Bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Thanh Hóa là một trong những tỉnh có số lượng đơn vị hành chính cấp xã, huyện xây dựng NTM lớn nhất cả nước, có 11 huyện miền núi với 7 huyện nghèo. Thế nhưng, đến thời điểm này, Thanh Hóa là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về số xã, huyện đạt chuẩn NTM.
Theo ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa, tái cơ cấu nông nghiệp có vai trò rất lớn trong xây dựng NTM. Quá trình tái cơ cấu nông nghiệp tại Thanh Hóa giúp nhà nông tăng nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp, từ đó thúc đẩy quá trình xây dựng NTM.
“Xây dựng NTM sẽ không còn ý nghĩa nếu người dân ở các khu vực nông thôn không nâng cao được đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần. Vì vậy, phát triển kinh tế ở vùng nông thôn, giữ gìn bản sắc văn hóa vùng miền được coi là nhiệm vụ lớn trong xây dựng NTM tại Thanh Hóa. Chúng tôi xác định không về đích NTM bằng mọi giá. Nếu xã chưa đạt chuẩn thì xây dựng thôn, bản đạt chuẩn NTM. Nhiều thôn bản đạt chuẩn thì sẽ có nhiều xã đạt chuẩn NTM” – ông Giang cho hay.
Ông Giang nêu ví dụ, Hoằng Lưu được xếp vào một trong những xã khó khăn nhất của huyện Hoằng Hóa. Vì vậy, khi xây dựng NTM, xã Hoằng Lưu xác định phải làm sao đời sống kinh tế nhân dân được nâng lên. Chỉ có như vậy mới thúc đẩy quá trình xây dựng NTM ở địa phương này.
“Nếu năm 2010, hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích ở đây chỉ đạt khoảng 30 triệu đồng/ha/năm thì nay đã đạt 95 triệu đồng/ha/năm. Để người dân thoát nghèo, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và nhân dân đã tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi một cách linh hoạt để đạt được mục tiêu phát triển vượt bậc về kinh tế” – ông Giang chia sẻ.
Ông Lương Hồng Phương, một nông dân tại xã Hoằng Lưu có 5.000 m2 đất cát bạc màu. Trước đây, gia đình ông trồng các loại rau màu nhưng cát bỏng, rau màu không phát triển được, hiệu quả kinh tế thấp. Cách đây vài năm, ông học hỏi cách trồng măng tây xanh. Đến nay, trên diện tích cát phỏng, mỗi năm gia đình ông thu về trên dưới 200 triệu đồng. Theo ông Phương, nếu không có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong phát triển kinh tế thì đến thời điểm này gia đình ông vẫn nằm trong tình trạng hết sức khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Bốn, Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Lưu cho biết, đây là địa phương có địa hình sâu trũng của huyện; đất màu đa phần là cát bỏng, bạc màu nên trồng cây gì, nuôi con gì cũng khó khăn. Nhưng nhờ có chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, địa phương đã chuyển gần 100 ha đất sâu trũng sang mô hình cá lúa; xây dựng nhiều mô hình có sức lan tỏa. Nhờ chuyển dịch mạnh mẽ, đến nay thu nhập bình quân đầu người tại Hoằng Lưu đã đạt 60 triệu đồng/người/năm.
“Từ một xã nghèo của huyện, tưởng chừng như NTM là câu chuyện xa vời thì Hoằng Lưu đã cán đích trước hẹn. Phát triển kinh tế đã giúp địa phương thuận lợi hơn trong quá trình xây dựng NTM” – ông Bốn cho hay.
Theo ông Lê Đức Giang, tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM có quan hệ tương trợ lẫn nhau, giúp nông thôn xứ Thanh tiến về phía trước.
“Vấn đề cốt lõi là có nhiều mô hình tái cơ cấu, nhiều mô hình xây dựng NTM được lồng ghép nguồn vốn để cùng thực hiện. Sản phẩm cuối cùng là đời sống người dân được nâng lên cả vật chất lẫn tinh thần; bộ mặt nông thôn thay da đổi thịt. Kinh tế phát triển, nền tảng văn hóa vùng miền được lưu giữ là điều kiện quan trọng nhất trong xây dựng NTM” – ông Giang chia sẻ.
Đến tháng 9/2019, Thanh Hóa có 8/27 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 379/569 xã, 947/5.401 thôn bản đạt chuẩn NTM; 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 13 thôn bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 sẽ có thêm 9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và có 100% số xã đạt chuẩn NTM vào năm 2030.