Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, giai đoạn 2016 – 2020 được xem là thời kỳ “hoàng kim” của phong trào liên doanh, liên kết sản xuất các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, VietGAP.
“Nếu như trước năm 2016 chưa xuất hiện mô hình trồng trọt, chăn nuôi VietGAP nào, thì từ năm 2016 đến nay toàn tỉnh hình thành được hàng trăm mô hình VietGAP, tập trung chủ yếu cở các sản phẩm chủ lực như cam, bưởi, rau của quả, chăn nuôi lợn, nuôi tôm…”, ông Lê Đức Nhân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh nói.
Các chuỗi liên kết kết từ cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm bắt đầu được chú trọng, trở thành yếu tố gần như bắt buộc để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. Điển hình phải kể đến các chuỗi liên kết phát triển chăn nuôi lợn gia công giữa nông dân với Công ty CP Việt Nam, Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, Tập đoàn Dabaco tại các huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ, Cẩm Xuyên; liên kết cung ứng giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật giữa Tập đoàn CP, Công ty Growbest với các HTX, hộ nuôi tôm trên cát ở các xã ven biển huyện Kỳ Anh, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Lộc Hà.
Doanh nghiệp tư nhân Tân Thanh Phong (huyện Hương Khê) mở rộng liên kết thu mua, bao tiêu sản phẩm với các hộ trồng cam, bưởi Phúc Trạch; Tập đoàn Quế Lâm, Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh, Công ty KC... liên kết sản xuất, bao tiêu lúa giống, lúa hàng hóa theo mô hình cánh đồng lớn; Công ty CP Chè Hà Tĩnh mở rộng diện tích liên kết trồng, chế biến chè xuất khẩu…
Hơn một thập kỷ qua, Công ty CP Chăn nuôi Mitraco (Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh) là doanh nghiệp “đầu kéo” đắc lực trong thực hiện Đề án tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh Hà Tĩnh.
Ông Hồ Sỹ Huy Thảo, Giám đốc công ty cho hay, đơn vị không chỉ đầu tư nguồn lực phát triển chăn nuôi quy mô lớn mà còn liên doanh, liên kết phát triển chăn nuôi lợn siêu nạc, cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y, tư vấn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Công ty đang liên kết với 5 HTX chăn nuôi lợn nái gia công với quy mô trên 300 nái/hộ; liên kết với 30 hộ tại các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh, Hương Khê chăn nuôi vệ tinh lợn thương phẩm; hỗ trợ người dân ứng trước tiền gia công để chuyển đổi công nghệ từ chuồng hở sang chuồng kín.
Theo ông Lê Đức Nhân, việc sản xuất theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp đã khắc phục các hạn chế của sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật mới về giống, công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất, đảm bảo sản phẩm chất lượng, an toàn. Đặc biệt, yếu tố tích cực, bền vững nhất chính là thay đổi tư duy “thâm căn cố đế” trong nhận thức, năng lực quản trị của người nông dân; nâng cao hiệu quả kinh tế lên từ 10 - 30% so phương thức cũ.
Điều chỉnh linh hoạt quy mô, đối tượng sản xuất theo nhu cầu thị trường
Trước đây, không riêng gì Hà Tĩnh, rất nhiều địa phương trên cả nước chỉ đạo, định hướng sản xuất “lệch pha” khiến cho thị trường cung – cầu mất cân đối, dẫn đến thực trạng đổ bỏ hàng vạn tấn dưa hấu, rau củ quả hay ớt cay…
Để khắc phục thực trạng trên, Hà Tĩnh đang điều chỉnh linh hoạt quy mô, đối tượng sản xuất theo nhu cầu thị trường. Ví dụ cụ thể là sản xuất vụ đông năm 2020. Mặc dù quỹ đất có thể làm vụ đông lên đến trên 20.000 ha song để đảm bảo “chắc ăn” Hà Tĩnh chỉ sản xuất ổn định trên dưới 10.000 ha.
Ông Phan Văn Huân, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh cho hay, vùng sẽ tập trung sản xuất ngô sinh khối và ngô lấy hạt là các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ để phục vụ chăn nuôi nông hộ và cung cấp nguyên liệu cho Công ty bò sữa Vinamilk (khoảng 120 ha).
Vùng Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Kỳ Anh khuyến khích sản xuất ngô nếp thu bắp tươi. Cây khoai lang cơ cấu ở vùng cao của đất 2 lúa, đất cát pha thịt nhẹ các huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Lộc Hà. Rau các loại sản xuất tập trung trên đất chuyên canh rau, đất 2 lúa, đất vườn ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố...