| Hotline: 0983.970.780

Có thể cấy ghép thận an toàn từ người hiến tặng nhiễm HIV

Thứ Bảy 19/10/2024 , 14:15 (GMT+7)

So sánh giữa nhóm hiến tặng âm tính và nhiễm HIV, các nhà khoa học nhận thấy tỷ lệ sống của người nhận khá cao, mức độ đào thải tương đối thấp.

TS Dorry Segev (phải) thực hiện ca ghép thận đầu tiên tại Hoa Kỳ từ người hiến tặng đã chết vì mắc HIV. Ảnh: AP.

TS Dorry Segev (phải) thực hiện ca ghép thận đầu tiên tại Hoa Kỳ từ người hiến tặng đã chết vì mắc HIV. Ảnh: AP.

Tạp chí y khoa lớn nhất thế giới The New England Journal of Medicine vừa công bố nghiên cứu trên 198 ca ghép thận được thực hiện trên khắp Hoa Kỳ, bao gồm cả những trường hợp mà người hiến tặng nội tạng có thể nhiễm HIV.

Những người tham gia nghiên cứu được xác định dương tính với HIV, bị suy thận và đồng ý nhận nội tạng từ người hiến tặng đã chết dương tính với HIV (hoặc âm tính), tùy thuộc vào việc thận nào có sẵn trước.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi những người nhận nội tạng trong vòng 4 năm. Họ so sánh một nửa số người nhận thận từ người hiến tặng nhiễm HIV với những người nhận thận từ người hiến tặng không nhiễm HIV.

Cả 2 nhóm đều có tỷ lệ sống cao và tỷ lệ đào thải nội tạng thấp. Mức độ virus tăng ở 13 bệnh nhân trong nhóm hiến tặng HIV và 4 bệnh nhân trong nhóm còn lại, chủ yếu liên quan đến những bệnh nhân không dùng thuốc điều trị HIV một cách nhất quán. 

Dù vậy, tất cả trường hợp đều trở về mức virus rất thấp hoặc không phát hiện được.

TS Dorry Segev, đồng tác giả nghiên cứu tại Trung tâm y tế NYU Langone Health, New York cho biết: "Điều này chứng minh tính an toàn và kết quả tuyệt vời mà chúng tôi thấy được từ những ca cấy ghép thận".

Quyết định thử nghiệm của các nhà khoa học xuất phát từ định hướng mở rộng hoạt động hiến tặng nội tạng của Chính phủ Hoa Kỳ. Theo đó, người nhiễm HIV có thể nhận thận từ người hiến tặng đã chết có virus. Điều đó có thể rút ngắn thời gian chờ đợi để có nội tạng cho tất cả mọi người, bất kể tình trạng có nhiễm HIV của thận hiến tặng hay không.

Tháng trước, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ cũng đề xuất thay đổi, cho phép thực hiện việc cấy ghép thận và gan ngoài khuôn khổ của các chương trình nghiên cứu khoa học. Nếu được chấp thuận, Hoa Kỳ có thể áp dụng điều luật mới vào năm 2025.

Người nhiễm HIV thường mắc các bệnh lý liên quan đến thận. Ảnh: AP.

Người nhiễm HIV thường mắc các bệnh lý liên quan đến thận. Ảnh: AP.

Trước đó, từ năm 2010, các bác sĩ phẫu thuật ở Nam Phi đã cung cấp những bằng chứng đầu tiên cho thấy, việc sử dụng nội tạng của người hiến tặng dương tính với HIV là an toàn ở những người nhiễm HIV.

Tuy nhiên, hoạt động dạng này không được phép ở Hoa Kỳ cho đến năm 2013, khi Chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm và cho phép các nghiên cứu, theo sự thúc đẩy của TS Segev.

Đến năm 2019, Segev cùng các cộng sự tại Đại học Johns Hopkins, Baltimore đã thực hiện ca ghép thận đầu tiên trên thế giới từ một người hiến tặng sống bị nhiễm HIV cho một người nhận dương tính với HIV.

Từ đó đến nay, tổng cộng 500 ca ghép thận và gan được thực hiện với những người hiến tặng nhiễm HIV tại Hoa Kỳ

GS Carrie Foote, Đại học Indiana, Indianapolis, cho biết những người nhiễm HIV "có tâm lý e ngại" với việc đăng ký hiến tạng vì nỗi lo bị kỳ thị và các chính sách lỗi thời của tiểu bang khi coi việc hiến tạng từ những người nhiễm HIV là phạm pháp.

“Chúng ta không những mang lại hy vọng cho những người đang sống chung với căn bệnh thế kỷ, mà còn mở ra cơ hội với những người không bị nhiễm HIV có thể nhận nội tạng nhanh hơn”, Foote, người dương tính với HIV và đã đăng ký hiến tặng nội tạng tâm sự.

Theo Mạng lưới Mua sắm và Cấy ghép Nội tạng Hoa Kỳ, hiện có hơn 90.000 người đang trong cảnh chờ ghép thận trên cả nước. Năm 2022, hơn 4.000 người đã tử vong trong khi chờ ghép thận.

TS Elmi Muller, Đại học Stellenbosch, Nam Phi dự báo nghiên cứu mới sẽ có “những tác động sâu rộng tới nhiều quốc gia”. Người cổ vũ và đi tiên phong trong hoạt động này chia sẻ: “Quan trọng hơn, chúng ta đã tiến thêm một bước nữa để hướng tới sự công bằng và bình đẳng cho những người sống chung với HIV”.

Những người nhiễm HIV có nguy cơ cao mắc những rối loạn về thận, bao gồm: Tổn thương thận cấp (AKI); Bệnh thận do HIV (HIVAN); Bệnh thận mạn tính (CKD); Bệnh vi mạch huyết khối; Nhiễm độc thận liên quan điều trị...

Trong số này, bệnh thận do HIV (HIVAN) là bệnh liên quan đến nhiễm HIV, được mô tả lần đầu vào năm 1984 như một biến chứng của AIDS, dù căn bệnh cũng có thể xảy ra ở những người nhiễm HIV giai đoạn sớm hơn. HVIAN được cho là có liên quan đến tình trạng xơ hóa cầu thận khu trú từng vùng.

Ngày nay, bệnh thận do HIV trở nên ít phổ biến khi người bệnh sử dụng rộng rãi liệu pháp kháng virus (ARV). Tuy nhiên, tỷ lệ các bệnh thận khác cũng tăng lên. Ví dụ như các rối loạn liên quan đến độc tính trên thận của liệu pháp điều trị HIV, sự gia tăng của các bệnh đi kèm không nhiễm trùng như đái tháo đường, tăng huyết áp...

Hãng tin AP nhấn mạnh, bệnh thận vẫn là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở người nhiễm HIV, với tỷ lệ tử vong cao gấp 6 lần đối với tổn thương thận cấp (AKI) và bệnh thận mạn tính (CKD).

Ở những người bệnh đã tiến triển bệnh thận giai đoạn cuối, liệu pháp điều trị thay thế thận và cấy ghép thận thường được các bác sĩ chỉ định.

Xem thêm
Phẫu thuật robot điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ

TP.HCM Bệnh viện Bình Dân vừa thực hiện phẫu thuật robot cắt khối tá tụy điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ cho nam bệnh nhân 43 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Nấm linh chi có giúp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Nấm linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nên nhiều người cho rằng có thể dùng nấm linh chi để chống lại sự tấn công của những virus có hại.

Bình luận mới nhất