| Hotline: 0983.970.780

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025

Chủ Nhật 29/11/2020 , 19:25 (GMT+7)

Tiếp tục thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu...

Những thành quả nổi bật giai đoạn 2016-2020

Bộ NN-PTNT vừa tổ chức hội thảo “Tham vấn ý kiến dự thảo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025”.

Theo Bộ NN-PTNN, giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu tổng quát của việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp là tiếp tục định hướng trên 3 trụ cột về kinh tế, xã hội, môi trường với mục tiêu cụ thể là phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái và góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng.

Nông nghiệp Việt Nam đã hoàn thành tốt sứ mệnh an ninh lương thực, trở thành nước xuất khẩu lớn về nông sản trong giai đoạn qua. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nông nghiệp Việt Nam đã hoàn thành tốt sứ mệnh an ninh lương thực, trở thành nước xuất khẩu lớn về nông sản trong giai đoạn qua. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đối với mục tiêu kinh tế, đến năm 2020 tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt khoảng 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân ngành nông nghiệp đạt từ 3,5%/năm, tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 40%, tỷ trọng lao động nông nghiệp có chứng chỉ đào tạo đạt khoảng 22%.

Về mục tiêu xã hội, giai đoạn 2016 - 2020, tăng trưởng ngành được duy trì, thu nhập và đời sống của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện. Thu nhập của cư dân nông thôn đã tăng từ 32 triệu đồng/người năm 2016 lên 39,3 triệu đồng/người năm 2019 và ước đạt 43 triệu đồng/người năm 2020, gấp 1,92 lần so với năm 2015, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 15.000 HTX và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đã góp phần quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn.

Với mục tiêu môi trường, giai đoạn 2016 - 2020, năng lực phòng chống thiên tai ngày càng được nâng cao, các hoạt động được tổ chức toàn diện hơn, từng bước chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Việc quản lý sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu vô cơ ngày càng chặt chẽ, tăng cường sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2019 đạt 41,85%, năm 2020 ước đạt 42%...

Phát triển theo chiều sâu, vừa đảm bảo an ninh lương thực

Tại hội thảo, đông đảo các cơ quan, đại diện các bộ ngành, chuyên gia, các tổ chức quốc tế, hiệp hội và các doanh nghiệp… đã tham gia góp ý nhiều quan điểm, định hướng, chính sách cho Bộ NN-PTNT để triển khai xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý, hiến kế cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 để trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới. Ảnh: Trung Quân.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý, hiến kế cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 để trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới. Ảnh: Trung Quân.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng, cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn tới nên gắn liền với xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 vẫn cần hướng trọng tâm tới đảm bảo an ninh lương thực, tạo ra những sản phẩm giàu dinh dưỡng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Bổng nhấn mạnh, trong việc cơ cấu lại nông nghiệp theo các vùng sinh thái, cần cụ thể lợi thế so sánh của từng vùng, chỉ rõ sản phẩm nào là lợi thế cạnh tranh của vùng đấy, cũng như chỉ rõ những khó khăn đặc thù mà vùng sinh thái đó gặp phải. Từ đó, mới có thể đưa ra những định hướng, giải pháp cụ thể cho sự phát triển bền vững của vùng đó.

Bên cạnh đó, việc đưa ra các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần chú trọng vào 4 “nút thắt” cơ bản là: Cơ chế chính sách tích tụ đất đai; đổi mới lại phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ, cá thể sang phương thức sản xuất quy mô lớn hơn; cải thiện kết cấu hạ tầng và nâng cao năng lực phát triển khoa học công nghệ.

Tại hội thảo, đại diện Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn tới đang đối mặt với nhiều thách thức như: Năng lực cạnh tranh ngày càng thấp so với các lĩnh vực kinh tế khác; năng lực cạnh tranh toàn cầu yếu do chất lượng thấp, hệ lụy từ định hướng lấy sản lượng làm trung tâm trong giai đoạn đã qua; tốc độ và năng lực chuyển đổi số thấp so với các ngành khác; quy mô nông hộ siêu nhỏ còn lớn...

Trong bối cảnh đó, sứ mệnh của ngành nông nghiệp Việt Nam tới đây vẫn phải đảm bảo an ninh lương thực của trên 100 triệu dân, đảm bảo đủ cả về lượng, cân đối về dinh dưỡng và an toàn vệ sinh. Đảm bảo sinh kế cho hơn 9 triệu hộ nông dân (khoảng 26 triệu lao động nông thôn); cung cấp nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp thực phẩm; bảo vệ môi trường, môi sinh và đa dạng sinh học...

Tầm nhìn của ngành nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn tới, bên cạnh đảm bảo về an ninh lương thực - thực phẩm, còn phải trở thành nhà cung cấp lương thực, thực phẩm bền vững và có trách nhiệm, có năng lực cạnh tranh và nâng cao giá trị thương hiệu...

Việt Nam cần hướng tới mục tiêu trở thành nhà cung cấp lương thực, thực phẩm bền vững và có trách nhiệm, có năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu. Ảnh: TL

Việt Nam cần hướng tới mục tiêu trở thành nhà cung cấp lương thực, thực phẩm bền vững và có trách nhiệm, có năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu. Ảnh: TL

Nhiều đại biểu là lãnh đạo của các ban ngành, đại diện các bộ, hiệp hồi, doanh nghiệp... cũng hiến kế nhiều giải pháp, định hướng cần phải tập trung trong giai đoạn 2021-2025 cho ngành nông nghiệp, trong đó tập trung nhất là cần cải thiện chất lượng nông sản, sản xuất theo chiều sâu, gia tăng giá trị theo chuỗi; tăng cường liên kết sản xuất chặt chẽ hơn nữa giữa nông dân - HTX - doanh nghiệp; cải thiện khả năng tiếp cận chính sách, giúp nông dân, HTX, doanh nghiệp tiếp cận chính sách dễ dàng hơn; tập trung đổi mới về chính sách đất đai; chính sách về bảo hiểm nông nghiệp; đẩy mạnh khoa học công nghệ làm nền tảng và động lực, nhất là tiếp cận công nghệ cao, công nghệ thông minh trong ứng dụng sản xuất...

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong bối cảnh toàn thế giới đang trong trạng thái “biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ” nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng đang đứng trước những thách thức rất lớn. Vì vậy, người làm nông nghiệp phải chủ động thích ứng với mọi sự thay đổi.

Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng trong nội tại ngành nông nghiệp của Việt Nam hiện nay, đang tồn tại nhiều mâu thuẫn cần phải giải quyết như: Mâu thuẫn giữa sự phát triển với những thách thức, đe dọa đến từ biến đổi khí hậu cực đoan. Mâu thuẫn giữa mong muốn lợi nhuận trong thời gian ngắn của doanh nghiệp, của người nông dân với tư duy xây dựng chiến lược phát triển dài hạn trong cơ cấu lại nghành nông nghiệp.

Mẫu thuẫn giữa chủ trương tích hợp tổng thể và tư tưởng cục bộ đang diễn ra trong đời sống xã hội, cục bộ giữa các doanh nghiệp, giữa người nông dân, thậm chí là cục bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Mâu thuẫn giữa chủ trương, mục tiêu phát triển của từng địa phương khác nhau với việc tạo chuỗi liên kết vùng…

Ngoài ra, văn hóa hợp tác của các thành phần cùng tham gia xây dựng chuỗi liên kết như người nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học, cơ quan quản lý… chưa khăng khít, còn rời rạc, thậm chí dẫm chân lên nhau.

Thứ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn thời gian tới, tiếp tục nhận được các đóng góp, hiến kế của đông đảo các cơ quan, tổ chức quản lí nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân… trên cả nước nhằm tiếp tục hoàn thiện cho Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Bộ NN-PTNT sẽ nghiêm túc chủ trì, tổng hợp, nghiên cứu để xây dựng Kế hoạch cơ cấu ngành giai đoạn 2021-2025 để trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới.

  • Tags:
Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.