Dưới 15 độ C không thả ngựa ra ngoài
Cũng như nhiều hộ gia đình khác ở xã Na Hối (huyện Bắc Hà, Lào Cai), gia đình ông Nông Văn Toàn nuôi một vài con ngựa để phát triển kinh tế. Khi ngựa lớn có thể bán được 50 - 70 triệu đồng mỗi cặp. Một phần tiền bán ngựa sẽ được mua con ngựa khác, còn lại sử dụng vào những việc cần thiết phục vụ sinh hoạt gia đình.
![1586339326451-110818_472.jpg Một chú ngựa được nuôi trong chuồng trại xây kiên cố. Ảnh: H.Đ.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/13/1586339326451-110818_472-085252.jpg)
Một chú ngựa được nuôi trong chuồng trại xây kiên cố. Ảnh: H.Đ.
Chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi và phòng, chống rét cho đàn ngựa, ông Toàn cho hay, các bãi chăn thả hiện nay không nhiều, diện tích nhỏ nên bà con thường nuôi nhốt trong chuồng, vì thế an tâm hơn thả rông ngoài đồng cỏ. Vào mùa này, bà con tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp, chuẩn bị trước thức ăn dự trữ cho cả đàn.
"Mùa lạnh, ngựa gần như không bị cước chân như trâu nên chăm sóc cũng thuận lợi hơn. Chỉ cần giữ ấm chuồng trại bằng cách che chắn bạt, nền chuồng khô ráo là được. Ngựa khi được ăn đủ bữa sẽ có sức khỏe tốt. Thức ăn gồm rau, cỏ, lá ngô kết hợp với cám ngô có sẵn trong nhà", ông Toàn chia sẻ.
Cũng theo ông Toàn, quá trình cho ngựa ăn, bất kể mùa nào, máng ăn phải sạch sẽ, không để thức ăn thừa cũ ôi thiu, qua ngày khiến ngựa dễ bị đau bụng.
Nhiều năm chăn nuôi, bà con vùng cao đã đúc rút được những kinh nghiệm riêng. Khi ngựa mắc bệnh, bà con sử dụng thuốc theo hướng dẫn của cán bộ thú y và áp dụng những bài thuốc dân gian, lấy lá thuốc cho ngựa ăn.
Nhờ có kỹ thuật, kinh nghiệm trong chăn nuôi nên ở Na Hối, nhiều hộ gia đình đã chuyển nuôi trâu sang nuôi ngựa. Trong số gần 500 con ngựa trên địa bàn xã thì chủ yếu là ngựa thương phẩm bán thịt, xương để nấu cao. Số ít còn lại nuôi ngựa để đua trong các dịp lễ hội.
Theo ông Vũ Ngọc Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Na Hối, người chăn nuôi cần thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết để có kế hoạch phòng, chống rét cho trâu bò, ngựa đạt hiệu quả cao. Tốt nhất những ngày giá rét dưới 15 độ C nên giữ gia súc tại chuồng, không chăn thả.
Trường hợp bắt buộc phải đưa gia súc ra ngoài thì nên từ khoảng sau 8h sáng, khi thời tiết không có mưa phùn, gió lạnh. Giữ ấm cho gia súc bằng cách mặc áo ấm trước khi đưa chúng ra ngoài, nhất là những con già yếu và còn non... Đến nay, bà con tuân thủ các yêu cầu phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi nên chưa có con trâu, bò, ngựa bị chết.
Trâu bò khỏe mới bán được giá
Ở các xã vùng cao của huyện Bát Xát (Lào Cai) thường xảy ra rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến chăn nuôi. Chính vì vậy, cán bộ địa phương phải đến từng thôn bản tuyên truyền, vận động bà con chủ động phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi.
![giu-tai-san-biet-di-vuot-qua-mua-ret-cat-da-cat-thit-111909_674.jpg Người dân dùng bạt quây kín chuồng để giữ ấm cho gia súc. Ảnh: H.Đ.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/13/giu-tai-san-biet-di-vuot-qua-mua-ret-cat-da-cat-thit-111909_674-085252.jpg)
Người dân dùng bạt quây kín chuồng để giữ ấm cho gia súc. Ảnh: H.Đ.
Theo ông Hà Ngọc Linh, Phó Chủ tịch UBND xã A Lù (huyện Bát Xát), trên địa bàn xã có 730 con trâu, số ít còn lại là bò và ngựa. Do thời tiết diễn biến phức tạp, rét đậm, rét hại nên xã thường xuyên đôn đốc, họp thôn tuyên truyền, vận động nhân dân đảm bảo dự trữ thức ăn cho đàn gia súc; quây kín chuồng trại để đảm bảo trâu, bò không bị chết đói, chết rét...
"Chúng tôi tuyên truyền, hướng dẫn bà con sử dụng rơm, cỏ, lá chuối, bẹ ngô khô để lót nền chuồng; trấu, củi để đốt sưởi; bạt, bao nilon, phên, nứa để quây che xung quanh chuồng; chuẩn bị chăn, áo, bao tải gai (tận dụng đồ cũ) để làm áo chống rét cho trâu, bò, chú ý sử dụng chất liệu bông thấm nước, không dùng chất liệu nilon vì không thấm nước, hơi nước sẽ đọng lại và thấm ngược trở lại làm trâu bò bị rét", ông Hà Ngọc Linh nhấn mạnh.
Thường xuyên theo dõi thời tiết nên ngay từ đầu đợt rét đậm, ông Sủng Seo Súa ở xã A Lù đã chủ động vệ sinh chuồng trại, đưa đàn trâu về chuồng. Những con trâu trong chuồng của gia đình nhờ được ăn rơm và cỏ nên đều có sức khỏe tốt. "Rét như thế này phải giữ ấm cho con trâu thì nó mới khỏe, bán mới được giá chứ. Chỉ cần quây bạt và tích trữ cỏ, ủ rơm, ngô... cho trâu ăn no, khỏe thì sẽ không bị rét, bị ốm", ông Sùng Seo Súa cho hay.
Hiện nay, huyện Bát Xát có đàn gia súc 21 nghìn con. Từ khi thời tiết chuyển lạnh, ngành nông nghiệp huyện đã truyền thông rộng rãi tới người dân các biện pháp phòng, chống đói rét và dịch bệnh cho đàn gia súc.
Theo ông Lý Khánh Lâm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bát Xát, qua kiểm tra, một số xã vùng cao có nhiệt độ thấp như Y Tý, Sàng Ma Sao, A Lù, A Mú Sung... cơ bản bà con các xã đã tích trữ thức ăn chăn nuôi cũng như đảm bảo phòng, chống rét cho đàn vật nuôi.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai, hiện toàn tỉnh có hơn 620 nghìn con gia súc, trên 5,3 triệu con gia cầm. Công tác kiểm dịch vận chuyển và kiểm soát giết mổ trên địa bàn được quan tâm thực hiện tốt. Các địa phương đang sát sao chỉ đạo công tác phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.