anh xem. Nếu anh ưa ngắm trời xanh thì về lãng du Ngũ Hành. Rồi về Hoà Vang nghe mùi xôi nếp mới. Về làng anh em làm dâu nhà anh…”.

Ca khúc viết về đất Quảng được nhiều người yêu mến nữa là “Tình quê”, cũng của nhạc sĩ Trần Quế Sơn. Sau khi Quảng Nam Đà Nẵng tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng vào năm 1996, thì nhạc sĩ Trần Quế Sơn viết “Tình quê” dành cho Quảng Nam.

“Về đây thăm Quảng Nam, trong lòng tôi nghe xốn xang. Núi cao như tình mẹ, sông dài dài tình cha trìu mến. Về đây thăm cố hương, tôi nhìn nơi nao cũng thương. Đất quê đẹp tuyệt vời, tình yêu tôi trải rộng muôn người. Quảng Nam ơi! Quảng Nam ơi! Tôi chắc tình tôi thắm trên triền núi. Xanh ngắt vòm khoai ươm vàng nải chuối. Tôi mắc tình tôi thắm trên cành bưởi. Thơm tóc mẹ tôi xanh tóc chị tôi. Quảng Nam ơi!Quảng Nam ơi! Thương quá làng quê bão giông chìm nổi. Thương xóm làng xưa cánh đồng trên núi. Thương mía đường thơm tô mì gạo mới. Thương quá Hội An phố cổ đẹp ngàn đời…”.

Ca khúc “Tình em xứ Quảng” của Trần Ngọc, cũng là viết cho cho cả Quảng Nam và Đà Nẵng. Trong ca khúc “Tình em xứ Quảng” thấy hiện ra sông Hàn, sông Thu Bồn, thấy hiện ra biển Cửa Đại, thấy hiện ra Ngũ Hành Sơn

“Anh về nơi xứ Quảng, thăm người em phố Hội. Sông Thu Bồn con nước lững lờ trôi. Đường Chùa Cầu mưa buồn giăng ngập lối. Rừng thông xanh mưa thấm ướt bờ môi. Thương nhớ nhiều người em yêu xứ Quảng. Làn môi hồng suối tóc xõa ngang vai. Bờ mi cong nhấp nhô thuyền Cửa Đại. Sóng dạt dào vang vọng tiếng thông reo. Bao kỷ niệm mình bên nhau ước mơ chung đôi nhịp cầu. Nào ngờ đâu tuổi thơ ép vào trang giấy. Cuộc đời mộng mơ nhớ thương mùa phượng nở. Ngăn chia đôi bờ anh đứng chờ ngẩn ngơ. Da em trắng mịn màng hơn cát biển. Mắt em xanh như dòng nước Hàn Giang. Tình ta đẹp như vầng trăng soi sáng. Tên chúng mình lưu niệm Ngũ Hành Sơn”.

Với 5 ca khúc trên, trong mùa Covid-19, người Quảng Nam - Đà Nẵng có được phút giây quên bớt âu lo dịch bệnh để vượt qua thử thách nguy nan.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất