Thông tin trên do Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN-PTNT) Trần Văn Công cho biết tại hội thảo “Giới thiệu về thị trường Trung Quốc: kinh nghiệm hợp tác và cơ hội kinh doanh” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ tổ chức ở Cần Thơ.
Ông Trần Văn Công. |
Báo NNVN đã trao đổi với ông Trần Văn Công để làm rõ hơn vấn đề này.
Cơ hội lớn
Trong 9 tháng, Trung Quốc siết chặt kiểm soát hàng nông lâm thủy sản của nước ta nhưng kết quả thặng dư vẫn khá, vì sao?
Trung Quốc siết chặt kiểm soát để đảm bảo an toàn thực phẩm, yêu cầu đi đường chính ngạch và thông tin truy xuất nguồn gốc, hàng hóa có bao bì nhãn mác rõ ràng. Các cơ quan quản lý hai nước tăng cường đàm phán và nhiều doanh nghiệp của ta tích cực đổi mới nên đã khơi thông được nhiều mối giao thương.
Chẳng hạn, rau quả nước ta sang Trung Quốc dù có giảm so với cùng kỳ năm 2018 nhưng vẫn xấp xỉ tổng giá trị nông lâm thủy sản của Trung Quốc sang ta (gần 2 tỷ USD). Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch nhiều mặt hàng trái cây tươi như thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, chuối, mít, măng cụt (từ tháng 4/2019). Trong đó, có 4 loại trái cây chiếm từ 85% - 95% thị phần Trung Quốc.
Hiện đang đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch với ưu tiên cao cho sầu riêng, khoai lang tím; và các mặt hàng khác như thạch đen (sương sáo), chanh leo, bưởi, dừa, na, roi, bơ. Các loại cây dược liệu như thảo quả, hồi và quế cũng đang đàm phán. Chúng ta đã cấp trên 1.200 mã số vùng trồng, 564 nhà đóng gói đáp ứng thị trường Trung Quốc.
Về thủy sản, hiện tại có 665 cơ sở được phép xuất khẩu vào Trung Quốc với danh mục 128 mặt hàng, 44 mặt hàng thủy sản sống. Trung Quốc vừa công bố cắt giảm thuế về 0% cho 33 mặt hàng thủy sản là tôm hùm, tôm sú, tôm biển, cá tuyết, nghêu, cá tra đông lạnh, cá basa, cá nục gai, cá ngừ đại dương…
Ông đánh giá thế nào về thị trường Trung Quốc đối với hàng nông lâm thủy sản của nước ta?
Rất lớn và đang có nhiều cơ hội. Việt Nam có đường biên giới đất liền với Trung Quốc hơn 1.450km, đi qua 2 tỉnh của Trung Quốc (Vân Nam, Quảng Tây) và 7 tỉnh của Việt Nam (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên). Ở biên giới có 34 cửa khẩu (7 cửa khẩu quốc tế, 7 cửa khẩu chính, 20 cửa khẩu phụ) và nhiều đường mòn lối mở cho việc xuất khẩu nông sản thuận lợi.
Hai nước đã có Hiệp định Thương mại biên giới ký ngày 9/12/2016, hiện đang triển khai Hiệp định Thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN. Trung Quốc đã loại bỏ thuế nhập khẩu trên 95% dòng thuế của danh mục chung trước ngày 01/01/2012; trong số 5% dòng thuế còn lại đã được cắt giảm về 5 - 50% vào cuối năm 2018. Với mặt hàng thủy sản lợi thế của nước ta, Trung Quốc đang áp thuế 0%, đây là một lợi thế của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực.
Trung Quốc đang là thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Thống kê chính thức năm 2018, xuất nhập khẩu hai chiều 106,69 tỷ USD (Việt Nam xuất 41,26 tỷ USD; nhập 65,43 tỷ USD), thâm hụt thương mại 24,17 tỷ USD. Thế nhưng nông lâm thủy sản nước ta lại thặng dư 6,17 tỷ USD trong kim ngạch hai chiều 11,12 tỷ USD (xuất khẩu 8,64 tỷ USD và nhập khẩu 2,47 tỷ USD).
Những sản phẩm nào của nước ta có cơ hội lớn?
Nông lâm thủy sản Việt Nam xuất khẩu chính sang Trung Quốc gồm rau quả, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, lúa gạo, sắn và sản phẩm từ sắn, điều, cà phê, tiêu, chè, cao su, lâm sản. Trong đó, Trung Quốc đang là thị trường lớn nhất của hàng xuất khẩu Việt Nam về cao su, sắn và tinh bột sắn, rau quả; thị trường lớn thứ 3 về đồ gỗ; thị trường lớn thứ 4 về chè; thị trường lớn thứ 5 về thủy sản; thị trường lớn thứ 12 về cà phê. Với gạo xuất khẩu của Việt Nam, trước 2017 Trung Quốc chiếm khoảng 30%, từ năm 2018 tỷ trọng này đang giảm nhưng vẫn có tiềm năng. Đặc biệt, thủy sản và đỗ gỗ còn nhiều triển vọng.
Hàng năm, Trung Quốc nhập khoảng 160 tỷ USD nông sản (rau quả 9 - 10 tỷ; thủy sản 8 - 10 tỷ; thịt và sữa 9 - 10 tỷ; gạo 2 - 2,5 tỷ). Đó là thị trường rất lớn và đầy tiềm năng cho nông lâm thủy sản nước ta.
PV: Một doanh nghiệp nước ta vừa được Trung Quốc chấp thuận xuất khẩu sữa chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, mở ra tiềm năng mới. Với mặt hàng này họ yêu cầu như thế nào? Ông Trần Văn Công: Sữa và sản phẩm sữa phải đáp ứng yêu cầu về chứng nhận kiểm dịch, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, đăng ký doanh nghiệp và bao bì nhãn mác. Chỉ doanh nghiệp đăng ký và được Trung Quốc chấp thuận mới được xuất khẩu vào Trung Quốc, sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và Trung Quốc. |
Yêu cầu cao
Trung Quốc đã có thu nhập bình quân đầu người một năm hơn 10.000 USD, yêu cầu chất lượng sản phẩm không thua các thị trường chất lượng cao khác, để xuất khẩu được nông lâm thủy sản thì chúng ta phải làm gì?
Trước tiên phải thay đổi nhận thức về thị trường để có chính sách và kỹ thuật đáp ứng tốt hơn. Thật ra, quy định về nâng cao chất lượng sản phẩm đã được các cơ quan quản lý hai nước thống nhất nhiều năm nay.
Chẳng hạn như tháng 9/2012, ký lại Thỏa thuận Hợp tác Kiểm soát An toàn thực phẩm, Sản phẩm thủy sản xuất nhập khẩu giữa hai nước.
Tháng 6/2013 ký Thỏa thuận Kiểm soát an toàn Nông sản, Thực phẩm xuất nhập khẩu giữa hai nước. Tháng 1/2014 ký Thỏa thuận Hợp tác trao đổi thông tin Kiểm dịch động vật, an toàn thực phẩm sản phẩm bột cá và mỡ cá làm thức ăn chăn nuôi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Năm 2016 có các Thỏa thuận Hợp tác trong lĩnh vực An toàn thực phẩm và Kiểm dịch động thực vật; về Kiểm dịch thực vật và An toàn thực phẩm cám gạo làm thức ăn chăn nuôi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Nghị định thư kiểm dịch Gạo xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Năm 2019, chỉ trong tháng 4 có các Nghị định thư về yêu cầu thú y và sức khỏe cộng đồng đối với các sản phẩm sữa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc; về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với măng cụt xuất khẩu sang Trung Quốc; Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong kiểm soát dịch bệnh trên sản phẩm thực vật tại khu vực biên giới.
Trong đó, nội dung chính là gì thưa ông?
Quy định chung là hàng hóa thực phẩm phải trong danh mục được phép xuất khẩu vào Trung Quốc; mọi thực phẩm ghi nhãn bao bì đúng quy định; trái cây có thông tin truy xuất nguồn gốc.
Nông, thủy sản và thực phẩm phải tuân thủ Luật An toàn thực phẩm 2015 và Luật Kiểm dịch động thực vật xuất nhập khẩu của Trung Quốc và các văn bản hướng dẫn thực hiện 2 Luật; còn phải tuân thủ luật của Việt Nam, được các cơ quan có thẩm quyền như Cục Bảo vệ Thực vật, Thú y, NAFIQAD kiểm tra. Doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc phải có đủ điều kiện và được cấp chứng thư xuất khẩu. Cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc có thể tiến hành thanh kiểm tra khi cần thiết.
Tôm nuôi được kiểm soát môi trường tốt, ao có mã số đang rộng đường vào Trung Quốc. |
Ông có thể cho biết yêu cầu với hai mặt hàng lớn là trái cây và thủy sản?
Trái cây phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và qui định về an toàn nguyên liệu thực phẩm và quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc. Về kiểm dịch thực vật, các lô hàng xuất khẩu không được nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật và phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu (vườn trồng phải có chứng nhận GAP, nhà đóng gói phải đạt tiêu chuẩn…). Phía Việt Nam phải đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói với Hải quan Trung Quốc. Phải xin cấp giấy phép nhập khẩu và đăng ký thực hiện kiểm dịch thực vật với Cơ quan kiểm dịch. Sản phẩm đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật bao gói, đảm bảo điều kiện vệ sinh, không nhiễm côn trùng hại.
Về thủy sản, doanh nghiệp xuất khẩu phải có đủ điều kiện máy móc, trang thiết bị sản xuất, kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng cơ bản đối với sản phẩm, nhà xưởng, kho tàng và yêu cầu kỹ thuật có liên quan nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (hồ sơ kỹ thuật, nhật ký sản xuất, v.v). Được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (NAFIQAD) kiểm tra, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo qui định của Việt Nam và của Trung Quốc, cấp mã số đưa vào danh sách được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Thủy sản sống đăng ký tương tự như trên và cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc có thể tiến hành thanh kiểm tra khi cần thiết trước khi cho phép nhập khẩu. Các loại thủy sản tươi sống khác, đăng ký với NAFIQAD kiểm tra, đưa vào danh sách Trung Quốc cho phép nhập khẩu.
Thương mại hai chiều và một số sản phẩm tăng giảm mạnh trong 9 tháng đầu 2019 so với cùng kỳ 2018. Nước ta xuất sang Trung Quốc 6.028.587.265 USD với mặt hàng tăng cao là chè 20.035.459 USD (tăng 66,2%), hạt điều 384.657.322 USD (tăng 40%), thủy sản 831.818.347 USD (tăng 14,2%); giảm mạnh là gạo 192.880.568 USD (giảm 66,8%), thức ăn gia súc và nguyên liệu 142.634.868 USD (giảm 17,6%), rau quả 1.906.993.757 USD (giảm 14,4%). Nhập từ Trung Quốc 1.970.657.202 USD với mặt hàng tăng mạnh là bông các loại 4.350.610 USD (tăng 154,5%), gỗ và sản phẩm gỗ 429.521.240 USD (tăng 41,8%), sản phẩm từ cao su 241.922.597 USD (tăng 22,9%); giảm chỉ có 3 mặt hàng là dầu mỡ động thực vật 6.513.606 USD (giảm 44%), thức ăn gia súc và nguyên liệu 140.263.085 USD (giảm 19%), phân bón các loại 269.231.035 USD (giảm 1,4%). |