![anh-101503_988.jpg Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu khảo sát cánh đồng lúa chất lượng cao ở xã Châu Thới. Ảnh: Trọng Linh.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/13/anh-101503_988-085319.jpg)
Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu khảo sát cánh đồng lúa chất lượng cao ở xã Châu Thới. Ảnh: Trọng Linh.
Huyện Vĩnh Lợi có hơn 17.000ha đất trồng lúa. Nhiều năm qua, địa phương đã đầu tư nguồn vốn cho các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh như hệ thống điện, đường, kênh mương, ô đê bao, trạm bơm điện.
Đến nay, toàn huyện cơ bản có ô đê bao khép kín để ứng phó tình trạng ngập úng cục bộ trong mùa mưa. Trong đó, đã đầu tư hoàn chỉnh 8 ô đê bao khép kín gắn với trạm bơm điện tập trung cho hơn 1.100ha sản xuất lúa.
Ông Tô Thanh Hải, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Lợi cho biết vừa đề xuất UBND huyện triển khai vùng sản xuất lúa chất lượng cao, hướng dẫn nông dân nắm rõ phương thức sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Hiện nay, huyện từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ. Đồng thời mở rộng, đầu tư mới các ô đê bao khép kín gắn với trạm bơm điện tập trung và giao thông.
Huyện cũng tạo điều kiện và hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp phát triển, tăng cường liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Mục tiêu là xây dựng những cánh đồng lớn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.
![1-nong-dan-dbscl-thu-hoach-lua-tom-va-lua-dong-xuan-som-101948_798.jpg Hiện trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi có 12.700ha tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Ảnh: Trọng Linh.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/13/1-nong-dan-dbscl-thu-hoach-lua-tom-va-lua-dong-xuan-som-101948_798-085320.jpg)
Hiện trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi có 12.700ha tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Ảnh: Trọng Linh.
Ông Phạm Sỹ Nhân, nông dân ấp Nàng Rèn, xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi) cho biết: Từ khi tham gia sản xuất trong cánh đồng lớn đã chủ động được việc điều tiết nước, kể cả khi xuất hiện mưa trái mùa cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Lợi còn ưu tiên đầu tư cho các tổ hợp tác, HTX hoạt động hiệu quả để lan tỏa, nhân rộng ra các xã, thị trấn trong toàn huyện.
Hiện trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi có 12.700ha tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gồm 8 vùng sản xuất phân bổ ở 8 xã, thị trấn. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông trong vùng sản xuất lúa chưa đồng bộ nên chưa thuận lợi cho vận chuyển vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ lúa hàng hóa.
Với 22 tuyến đường có tổng chiều dài 85km (đường bê tông, chiều rộng mặt đường 3m) được đầu tư mới, sẽ giải quyết căn bản giao thông, tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất lúa cho vùng dự án. Cùng với phát triển giao thông, huyện cũng tập trung liên kết sản xuất, phát triển HTX, xây dựng và cấp mã số vùng trồng, thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Theo ông Tô Thanh Hải, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Lợi, chỉ khi liên kết sản xuất thật sự tốt gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đảm bảo cho lĩnh vực sản xuất lúa phát triển bền vững và thích nghi với sự phát triển chung của khu vực. Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh ở huyện Vĩnh Lợi là bước đi quan trọng nhằm nâng cao giá trị sản xuất lúa.
Ông Trần Anh Thi, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi cho biết: Thế mạnh của huyện Vĩnh Lợi là sản xuất lúa. Vì vậy, huyện sẽ tiếp tục duy trì và phát triển vùng chuyên canh lúa thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung đầu tư vào hạ tầng cơ sở như điện, đường, kênh mương, ô đê bao, trạm bơm điện với mục tiêu nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, huyện khuyến khích phát triển các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp để thúc đẩy liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ lúa.