Guillaume Pitron, tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Cuộc chiến kim loại quý hiếm”, cho biết: Afghanistan “đang nằm trên một nguồn dự trữ khổng lồ về lithium chưa được khai thác cho đến ngày nay”. Afghanistan cũng là quê hương của các loại đất hiếm được sử dụng trong lĩnh vực năng lượng sạch như: Neodymium, praseodymium và dysprosium. Sự giàu có về tài nguyên khoáng sản chưa được khai thác của nước này được USGS định giá khoảng 1 nghìn tỷ USD, mặc dù trước đó giới chức Afghanistan đã đưa con số này cao gấp 3 lần.
Theo đó, mỏ khoáng sản này bao gồm một số trữ lượng sớm sẽ có thể được chuyển đổi thành nguồn năng lượng tái tạo cho thế giới, trong khi trước đó Afghanistan đã phải vật lộn để khai thác các mỏ tài nguyên khổng lồ của mình.
Taliban hiện bị ràng buộc về tài chính kể từ khi họ quay trở lại nắm quyền bính đất nước 20 năm sau khi bị lật đổ, và các nguồn viện trợ lớn ngừng hỗ trợ cho Afghanistan.
Các cuộc chiến tranh kéo dài liên miên cùng với cơ sở hạ tầng yếu kém đã ngăn cản nước này tiếp cận với các mỏ kim loại được đánh giá có thể vực dậy nền kinh tế của quốc gia Nam Á.
Theo báo cáo hồi đầu năm nay của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), các nguồn tài nguyên này bao gồm bauxite, đồng, quặng sắt, lithium và đất hiếm. Trong đó đồng là nguyên liệu cần thiết để làm dây cáp điện, đã trở thành mặt hàng nóng trong năm nay khi giá tăng vọt lên hơn 10.000 USD/tấn.
Ngoài ra lithium cũng là một yếu tố quan trọng để sản xuất pin ô tô điện, tấm pin mặt trời và trang trại điện gió đang hút hàng ttreen khắp thế giới. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA), nhu cầu thế giới về lithium dự kiến sẽ tăng hơn 40 lần vào năm 2040.
Đến nay, Afghanistan mới chỉ khai thác tương đối tốt các loại đá quý như ngọc lục bảo và hồng ngọc, cũng như đá tourmaline và đá lapis lazuli dạng bán quý hiếm. Tuy nhiên các hoạt động kinh doanh những mặt hàng này thường xuyên gặp phải khó khăn do hoạt động buôn lậu bất hợp pháp sang Pakistan. Ngoài ra nước này cũng khai thác trữ lượng talc, đá cẩm thạch, than đá và sắt.
Cơ hội cho các nhà đầu tư Trung Quốc đã tới?
Trong bối cảnh hiện nay, khi sự tiếp quản đất nước của Taliban có thể còn là rào cản ngăn các nhà đầu tư nước ngoài, thì một quốc gia đang tỏ ra sẵn sàng làm ăn với họ, trong đó nổi lên là Trung Quốc.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cho biết, họ sẵn sàng có quan hệ "hữu nghị và hợp tác" với Afghanistan sau khi Taliban tiến vào Kabul.
Trước đó, vào năm 2007, Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước đã giành được quyền thuê mỏ quặng đồng Mes Aynak khổng lồ trong 30 năm và khai thác 11,5 triệu tấn hàng hóa này.
Theo tờ Global Times của Trung Quốc, dự án khai thác mỏ đồng chưa được khai thác lớn thứ hai thế giới này hiện vẫn chưa bắt đầu hoạt động "do các vấn đề an toàn". Tuy nhiên một nguồn tin khác nói rằng, hiện họ đang "xem xét mở cửa trở lại sau khi tình hình chính trị tại Afghanistan ổn định và nhận được sự công nhận của quốc tế, trong đó có Bắc Kinh".
Ryan Hass, một chuyên gia cấp cao tại Viện nghiên cứu Brookings có trụ sở tại Washington (Mỹ) cho biết, trong khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc tỏ thái độ "không mấy nhiệt tình" với việc Taliban tiếp quản thủ đô Kabul, tuy nhiên "điều đó không đại diện cho chủ nghĩa thực dụng".
Ông Hass viết: “Sự do dự phát triển của Bắc Kinh đối với khoản đầu tư lớn vào mỏ đồng Mes Aynak cho thấy họ sẵn sàng kiên nhẫn theo đuổi lợi tức đầu tư”.
Trong khi đó, chuyên gia người Pháp Pitron thì nói: "Người Trung Quốc thường không đặt điều kiện các giao dịch kinh doanh của họ dựa trên các nguyên tắc dân chủ".
Ông Pitron cảnh báo không có gì chắc chắn rằng Afghanistan sẽ trở thành mỏ khoáng sản El Dorado (một game điện tử chiến thuật gay cấn). “Để làm được điều đó, bạn cần một môi trường chính trị rất ổn định và có thể phải mất tới 20 năm, bởi sẽ không có doanh nghiệp nào muốn đầu tư nếu không có một hệ thống chính trị và luật pháp ổn định", ông Pitron cho hay.