| Hotline: 0983.970.780

Cơ giới hóa trên 'đất thép'

Thứ Ba 10/01/2017 , 09:15 (GMT+7)

Những ngày cuối năm, hàng trăm cán bộ ngành nông nghiệp và bà con nông dân ở 9 tỉnh phía Nam đến cánh đồng xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi (TP.HCM) tham quan mô hình trình diễn máy cấy lúa...

Những ngày cuối năm, hàng trăm cán bộ ngành nông nghiệp và bà con nông dân ở 9 tỉnh phía Nam đến cánh đồng xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi (TP.HCM) tham quan mô hình trình diễn máy cấy lúa do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cty Sài Gòn Kim Hồng tổ chức.
 

"Mãn nhãn"

Từ sáng sớm những cỗ máy cấy và hàng trăm khay mạ non đã được huy động đưa ra cánh đồng xã Tân Thạnh Tây để chuẩn bị cho một buổi trình diễn. Từng nhóm nông dân xúm lại quanh máy cấy nhập ngoại, nhiều người mải mê “nghiên cứu”, người thì quan tâm hỏi thăm thông số kỹ thuật… khiến không khí của buổi hội thảo đầu bờ càng thêm “nóng”.

13-38-44_nh-113-38-44_nh-3
Trình diễn máy cấy lớn và nhỏ trên đồng ruộng Củ Chi
 

Bà Đào Thị Như Hòa, GĐ Cty Sài Gòn Kim Hồng, đơn vị nhập khẩu, phân phối máy nông nghiệp hào hứng cho biết: “Lâu nay bà con thường áp dụng sạ tay, hàng hay sạ lan thì không thể sản xuất loại gạo cao sản được. Với loại máy cấy này sẽ giúp bà con áp dụng cơ giới hóa sản xuất ra gạo chất lượng phục vụ xuất khẩu. Hơn nữa, còn giúp giảm công lao động, nếu cấy bằng tay phải cần tới 50 người/ha/ngày; trong khi sử dụng máy cấy 6 hàng có thể cấy được 4 ha/ngày và tương đương với khoảng 100 người”.

Theo bà Hòa, đối với hai loại máy cấy, lớn và nhỏ khi áp dụng phải tùy theo từng diện tích ruộng. Cụ thể ở miền Bắc và miền Trung thường sản xuất quy mô nhỏ nên loại máy nhỏ 4 hàng cấy rất tiện dụng. Còn vùng ĐBSCL thì có thể áp dụng loại máy cấy lớn tự hành ngồi lái rất phù hợp.

Hiện những cỗ máy cấy này công ty đã trình diễn và phân phối tại thị trường miền Bắc, miền Trung. Nông dân đang sử dụng phổ biến, hiệu quả và tiện dụng, phù hợp với điều kiện sản xuất. Thậm chí với những người đầu tư làm dịch vụ thì cũng cho hiệu quả kinh tế, có thể thu từ 15 - 20 triệu đồng/ngày.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, loại máy cấy đẩy tay có công suất 1,5 ha/ngày và máy tự hành có công suất 3,5ha/ngày, đều có xuất xứ từ Hàn Quốc. Máy đẩy tay cấy đồng thời 4 hàng, khoảng cách hàng cách hàng là 30cm; máy tự hành cấy 6 hàng, khoảng cách hàng cách hàng cũng 30cm, cả 2 loại máy đều có thể điều chỉnh khoảng cách cây cách cây từ 12 - 18cm…

Mọi người đều mãn nhãn với cả máy cấy 2 bánh (người đi bộ điều khiển) và máy cấy 4 bánh tự hành đều hoạt động tốt, cấy nhanh, chuẩn xác, khoảng cách lúa rất đều…
Theo đại diện nhà sản xuất, với công nghệ làm mạ khay, mạ được trồng trong những khay tiêu chuẩn, có thể gieo trước sân, trong vườn, giúp đảm bảo chất lượng, hạn chế sâu bệnh… sử dụng khoảng 300 khay mạ/ha.

Đặc biệt, máy có thể điều khiển độ nông, sâu khi cấy mạ xuống nhờ hệ thống thủy lực để phù hợp với nền đất lúa từng địa phương khác nhau. So với cấy tay thủ công, máy cấy lúa giúp giảm giá thành sản xuất (giảm công cấy), tăng năng suất, lợi nhuận cho bà con… Tuy nhiên, để máy cấy phát huy hiệu quả cao, ruộng phải được san thật phẳng, mỗi ô tối thiểu 1.000m2, không lầy thụt, chủ động được nguồn nước và dùng công nghệ làm mạ khay.
 

Nhân rộng

Ở nước ta, việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đã được triển khai từ lâu, nhưng chưa đồng bộ. Đặc biệt, trong bối cảnh nghề trồng lúa ngày càng thiếu hụt lao động, dẫn tới bị động trong sản xuất, giá công cấy ngày càng cao. Do vậy, các địa phương đang rất quan tâm đến việc áp dụng cơ giới hóa trên động rộng.

Theo bà Hòa, giá nhập khẩu loại máy cấy tự hành (Hàn Quốc) là 160 triệu đồng/máy và 60 triệu đồng/máy cấy hai bánh đẩy tay. Ưu điểm là máy cấy không hư vặt như máy gặt, phụ tùng thay thế có sẵn 100% các chi tiết, giá cả hợp lý.

“Việc sử dụng máy sẽ được đội ngũ kỹ thuật viên của công ty chuyển giao nhanh chóng, dễ dàng. Thậm chí, với nông dân các địa phương chưa có điều kiện mua máy, nếu có nhu cầu công ty sẽ “rinh” máy đến cấy thuê cho bà con với chi phí giá rẻ hơn thuê người cấy. Hoặc khi bà con đầu tư mua máy cấy, nhưng chưa làm được mạ khay thì công ty cũng sẵn sàng gieo mạ thuê bằng chính giống lúa do bà con cung cấp. Cam kết sẽ đảm bảo về năng suất, chất lượng”, bà Hòa khẳng định.

13-38-44_nh-4
Nông dân các tỉnh rất quan tâm đến cơ giới hóa trên đồng ruộng
 

Nông dân Dương Văn Châu, ấp Cây Dương, xã Tân Mỹ, huyện Châu Thành (Trà Vinh) cùng rất nhiều nông dân vùng ĐBSCL từ sáng sớm đã có mặt tại cánh đồng. Ông Châu phấn khởi chia sẻ: “Qua thực tế xem trình diễn máy cấy này, bà con mừng nhất là giảm được ngày công lao động; đồng thời cũng đúng theo khuyến cáo của các nhà khoa học là hạn chế giống. Đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu với nhiều rủi ro khi gieo mạ ngoài đồng. Nếu áp dụng loại máy cấy này sẽ rất tiện dụng và giúp lúa phát triển tốt hơn so với gieo sạ bình thường”.

Theo ông Châu, trong thời kỳ hội nhập xã hội hóa công tác giống, lúa giống là tiền đề nên tốt nhất phải áp dụng cơ giới hóa để cho năng suất và chất lượng lúa cao và giảm chi phí. Hy vọng các địa phương sẽ sớm triển khai những điểm trình diễn mô hình để nhiều nông dân được tận mắt tham quan và ứng dụng.

Trao đổi với NNVN, ông Ngô Văn Đây, Phó văn phòng thường trực Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: “Nông nghiệp Việt Nam không thua kém so với các nước trên thế giới, mặc dù năng suất cây trồng cao nhưng năng suất lao động vẫn còn thấp vì chưa đưa cơ giới hóa vào sản xuất đại trà. Nếu áp dụng cơ giới hóa trong khâu gieo cấy sẽ giúp lúa cho năng suất cao hơn từ 10 - 20% so với gieo sạ. Đặc biệt, trong điều kiện biến đổi khí hậu, việc áp dụng cơ giới hóa rất thích hợp vì rút ngắn được thời gian sinh trường từ 10 -15 ngày, sẽ tránh được những bất lợi về hạn mặn”.

Theo ông Đây, việc ứng dụng cơ giới hóa hiện còn chậm do nông dân thiếu vốn đầu tư. Tuy nhiên, đối với mô hình khuyến nông sẽ được nhà nước hỗ trợ 5 triệu đồng/mô hình. Thời gian tới Chính phủ cũng sẽ giải quyết cho nông dân vay vốn không lãi suất trong 3 năm để đầu tư vào cơ giới hóa.

+ “Diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã chủ yếu tập trung trồng cỏ nuôi bò, nhưng vài năm gần đây địa phương có chủ trương khôi phục nghề trồng lúa nước. Do vậy, việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất là cần thiết. Xã sẽ đặt vấn đề với cấp trên hỗ trợ nguồn vốn vay cho bà con đầu tư mua sắm thiết bị cơ giới hóa ứng dụng vào sản xuất hiệu quả”, ông Nguyễn Đức Còn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thạnh Tây cho biết.

"Bộ NN-PTNT đang phát động phong trào cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, giảm lượng giống gieo sạ để tăng hiệu quả kinh tế. Việc đưa máy cấy vào sản xuất sẽ tận dụng được nhiều lợi thế về áp lực thời vụ trên cánh đồng; tận dụng được hiệu ứng ánh sáng, vì hàng lối chuẩn giúp giảm đổ ngã, sâu bệnh, tăng năng suất. Đặc biệt trong điều kiện thiếu nhân công, việc ứng dụng gieo cấy bằng máy chính là giải pháp đột phá về cơ giới hóa, về năng suất…”. - PGS.TS Mai Thành Phụng, nguyên Trưởng bộ phận thường trực Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phía Nam nói.

 

Xem thêm
Hà Nội kiểm soát tốt dịch bệnh và an toàn thực phẩm

Sáng 9/1, Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội (Sở NN-PTNT Hà Nội) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 2025.

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Vượt bão lũ thiên tai, sản xuất nông nghiệp Hà Nội đạt kết quả ấn tượng

HÀ NỘI Sáng 9/1, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.