| Hotline: 0983.970.780

Cỗ máy khử mùi hôi thối

Thứ Hai 09/11/2015 , 07:08 (GMT+7)

Khoảng 3 năm trở lại đây, nghề nuôi lợn ở xã Đại An, huyện Thanh Ba, Phú Thọ rất phát triển. Nhưng đằng sau đó là câu chuyện lo âu về môi trường.

Ông Lê Hồng Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Đại An cho biết: Toàn xã có 3.133 hộ dân thì gần 100% số hộ chăn nuôi, trong đó có khoảng 100 gia trại. Tuy nhiên, chỉ có khoảng hộ đầu tư xây, lắp hầm biogas. Nhờ sự tuyên truyền quyết liệt của địa phương, đặc biệt là cán bộ khuyến nông, thú y, nhận thức bảo vệ môi trường của người chăn nuôi đã được nâng lên rất rõ rệt.

“Bây giờ, chỉ cần nuôi 2 - 3 con lợn nái sinh sản là chủ hộ đã nghĩ đến việc đầu tư xây dựng hầm biogas rồi. Nhu cầu xây dựng công trình khí sinh học là rất lớn”, ông Dương nói.

Chưa tính số đầu lợn thịt, nhập giống từ các nguồn bên ngoài, chỉ riêng số đầu lợn nái sinh sản của xã đã lên tới 300 con (mỗi năm sản xuất trên 6.000 lợn giống).

Từ ngày triển khai dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp, sử dụng vốn vay ngân hàng, các hộ dân được hỗ trợ 3 triệu đồng/hầm biogas. Nhiều gia đình đã tranh thủ xây, lắp công trình để xử lý chất thải chăn nuôi. Tuy nhiên, một tỷ lệ vẫn còn ngần ngại, bởi quy trình thủ tục để được nhận hỗ trợ chưa nhanh chóng.

“Ví dụ, người dân phải ứng khoảng 10 – 13 triệu đồng để xây dựng hầm biogas cỡ nhỏ, sau đó phải qua quá trình nghiệm thu, nếu đạt yêu cầu mới được hỗ trợ. Một vài người lo không nhận được nguồn tiền này nên chưa quyết tâm làm. Tôi chắc chắn, nếu được hỗ trợ luôn thì sẽ có nhiều người đầu tư xây, lắp hơn”, ông Dương nói.

Theo báo cáo của Trạm Khuyến nông huyện Thanh Ba, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, huyện đã xây, lắp thêm được 345 hầm biogas, trong đó có 161 hầm xây và 184 hầm composite. Vượt 145 hầm so với kế hoạch cả năm 2015. Có được thành tích trên, ngoài sự nỗ lực của chính quyền các cấp, các ngành còn có sự hỗ trợ đắc lực của BQL Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp.

Nhận thức được vấn đề bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng để phát triển chăn nuôi, hàng năm, UBND xã luôn gắn công tác tuyên truyền xây dựng hầm biogas với các chương trình tập huấn. Ví dụ, chăn nuôi thú y có 4 lớp, khuyến nông có 4 lớp.

Nhà ông Bùi Quang Sửu ở khu 4, xã Đại An hành nghề nuôi lợn từ chục năm nay. Trong chuồng luôn có khoảng 40 – 50 đầu lợn thịt và chục đầu lợn nái sinh sản. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế eo hẹp, gia đình ông mới chỉ đầu tư được chiếc hầm biogas dung tích 11 m3.

Chủ của đàn lợn cho biết: “Chúng tôi nhận thức được rằng quy mô của công trình chưa đủ lớn để đảm bảo xử lý toàn bộ phân thải. Biết tin nhà nước có hỗ trợ xây hầm khí sinh học, sắp tới gia đình sẽ cố gắng dành một khoản lợi nhuận từ nuôi lợn để lắp thêm hầm biogas. Môi trường sạch thì lợn cũng đỡ bệnh hơn”.

Anh Vũ Mạnh Đạt, chủ hộ trại lợn quy mô 15 lợn nái sinh sản ở khu 4 cũng chia sẻ, dùng hầm biogas không chỉ xử lý môi trường rất hiệu quả, mà còn tận dụng được nguồn chất đốt vô cùng giá trị.

Trước đây, tiền điện, gas phục vụ sinh hoạt mỗi tháng gia đình anh mất khoảng 400.000 đồng, nhưng đến nay chỉ mất 120.000 đồng vì thay thế được hệ thống bóng đèn thắp sáng, khí đốt từ việc sử dụng khí sinh học từ hầm biogas.

Tại xã Đại An, cán bộ, Đảng viên luôn là người đi đầu trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật để xử lý chất thải chăn nuôi. Ví dụ, đồng chí Trần Quốc Khánh, cán bộ địa chính xã (trú tại khu 5) lắp hầm biogas để xử lý chất thải cho 15 đầu lợn nái sinh sản. Các hộ dân xung quanh sang tham quan, biết được lợi ích của công trình khí sinh học nên đã học tập.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.