| Hotline: 0983.970.780

Có vốn từ quỹ khuyến nông, mỗi bao cám bớt được 40.000đ

Thứ Ba 01/10/2024 , 08:09 (GMT+7)

'Trước đây do không có tiền nên tôi phải mua cám chịu của đại lý, mỗi bao cám 25 kg đội giá thêm 45.000đ, thành ra 1.000 bao mất thêm 40 triệu đồng'.

Xây dựng mô hình tuần hoàn

Anh Nghiêm Văn Liêm ở thôn Nội, xã Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội kể với tôi như vậy. Vốn là giáo viên trường nghề nhưng 5 năm về trước anh đã bỏ nghề về đấu thầu 10 ha ruộng trũng, cấy lúa thường xuyên bị chuột bọ cắn phá ở quê mình với giá 300.000-500.000đ/sào để nuôi trồng thủy sản trong sự ngỡ ngàng của nhiều người thân quen.

Tuy nhiên, để chuẩn bị cho nghề mới này, trước đó anh đã đi tham quan khắp các mô hình thủy sản ở tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương và huyện bạn Ứng Hòa-  thủ phủ nuôi trồng thủy sản của TP Hà Nội, rồi học thêm kinh nghiệm của những người hàng xóm nuôi trước mình nữa.

Nửa diện tích anh sản xuất theo mô hình một vụ lúa một vụ cá trên rộng, nửa còn lại thì theo mô hình chuyên canh cá trong ao. Điện tự kéo, đường tự trải, bờ bao tự cải tạo, bao công sức, tiền của cứ thế mà đổ xuống vùng đất chiêm trũng mới có được cơ ngơi trang trại nên hình nên dạng.

Đến lúc này thì anh bắt đầu cạn vốn. Tình cờ năm 2023 anh biết đến quỹ khuyến nông và tìm đến cán bộ phụ trách quỹ khu vực huyện Phú Xuyên cùng lãnh đạo Trạm Khuyến nông huyện Phú Xuyên (nay sáp nhập thành Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Xuyên) và được tư vấn, hỗ trợ xây dựng phương án vay 500 triệu đồng để giải quyết vấn đề “khát vốn”:

“5 cái ao cá của tôi mỗi ngày tiêu thụ khoảng 10 triệu đồng tiền thức ăn chăn nuôi. Trước đây do không có tiền nên tôi phải mua cám chịu của đại lý, mỗi bao 25 kg phải trả tới 445.000đ, cá lên bờ thì trả tiền vật tư. Cứ 1.000 bao cám mua chịu như thế trong 2,5 tháng đã phải đội giá lên thêm 40 triệu đồng.

Kể từ khi vay được quỹ khuyến nông tôi trả bằng tiền mặt, mỗi bao cám 25 kg chỉ còn giá 405.000đ, giảm được chi phí rất nhiều. Về giống thì tôi tự gột cá từ cấp ba, tức 200-300gram/con lên cấp hai, tức 1 kg/con cũng giảm được thêm nhiều chi phí. Tôi còn đi sâu vào kỹ thuật, nuôi mật độ cao, trước đây mỗi ao thu được 5 tấn thì giờ lên 10-15 tấn”.

Một phần khu trang trại rộng 10 ha của anh Liêm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một phần khu trang trại rộng 10 ha của anh Liêm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cả khu vực trang trại rộng tới 10 ha nhưng chỉ có một mình anh Liêm làm là chính vì vợ ở nhà phải giúp việc cho các con nên chẳng mấy khi ra được. Bởi thế mà anh cứ tất bật suốt ngày. Cơ cấu chính trong ao là cá trắm cỏ, chiếm cỡ 70% để tận dụng cỏ bờ, lúa, gần 30% là cá chép, còn lại thì thả thêm ít cá nheo để ăn bớt cá tạp như rô phi cho đỡ hại cám nuôi.

Chừng 5-6 tháng sau thu cá trắm, chép xong, anh dồn cá nheo vào một ao nuôi tập trung tiếp bởi lúc đó chúng đã đạt trọng lượng hơn 1 kg nếu thả cùng với đám cá nhỏ như trước sẽ tiêu diệt hết. Trong ao nuôi cá nheo tập trung này mỗi ngày anh thả hơn 1 tạ mồi là những con cá rô Phi cỡ nhỏ hoặc ruột ốc bươu vàng, khi thiếu thì xin thêm lòng gà, lòng vịt, lòng chuột ngoài chợ về (chẳng là quê anh có món đặc sản chuột đồng nên có nghề mổ chuột để bán). Hễ đủ mồi thì cá nheo có thể tăng trọng được tới 6-7 lạng/tháng, còn không đủ mồi thì chúng sẽ cắn xé lẫn nhau, con to ăn luôn con nhỏ. Hoàn toàn không có cám công nghiệp nên cá nheo trong ao của anh Liêm thịt rất chắc và thơm ngon.

Ngoài cá, nguồn thu thứ hai tuy không thả mà có chính là con ốc, con tôm đồng tự sinh sản, tự phát triển khi gặp điều kiện môi trường thuận lợi. Được cái Phú Xuyên là một trong những huyện dùng ít thuốc BVTV nhất của TP Hà Nội. Đã nhiều vụ lúa bà con ở đây không dùng đến hóa chất nên môi trường nước, đất được phục hồi, con cua, con cá, con tôm trên đồng dần phát triển, chim cò cũng kéo về bay từng đàn.

Anh Liêm cho cá ăn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Liêm cho cá ăn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trăn trở chuyện giá bán không tương xứng với chất lượng

Lúa dưới ao khi chín không thu bằng máy gặt đập liên hợp vì sẽ bị dập gốc rạ mà được cắt tay để còn sinh ra lúa chét mà nuôi cá trắm cỏ. Anh Liêm còn tỉ mẩn dùng tỏi nghiền nhỏ ủ với rỉ mật trộn cho cá ăn vừa tăng khả năng tiêu hóa lại vừa tốt cho việc phòng bệnh. Làm mô hình canh tác một lúa một cá đã an toàn nhưng mới đây anh còn dành ra 2 ha để thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhưng đáng buồn là giá bán cá không tương xứng theo chất lượng, tiêu chuẩn mà thương lái vẫn trả theo biểu cân, giống hệt hàng thông thường:

“Tôi làm theo tiêu chuẩn VietGAP để nhìn xa, đợi sau này thị trường yêu cầu sản phẩm có tiêu chuẩn chứ giờ đây giá bán vẫn chỉ bằng với cá nuôi thông thường, chép 47.000đ/kg, trắm 51.000đ/kg, nheo 50.000đ/kg. Trong khi đó làm theo chuẩn VietGAP phải tốn công theo dõi, kiểm soát nước, không được dùng hóa chất mà phải dùng men vi sinh, không được dùng kháng sinh mà phải dùng chế phẩm sinh học”...

Cùng đi với tôi hôm ấy xuống trang trại có anh Lương Hồng Quân- cán bộ quản lý quỹ khuyến nông khu vực huyện Phú Xuyên để kiểm tra định kỳ hộ vay vốn xem hoạt động sản xuất có tốt không, sử dụng vốn vay có đúng mục đích như phương án đã được duyệt không. Anh cho biết, trên địa bàn huyện có 18 hộ vay sản xuất, 7 hộ vay cơ giới hóa với tổng mức là 8,5 tỷ đồng. 100% các hộ vay sản xuất là để nuôi trồng thủy sản với các loại cá ghép truyền thống như trắm, trôi, mè, chép.

Anh Liêm kiểm tra cá. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Liêm kiểm tra cá. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nuôi trồng thủy sản ở huyện Phú Xuyên giờ quy mô ít cũng phải 1-2 ha, còn không 5-7 ha thậm chí 10 ha như anh Liêm, sử dụng nguồn nước sông Hồng dẫn về, trình độ thâm canh khá, năng suất cao nên vụ nào được giá thì cho lợi nhuận lớn. Các hộ vay cơ giới hóa mua máy gặt thì đi khắp các xứ đồng, kể cả vào tới Nghệ An, Hà Tĩnh hay lên các tỉnh miền núi phía Bắc giúp thời vụ kéo dài được 2-3 tháng, thu nhập tăng lên đáng kể. Sở dĩ mô hình trồng trọt không có hộ nào vay quỹ khuyến nông bởi chủ yếu là đất chuyển đổi, diện tích nhỏ, mỗi nhà được vài sào đến một mẫu nên không mang tính sản xuất hàng hóa lớn như thủy sản hay cơ giới hóa.

Khác với nguồn vay vốn ngân hàng giải ngân xong là xong, nguồn vay vốn quỹ khuyến nông còn có các kỹ sư đồng hành cùng với bà con trong việc tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật cũng như kết nối cung cầu.  “Với mức vay tối đa của quỹ khuyến nông được 500 triệu đồng thì không phải là ít đối với hộ nông dân nhưng với một số tư nhân hay doanh nghiệp phát triển thì lại ít, nếu được cho vay nhiều hơn thì tốt. Với một số hộ làm ăn không may gặp khó khăn thì cán bộ quỹ vừa động viên, vừa giúp đỡ, đôn đốc để người ta có thể trả dần”.

Xem thêm
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dự Ngày Văn hóa Việt Nam tại Mông Cổ

Ngày Văn hóa Việt Nam tại Mông Cổ lần này là dấu ấn quan trọng, góp phần tăng cường tình hữu nghị và phát triển hợp tác đối tác toàn diện giữa 2 nước.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Tạm đình chỉ công tác Giám đốc Ban Quản lý Dự án TP Hạ Long

QUẢNG NINH Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Hạ Long bị tạm đình chỉ công việc do chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Cha con 'người hùng không biết chữ' cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Dù không biết chữ, cha con anh Nguyễn Văn Hai vẫn mày mò tự chế thiết bị lặn để cứu trạm bơm Cống Bún khỏi sự cố rò rỉ trước thời điểm mưa lũ.