| Hotline: 0983.970.780

Có sức dân, có nông thôn mới

Thứ Hai 03/06/2024 , 06:43 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Địa phương dù có xuất phát điểm thấp đến mấy, nhưng trong xây dựng nông thôn mới nếu có sự đồng thuận và có sức dân đóng góp ắt nhiên sẽ thành công.

Sức lan tỏa của lòng dân

Một minh chứng thuyết phục ví như xã Canh Hiển, địa phương thứ 2 của huyện miền núi Vân Canh vừa được UBND tỉnh Bình Định công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Để có được kết quả này, ngoài sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, trong đó có sự đồng tình ủng hộ của nhân dân là mấu chốt mang đến thành công trong xây dựng NTM ở địa phương này.

Theo ông Nguyễn Thành Đô, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Canh Hiển, ngay từ khi triển khai xây dựng NTM, xã Canh Hiển xác định đây là chương trình lớn, cần kiên trì thực hiện. Từ đó, Đảng ủy xã Canh Hiển ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế, xác định mũi nhọn là phát triển lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.

Nhờ đó, diện mạo của xã Canh Hiển đã có nhiều khởi sắc, đặc biệt là đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Nếu năm 2012 thu nhập bình quân đầu người của xã Canh Hiển chỉ gần 5 triệu đồng/người/năm thì đến nay đã tăng đến gần 45 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo từ 39% đến nay giảm chỉ còn 3,88%.

Tỷ lệ đường liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa và đường trục thôn, xóm được bê tông trên địa bàn xã Canh Hiển đạt 100%. Ảnh: V.Đ.T.

Tỷ lệ đường liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa và đường trục thôn, xóm được bê tông trên địa bàn xã Canh Hiển đạt 100%. Ảnh: V.Đ.T.

“Những con đường liên thôn, liên xóm lầy lụa, nhỏ hẹp trước kia giờ được thay thế bằng những con đường bê tông khang trang, nhà tầng kiên cố mọc kín 2 bên đường... Đây là minh chứng cho kết quả của sự chung tay xây dựng NTM của xã Canh Hiển”, ông Đô cho hay.

Trong phong trào xây dựng NTM ở Canh Hiển nổi lên điểm sáng hiến đất như ông Nguyễn Kim Anh (71 tuổi) ở thôn Tân Quang (xã Canh Hiển), người đã hiến 450m2 đất để làm đường giao thông nông thôn.

“Khi xã phát động phong trào nhân dân chung sức xây dựng NTM, mở rộng và nâng cấp đường giao thông nông thôn, thấy nhiều hộ dân địa phương băn khoăn việc giải tỏa, đền bù, tôi liền động viên bà con tình nguyện hiến đất để công trình nhanh hoàn thành, người dân hết lâm cảnh nắng bụi, mưa lầy. Tôi nêu gương tiên phong hiến đất, bà con nô nức làm theo”, ông Anh chia sẻ.

“Nhờ sự đóng góp của người dân, đến nay tỷ lệ đường liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa và đường trục thôn, xóm được bê tông trên địa bàn xã Canh Hiển đạt 100%; đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt trên 70%. Đặc biệt, trong tổng số gần 18,7 tỷ đồng để đầu tư xây dựng NTM tại địa phương, doanh nghiệp và người dân đã đóng góp trên 1,4 tỷ đồng”, ông Nguyễn Thành Đô, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Canh Hiển, phấn khởi cho hay.

Hoặc như tại xóm 4, thôn Hòa Hiệp, xã Bình Tường (huyện Tây Sơn, Bình Định), đoạn đường từ Nam Giang-Hòa Hiệp đi đến cánh đồng Dinh vừa được hoàn thành đưa vào sử dụng, trong đó có sự đóng góp lớn của người dân. Kinh phí xây dựng đoạn đường này là 190 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ xi măng, phần còn lại do người dân xóm 4 tự nguyện đóng góp.

Mang đến ấm no cho ngời dân

Theo ông Nguyễn Huỳnh Nguyên, Chủ tịch UBND xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn), năm 2018, xã Nhơn Tân được UBND tỉnh Bình Định công nhận đạt chuẩn NTM. Địa phương này xác định xây dựng NTM không có điểm kết thúc, nên từ đó đến nay Nhơn Tân tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm phục vụ đời sống dân sinh và phát triển kinh tế-xã hội địa phương, hướng tới xây dựng NTM nâng cao. Cuối năm 2023, xã Nhơn Tân hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM nâng cao.

Sau khi xây dựng NTM, tỷ lệ hộ nghèo của xã Canh Hiển (huyện Vân Canh, Bình Định) từ 39% nay giảm chỉ còn 3,88%. Ảnh: V.Đ.T.

Sau khi xây dựng NTM, tỷ lệ hộ nghèo của xã Canh Hiển (huyện Vân Canh, Bình Định) từ 39% nay giảm chỉ còn 3,88%. Ảnh: V.Đ.T.

Tổng chi phí thực hiện xây dựng NTM nâng cao giai đoạn 2018-2023 của xã Nhơn Tân là hơn 145 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương, tỉnh và thị xã An Nhơn hỗ trợ hơn 45 tỷ đồng; còn lại ngân sách xã hơn 94 tỷ đồng và người dân địa phương đóng góp gần 5,9 tỷ đồng. Bên cạnh đóng góp bằng tiền, người dân trong xã còn hiến đất, tự tháo dỡ tường rào, chặt cây để mở rộng các tuyến đường thôn, xóm; tổng giá trị quy đổi ra tiền hơn 2,1 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Hải ở thôn Thọ Tân Nam (xã Nhơn Tân), nêu cảm nhận về lợi ích của phong trào xây dựng NTM tại địa phương: “Năm 2021, Nhà nước đầu tư làm đường bê tông, xây dựng cầu Đá Lố bắc qua suối tràn hồ chứa nước Núi Một. Nhờ công trình này, gần 230 hộ dân ở thôn Thọ Tân Nam thoát cảnh bị chia cắt với trung tâm xã Nhơn Tân mỗi khi vào mùa mưa bão. Đường sá thông suốt, kinh doanh mua bán thuận lợi, thuận tiện cho nông dân vận chuyển nông sản”.

“Đời sống kinh tế và thu nhập bình quân đầu người của người dân địa phương đã tăng đáng kể, từ hơn 37,5 triệu đồng/người/năm vào năm 2017 đến nay đã tăng đến 56,7 triệu đồng/người/năm. Thời gian tới, xã Nhơn Tân tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, phù hợp thực tế địa phương. Nâng chất lượng tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu; đem lại lợi ích lớn nhất cho cộng đồng dân cư”, ông Nguyễn Huỳnh Nguyên chia sẻ.

Xem thêm
Khơi dậy tinh thần 'Đồng Khởi mới' trong phong trào nông dân

6 tháng qua, các cấp hội tổ chức triển khai thực hiện 7/21 chỉ tiêu đạt và vượt, có 9/21 chỉ tiêu thực hiện đạt từ 72 % đến 99 %

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

2 sản phẩm sâm Ngọc Linh có tiềm năng đạt OCOP 5 sao

Theo đó, có hai sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao là rượu sâm Ngọc Linh K5 Premium và rượu Quốc Tửu K5 của Công ty cổ phần Vingin.

Bình luận mới nhất