| Hotline: 0983.970.780

Nơi chúng tôi đến

Trở lại Hớn Quản

Thứ Sáu 21/06/2024 , 06:00 (GMT+7)

BÌNH PHƯỚC Cách đây 15 năm, khi mới tái lập huyện, Hớn Quản là huyện nghèo, cơ sở hạ tầng chắp vá, tìm đỏ mắt không ra một mô hình kinh tế ra hồn...

Nhưng nay trở lại, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay ngoạn mục. Không chỉ cơ sở hạ tầng hiện đại, đời sống người dân tăng chóng mặt mà còn có cả những mô hình kinh tế lớn, được đầu tư bài bản, áp dụng công nghệ cao, sản phẩm xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu.

Từ "không tấc đất cắm dùi" tới trang trại gà hàng trăm nghìn con

Ghé vào UBND xã Tân Hiệp (huyện Hớn Quản, Bình Phước) tìm gặp lãnh đạo để hỏi thăm, tôi được anh Lê Văn Huyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã tiếp đón khá nhiệt tình. Đó là bởi tình hình kinh tế nông nghiệp của xã đã có nhiều khởi sắc, anh đang rất muốn chia sẻ với phóng viên. “Hiện xã đang có một số mô hình kinh tế đạt hiệu quả rất tốt, như mô hình tổ hợp tác nuôi gà thả vườn, bò sinh sản”, anh Huyên nói.

Từ phận đời lênh đênh sông nước nổi trôi, ông Đỗ Văn Hiểu (xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản) giờ đã sở hữu trang trại chăn nuôi gà thả vườn quy mô hàng trăm nghìn con. Ảnh: Phúc Lập.

Từ phận đời lênh đênh sông nước nổi trôi, ông Đỗ Văn Hiểu (xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản) giờ đã sở hữu trang trại chăn nuôi gà thả vườn quy mô hàng trăm nghìn con. Ảnh: Phúc Lập.

"Cách đây hơn chục năm, lúc mới tái lập huyện, tôi đã có dịp về xã Tân Hiệp. Lúc đó đường về xã thảm nhựa rất ít, lại hẹp. Tôi tìm vào mấy gia đình nằm sâu trong vườn cao su, gần đầu nguồn sông Sài Gòn, thấy phần lớn là đi cạo mủ thuê, chài lưới, câu cá, kéo vó trên sông Sài Gòn. Trong đó có gia đình ông Hiểu, người miền Tây. Không biết bây giờ thế nào?”, tôi hỏi.

Nghe tôi nói vậy, anh Huyên đáp: “Giờ thay đổi hết rồi, chẳng còn mấy ai mưu sinh trên sông nữa đâu. Riêng ông Hiểu mà anh nói không biết có phải chú Đỗ Văn Hiểu không. Nếu dúng là ổng thì giờ đang nuôi gà trong vườn cao su theo mô hình liên kết, cũng khá lắm. Để tôi đưa anh vào gặp mấy gia đình trong đó”.

Anh Huyên dẫn tôi đi chừng 30 phút trên con đường bê tông xuyên giữa vườn cao su mát rượi. Sau đó, anh dừng xe trước một ngôi nhà nhỏ, nằm giữa vườn cao su, có hàng rào B40. Phía xa xa sau nhà, rải rác từng đàn gà đủ sắc màu đang thẩn thơ kiếm mồi. Một người đàn ông khoảng hơn 60 tuổi từ trong nhà bước ra. “Đây là chú Hiểu, anh xem có phải người quen không?”, anh Huyên chào ông Hiểu rồi giới thiệu.

Có lẽ do mới gặp 1 lần và đã quá lâu nên tôi không nhận ra ông Hiểu có phải người tôi từng gặp hay không. “Có phải chú quê An Giang, lên đây từ hơn chục năm trước, làm nghề thả lưới trên sông Sài Gòn không?”, tôi chào ông Hiểu và hỏi. Ông cười, đáp: “Đúng rồi. Mà tôi thấy chú cũng quen quen, chắc hồi đó gặp rồi”.

Sau khi yên vị, ông Hiểu nhớ lại: “Vợ chồng, con cái chúng tôi dưới quê không có ruộng nên lên đây lập nghiệp, đi cùng mấy gia đình quanh xóm luôn. Ban đầu khó khăn lắm. Đất canh tác không có nên người thì đi cạo mủ thuê, người ra trung tâm huyện làm thuê, tôi thì ra sông Sài Gòn kiếm cá. Cuộc sống cứ như vậy, sau mỗi năm, cái vất vả, thiếu thốn cũng bớt dần. Đến khoảng 5 - 7 năm trở lại đây thì đỡ nhiều. Nhất là từ khi chính quyền xã, huyện có những quan tâm, hỗ trợ”.

Anh Lê Văn Huyên (bên trái), Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hiệp: 'Nếu đi hơn chục năm giờ quay lại, khó mà nhận ra bởi sự thay đổi của địa phương'. Ảnh: Phúc Lập.

Anh Lê Văn Huyên (bên trái), Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hiệp: "Nếu đi hơn chục năm giờ quay lại, khó mà nhận ra bởi sự thay đổi của địa phương". Ảnh: Phúc Lập.

Năm 2017, qua giới thiệu của lãnh đạo xã Tân Hiệp, ông Hiểu cùng mấy hộ khác mượn được đất vườn cao su của Tập đoàn Phú Gia để quây nuôi gà. Ban đầu, mỗi hộ nuôi vài trăm con để lấy kinh nghiệm, đến năm 2021, xã Tân Hiệp tiếp tục có đề án lập tổ hợp tác nuôi gà thả vườn, những hộ như ông Hiểu tiếp tục được hỗ trợ vay vốn đầu tư. Đến nay, đàn gà của gia đình ông đã “đông như kiến”, đếm không xuể. Chúng được thả nuôi trong vườn cao su rộng hơn 2ha, tha hồ bay nhảy, kiếm ăn, chỉ khi nào mưa mới vào khu nhà lán để trú.

“Gà thả vườn này rất ít bệnh, thịt lại rất ngon nên đầu ra ổn định, tôi chẳng phải đi bán, mỗi khi xuất chuồng chỉ cần gọi điện thoại là lái đến tận nơi bắt. Giá ổn định, gà mái 90 ngàn đồng, trống 85 ngàn đồng/kg”, ông Hiểu nói.

Hiện nay, đàn gà của ông Hiểu duy trì ở mức 90 - 100 ngàn con, nuôi gối đầu, cho gia đình ông thu nhập hàng năm triệu đồng/năm. “Tôi đã mua được 200m2 đất, cất căn nhà cấp 4 gần trung tâm xã rồi. Mấy gia đình đi cùng gia đình tôi hồi đó giờ không còn ai nghèo”, ông Hiểu nói.

Anh Lê Văn Huyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hiệp cho biết: Tổ chăn nuôi gà thả vườn xã Tân Hiệp hình thành từ năm 2021, ban đầu chỉ có 8 hộ, quy mô nhỏ lẻ, nhưng nay đã tăng lên 35 hộ với tổng đàn mỗi năm khoảng 300.000 con. Sau 3 năm thành lập, mô hình cho hiệu quả cao, các hộ tham gia ngày càng ổn định thu nhập, vươn lên làm giàu.

Từ 8 hộ ban đầu, nay mô hình Tổ hợp tác nuôi gà ở xã Tân Hiệp đã có 35 thành viên, tất cả đều khá. Ảnh: Văn Huyên.

Từ 8 hộ ban đầu, nay mô hình Tổ hợp tác nuôi gà ở xã Tân Hiệp đã có 35 thành viên, tất cả đều khá. Ảnh: Văn Huyên.

“Để mô hình hoạt động hiệu quả và nhân rộng, xã đang lên kế hoạch phát triển tổ chăn nuôi lên thành hợp tác xã…, hướng tới xây dựng thương hiệu gà Tân Hiệp và liên kết với các doanh nghiệp để nâng cao chất lượng thịt và ổn định giá cả, đầu ra”, anh Lê Văn Huyên nói.

Vươn ra biển lớn

Là địa phương có lợi thế đất rộng, bằng phẳng để phát triển nông nghiệp, từ mấy năm nay, huyện Hớn Quản đã hình thành những vùng chuyên canh, đầu tư quy mô theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Tiêu biểu như mô hình nông nghiệp công nghệ cao của HTX Nông nghiệp hữu cơ Tân Khai; Công ty Nông nghiệp hữu cơ Việt Hà (xã An Khương); Khu Nông nghiệp công nghệ cao xã Tân Hiệp với diện tích gần 500ha…

Đặc biệt, tại xã Tân Hưng, có một doanh nghiệp nông nghiệp tầm cỡ, liên kết với thương hiệu toàn cầu Dole trồng chuối Nam Mỹ ứng dụng công nghệ cao xuất khẩu, đó là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Union Trading. Tính đến thời điểm này, Union Trading đã xuất hàng ngàn tấn chuối già Nam Mỹ (Cavendish banana) mang thương hiệu Dole đi các thị trường Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản… Hiện nay, Công ty còn liên kết, hợp tác để mở rộng mạng lưới các nông trại đối tác chiến lược tại các địa phương như TP.HCM, An Giang, Quảng Ngãi.... với tổng diện tích hơn 500ha.

Nông trại chuối của Union Trading là một trong những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành công tiêu biểu ở huyện Hớn Quản. Ảnh: Phúc Lập.

Nông trại chuối của Union Trading là một trong những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành công tiêu biểu ở huyện Hớn Quản. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Đỗ Hữu Dự, Trưởng Ban quản lý nông trại của Union Trading cho biết, Công ty thực hiện quy trình chặt chẽ từ việc nhân giống, cấy mô cho đến chăm sóc, sản xuất, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động của Israel, hệ thống châm phân tự động… theo tiêu chuẩn của Dole, chủ yếu sử dụng phân hữu cơ sinh học, hạn chế thấp nhất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo yêu cầu của đối tác nước ngoài.

“Để trở thành đối tác của Dole, trang trại phải đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt về kích cỡ quả chuối, màu sắc, chất lượng, quy trình chăm sóc từ cây giống đến thu hoạch… Union Trading đã nỗ lực không ngừng ngay từ những ngày đầu để đạt được sự chuyên nghiệp trong tất cả các khâu từ trồng trọt, chăm sóc cây chuối đến xử lý, đóng gói và bảo quản. Đặc biệt năm 2022, Union Trading đã đạt chứng nhận GlobalGAP cho nông trại ở Bình Phước và sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng bình chọn là Hàng Việt Nam Chất lượng cao”, ông Dự cho biết.

Kiểm tra chất lượng chuối trước khi sơ chế, đóng gói tại trang trại của Union Trading . Ảnh: Phúc Lập.

Kiểm tra chất lượng chuối trước khi sơ chế, đóng gói tại trang trại của Union Trading . Ảnh: Phúc Lập.

Cùng với việc trở thành nhà cung cấp chuối già Nam Mỹ cho Dole, Union Trading đã tiến thêm một bước vững chắc trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời đóng góp cho tỉnh Bình Phước một sản phẩm xuất khẩu tiềm năng. Hiện Công ty đang duy trì thường xuyên khoảng 100 lao động địa phương, trong đó có nhiều lao động là người đồng bào thiểu số S’tiêng. Lúc cao điểm thu hoạch, đóng gói nhân công có thể lên đến 200 người.

Theo ông Trần Hải Hà, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hớn Quản, mô hình do Union Trading đang thực hiện thành công tại địa phương có thể mở rộng hợp tác với nhà nông nhờ nhiều yếu tố thuận lợi, từ quy trình kỹ thuật canh tác đến đầu ra sản phẩm.

Để có được những cây chuối đẹp, đạt chuẩn, Union Trading quy hoạch riêng khu vực sản xuất cây giống cấy mô có khả năng kháng bệnh cao, sinh trưởng nhanh. Cây giống từ phòng nhân giống sẽ được đưa tới khu vực vườn ươm. Từ đây, những cây giống đủ chuẩn được xuất vườn để trồng tại nông trại.

Hiện chuối của Union Trading đã xuất đi nhiều nước như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc... Ảnh: Phúc Lập.

Hiện chuối của Union Trading đã xuất đi nhiều nước như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc... Ảnh: Phúc Lập.

Các nông trại chuối của Union Trading đều áp dụng quy trình chăm sóc theo hướng công nghệ cao. Các kỹ sư sử dụng hệ thống tưới tiêu và bón phân ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel giúp tiết kiệm nguồn nước tưới, hạn chế cỏ dại, giảm công chăm sóc. Cây chuối được “gia cố” cẩn thận để không bị ngã đổ, đảm bảo năng suất. Từng buồng chuối được chăm sóc kỹ lưỡng từ khâu bẻ hoa, chèn nải, bao buồng…

“Hớn Quản có nhiều diện tích đất đỏ bazan rất phù hợp với các loại cây ăn trái ngắn ngày, đặc biệt là cây chuối. Vì thế, bà con có vườn hợp tác với Union Trading để trồng chuối là rất khả thi. Công ty sẽ hỗ trợ kỹ thuật, cây giống, quy trình chăm sóc và đầu ra”, ông Trần Hải Hà, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hớn Quản cho biết.

Xem thêm
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến trao tặng con giống cho người dân Hải Phòng

HẢI PHÒNG Chiều 27/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đã thăm, chia sẻ, động viên và tặng quà người dân bị thiệt hại do bão số 3 tại huyện Kiến Thụy và quận Dương Kinh, Hải Phòng.

Ninh Thuận khẩn trương dập dịch tả lợn Châu Phi

Ninh Thuận đã triển khai nhiều giải pháp để nhanh chóng dập dịch tả lợn Châu Phi đã xâm nhiễm và có khả năng lây lan rộng trong thời gian tới rất cao.

Lào Cai tiếp nhận 500kg hạt giống rau khôi phục sản xuất, ổn định thị trường

Ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam trực tiếp mang hạt giống rau, củ quả hỗ trợ nông dân huyện Bảo Thắng (Lào Cai).

Tập huấn vận hành drone phun thuốc BVTV: Bước tiến mới trong khảo nghiệm nông nghiệp

So với phương pháp phun thủ công, phun thuốc bằng drone giúp giảm tới hơn 90% lượng nước, tăng tốc độ phun 30 lần, trong khi vẫn đảm bảo hiệu lực phòng trừ tương đương.

Bình luận mới nhất