Theo Liên hợp quốc, diện tích trồng cây thuốc phiện ở Afghanistan hiện còn khoảng 163.000ha.
“Máy” in tiền
Chiếm được đầu não Kabul, báo chí phương Tây loan tin Taliban sở hữu nguồn tài nguyên dồi dào trị giá tới 1.000 tỷ USD, trong đó có nhiều kim loại quý như lithium hay đất hiếm. Nhưng để khai thác được các nguồn khoáng sản của tương lai đó cần có công nghệ cao, thứ mà Taliban sẽ khó có được trong bối cảnh tương lai hợp tác quốc tế còn vô cùng mờ mịt.
Dễ nhất vẫn là thuốc phiện. Nó đúng nghĩa là một cỗ máy in tiền, nhất là nhìn từ lịch sử hoạt động của Taliban.
Diện tích 163.000ha do Liên hợp quốc công bố là số liệu mới nhất có từ năm 2019, đến nay chắc chưa đổi do thời gian qua Afghanistan triền mien khủng hoảng điều hành và Taliban thì tiệm tiến mở rộng lãnh thổ. Nên nhớ là chỉ 1 năm trước đó, diện tích còn nhiều hơn thế 100.000ha, có nghĩa là chỉ cần Taliban muốn, cây thuốc phiện sẽ lại nở hoa khắp chốn.
Vào cùng thời điểm đó, doanh thu từ thuốc phiện được ước khoảng 2,1 tỷ USD, trong đó chủ yếu là đưa ra nước ngoài tiêu thụ, biến nó thành mặt hàng đơn độc cao hơn cả tổng kim ngạch xuất khẩu chính thức của Afghanistan năm 2019. Thêm so sánh khác, thuốc phiện đem lại nguồn tiền bằng khoảng 11% GDP, thấp hơn tổng giá trị toàn ngành nông nghiệp khoảng 44%.
Cũng trong năm 2019, cây thuốc phiện đem đến 119.000 việc làm toàn thời gian cho người dân địa phương và cả lao động được thuê từ nơi khác khi vào vụ thu hoạch. Tiền công bình quân mỗi ngày được cho tương đương khoảng 4 USD, riêng công thu hoạch cao hơn, ở mức 6 USD.
Giá mua tại đồng của cây thuốc phiện theo số liệu có được vào năm 2018 bình quân khoảng 63 USD/kg.
Taliban bỏ túi được bao nhiêu?
Một mình Taliban không nắm trong tay được hết nguồn thu được từ thuốc phiện. Lực lượng này cũng luôn phủ nhận cáo buộc tổ chức trồng và tiêu thụ cây thuốc phiện ở những khu vực mà họ kiểm soát.
Tuy nhiên, tại tỉnh Helmand - cứ địa của tổ chức này đã có 136.000ha vào thời điểm cao nhất trước năm 2019. Và ngay tại thủ đô Kabul những năm trước đây, Liên hợp quốc ghi nhận vẫn có khoản 480ha trồng cây thuốc phiện. Ít nhất là trong vòng 2 thập niên qua, Afghanistan luôn giữ được ngôi đầu về sản lượng thuốc phiện và Liên hợp quốc ước tính nguồn hàng từ đây chiếm khoảng 80% nguồn cung cấp toàn cầu.
Trong đà tiến chiếm Kabul hồi đầu tháng 8, Taliban tuyên bố sẽ xóa cây thuốc phiện. Thế giới tin hay không là chuyện khác. Số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, lực lượng này đang kiểm soát ít nhất 64.000ha, chủ yếu là ở Helmand, nơi có sản lượng chiếm suýt soát 39% sản lượng toàn cầu.
Chính thức thì Taliban không tổ chức trồng cây thuốc phiện, nhưng họ nắm vai trò bảo kê. Vẫn theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Taliban thu thuế xuất đồng tương đương 10% sản lượng thu hoạch. Sau khi bào chế, thuế tiếp tục được thu từ tổ sản xuất thành phẩm cũng như tổ chức buôn lậu. Nguồn thu của Taliban cao điểm được cho là lên tới 400 triệu USD mỗi vụ.
Một số phân tích cho rằng, nếu chỉ nhìn ở góc độ sinh kế tạo thu nhập cho người dân thuần túy, cây thuốc phiện là mặt hàng duy nhất tạo ra giá trị thặng dư ở mảng phi công nghiệp.
Thuốc phiện từ Afghanistan bao phủ 95% nhu cầu thị trường ở châu Âu, 1% ở Mỹ. Trước năm 2020, thuốc phiện chủ yếu được buôn lậu qua các tuyến đường bộ. Gần đây, cơ quan pháp luật đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển đường biển, đi qua Ấn Độ dương để đến châu Âu.