Khai thác đúng ngư trường
Không phải là địa phương mạnh về khai thác thủy sản xa bờ (chỉ 346 chiếc tàu) nhưng việc tổ chức tuyên truyền để 3.433 tàu, với hơn 13.000 lao động khai thác của Hà Tĩnh chấp hành các quy định pháp luật sẽ góp phần giúp ngành thủy sản Việt Nam tránh được chiếc “thẻ đỏ” và thoát khỏi “thẻ vàng” EU đang áp.
Ngư dân Hà Tĩnh chấp hành tốt việc khai thác đúng ngư trường quy định |
Theo ông Nguyễn Tông Thắng, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, từ trước đến nay tàu thuyền của Hà Tĩnh chưa ghi nhận trường hợp nào khai thác vi phạm ngư trường của các quốc gia khác trong khu vực.
“Số lượng tàu công suất lớn hạn chế nên ngư trường khai thác của bà con chủ yếu tập trung ở 3 vùng gồm: vùng biển Hà Tĩnh; đảo Cô Tô - Bạch Long Vĩ và vùng Bình Thuận - Bà Rịa Vũng Tàu”, ông Thắng nói.
Ông Thắng cho rằng, tổng sản lượng thủy sản khai thác hàng năm của ngư dân Hà Tĩnh chủ yếu tiêu thụ nội địa nên việc áp “thẻ vàng” của EU trong 3 năm nữa cũng không ảnh hưởng đến ngành thủy sản Hà Tĩnh. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là tuyên truyền để ngư dân không sử dụng các ngư lưới cụ khai thác hủy diệt và đánh bắt trong mùa sinh sản.
Thuyền viên tàu cá TH 91202 TS, Đỗ Văn Nghĩa, trú tại huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, có tàu neo đậu tại cảng cá Cửa Sót, huyện Lộc Hà, vô tư nói: “Nhà nước không cấm nên ốc lớn ốc nhỏ chỉ cần bán được là chúng tôi bắt”.
Anh Nghĩa cho hay, tàu của anh chủ yếu khai thác ốc hương trong 20 hải lý, tại vùng biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị. Bình quân mỗi ngày bắt được 20 - 50kg ốc. Khi được hỏi về “thẻ vàng” của EU, anh Nghĩa chỉ hiểu mơ hồ EU phạt do tàu cá Việt Nam vi phạm ngư trường đánh bắt các nước khác trong khu vực, nhưng lại không biết rằng hành vi khai thác từ lớn đến bé, theo kiểu hủy diệt của anh cũng là một hình thức khai thác bất hợp pháp khiến EU “phạt” thủy sản Việt Nam.
Còn ông Thuận, một ngư dân ở thị xã Kỳ Anh thì hoàn toàn không hề hay biết và cũng chẳng quan tâm đến “thẻ vàng”, “thẻ đỏ”. Ông Bảo: “Tôi chỉ biết thẻ vàng trong... bóng đá chứ “thẻ vàng” chị nói tôi chẳng hiểu gì. Tàu của tôi đánh ghẹ, tôm gần bờ nên chỉ bán đủ trang trải tiền dầu và trang trải cuộc sống hàng ngày thôi”.
Ngư dân Hà Tĩnh đang sử dụng nhiều hình thức khai thác thủy sản hủy diệt |
Được biết, tàu của ông Thuận đang sử dụng lưới bát quái để khai thác. Tuy nhiên, theo ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc BQL cảng cá Hà Tĩnh, đây là một trong những loại lưới bị cấm sử dụng vì mang tính hủy diệt. Loại lưới này và giã cào bay đang là một trong những thiết bị được ngư dân Hà Tĩnh sử dụng nhiều khi vươn khơi.
Chế tài chưa đủ mạnh
Giám đốc BQL cảng cá Hà Tĩnh, ông Bùi Tuấn Sơn thông tin, cách đây 20 năm, sản lượng một số loài như tôm sắt, rắn biển, ốc hương ở vùng biển Hà Tĩnh cực kỳ lớn nhưng bây giờ giảm đến trên 90%, đây chính là minh chứng cho nạn khai thác thủy sản hủy diệt. Từ việc áp “thẻ vàng” của EU, ngành thủy sản cả nước nói chung, Hà Tĩnh nói riêng cần nhìn nhận, đánh giá lại thực trạng, tổ chức lại sản xuất, hoàn thiện hệ thống quản lý nghề cá để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
“Bây giờ hỏi cơ quan chức năng và ngư dân, thử hỏi có bao nhiêu người hiểu “thẻ vàng”, “thẻ đỏ” là gì. Vì sao lại bị EU áp “thẻ vàng”? Ngay như tôi cũng mới chỉ nắm thông tin chung chung, mơ hồ qua báo chí. Tôi nghĩ việc EU áp “thẻ vàng” là khoa học nhằm bảo vệ ngư trường của Việt Nam và toàn thế giới”, ông Sơn nói.
Ông Bùi Tuấn Sơn cho rằng, Nhà nước cần xây dựng chế tài đủ mạnh trong việc xử lý vi phạm khai thác bất hợp pháp. Ví dụ, tàu thuyền vi phạm lần đầu xử phạt 2 triệu đồng, lần 2 thu ngư lưới cụ, lần 3 thu tàu, thậm chí khởi tố nếu đánh bắt bằng thuốc nổ... Còn chế tài như hiện nay chỉ phạt 500.000 đồng hay 1 - 2 triệu đồng, trong khi lợi nhuận từ sản phẩm khai thác phạm pháp lên tới mấy chục triệu đồng thì chế tài xử phạt không đủ sức răn đe.
Ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc BQL cảng cá Hà Tĩnh cho rằng, ngoài tuyên truyền Chính phủ cần nâng chế tài xử phạt đủ sức răn đe |