| Hotline: 0983.970.780

Con nghêu mang về cho Bến Tre khoảng 200 tỷ đồng/năm

Thứ Bảy 13/07/2024 , 07:40 (GMT+7)

Ở Bến Tre, sản lượng nghêu được chứng nhận MSC hằng năm đạt bình quân 7.500-8.000 tấn, giá trị ước tính khoảng 200-250 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.

Khai thác nghêu ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.

Khai thác nghêu ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.

MSC - Tấm visa xuất ngoại "siêu VIP"

Theo ông Huỳnh Văn Cung, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Bến Tre, từ năm 2009, nghêu Bến Tre được Hội đồng Biển quốc tế về khai thác thủy sản bền vững cấp chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn MSC giai đoạn 2010-2015 và sau đó tiếp tục được công nhận duy trì lần 2 vào năm 2015 - 2020. Đến nay, nghề quản lý và khai thác nghêu lại tiếp tục được công nhận tiêu chuẩn MSC lần 3 giai đoạn 2024-2029 (có giá trị kể từ ngày 23/5/2025 cho đến tháng 22/3/2029).

Việc tái chứng nhận nghề nghêu lần thứ 3 của tỉnh cũng là sự nỗ lực của  các hợp tác xã, cộng đồng ngư dân 3 huyện biển, và các sở, ngành đơn vị có liên quan. Đây là một niềm vinh dự và tự hào con nghêu của Bến Tre nói riêng và Việt Nam nói chung trên thương trường quốc tế, con nghêu hiện đang đóng góp tích cực và quan trọng vào tỷ trọng xuất khẩu hàng hoá của tỉnh. Đặc biệt nghêu thịt được đánh giá cao về giá trị dinh dưỡng, về an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện tại con nghêu có xuất xứ từ Bến Tre có uy tín và chiếm lĩnh nhiều thị trường ở Châu Âu, Châu Á.

Ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc ICAFIS, Hội thủy sản Việt Nam, chia sẻ, MSC là chứng nhận cao nhất và khó nhất trong ngành thủy sản, được cộng đồng thế giới công nhận.

“MSC chính là tấm visa 'siêu VIP' để con nghêu đi vào thị trường quốc tế với trên 100 quốc gia”, ông Đinh Xuân Lập nhấn mạnh.

Sản lượng nghêu Bến Tre được chứng nhận MSC hằng năm đạt bình quân 7.500-8.000 tấn, giá trị mang lại ước tính khoảng 200-250 tỷ đồng. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho 20.000 thành viên của 7 HTX và hàng ngàn lao động địa phương, nhất là phụ nữ ở nông thôn.

Theo UBND huyện Bình Đại, diện tích nuôi trồng nhuyễn thể của huyện hiện có hơn 3.150ha. Trong 6 tháng qua, sản lượng khai thác khoảng 10.680 tấn. Trong đó, sản lượng nghêu thương phẩm tại 2 HTX thủy sản Đồng Tâm (xã Thừa Đức) và Rạng Đông (xã Thới Thuận) khai thác đạt sản lượng hơn 2.400 tấn, đạt doanh thu trên 59 tỷ đồng.

Những tháng đầu năm nay mặc dù có xảy ra hiện tượng nghêu chết do độ mặn và nhiệt độ tăng cao, nhưng nhờ áp dụng các biện pháp ứng phó có hiệu quả, đầu ra thuận lợi với giá trên dưới 30.000 đồng/kg nên hàng nghìn ngư dân vẫn có thu nhập ổn định. Tại 2 HTX Đồng Tâm và Rạng Đông đều duy trì chi trả lương hàng tháng cho xã viên, tình hình an ninh trật tự vùng bãi nghêu ổn định, đã ngăn chặn tình trạng nghêu tặc.

Ông Võ Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại chia sẻ, trên bình diện chung bà con thành viên của 2 HTX nuôi nghêu có cuộc sống ổn định. Ngoài việc được chia tiền từ lợi nhuận, mỗi lần khai thác, người dân còn được luân phiên tham gia cào nghêu, được trả thêm tiền công theo sản lượng, tiền này còn nhiều hơn tiền chia “cổ tức”.

Quản lý khai thác nghêu bền vững

Nghề quản lý và khai thác nghêu Bến Tre theo tiêu chuẩn MSC không những có giá trị về mặt kinh tế mà còn mang lại nhiều mặt tích cực về bảo vệ nguồn lợi, khai thác hợp lý đảm bảo về công tác bảo tồn và đa dạng sinh học, đảm bảo phát triển bền vững, ổn định hệ sinh thái vùng bãi triều ven biển. Nâng cao tinh thần bảo vệ động vật quý hiếm nếu có xuất hiện trên bãi nghêu, hệ thống quản lý ngày càng được cải tiến và hoàn thiện hơn.

Ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc ICAFIS chia sẻ, MSC là chứng nhận cao nhất và khó nhất trong ngành thủy sản, được cộng đồng thế giới công nhận. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc ICAFIS chia sẻ, MSC là chứng nhận cao nhất và khó nhất trong ngành thủy sản, được cộng đồng thế giới công nhận. Ảnh: Minh Đảm.

Về giải pháp duy trì chứng nhận MSC cho nghề nghêu trong thời gian tới, TS Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II (Bộ NN-PTNT) cho biết, cần thực hiện 3 nguyên tắc. Đó là: khai thác nghêu không gây ra tình trạng khai thác quá mức hoặc cạn kiệt quần thể đối tượng khác; Đảm bảo duy trì cấu trúc, sức sản xuất, chức năng và đa dạng của hệ sinh thái; Hệ thống quản lý hiệu quả tuân thủ pháp luật.

“Như đối với nguyên tắc thứ nhất, cần quy định khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững, 10-15% nghêu thương phẩm để tái đàn. Chỉ được khai thác nghêu giống khi đạt kích thước và phải được sự đồng ý quản lý của địa phương, hợp tác xã mới được phép khai thác. Sử dụng dụng cụ khai thác thân thiện với môi trường, không gây hủy diệt, tác động đến hệ sinh thái. Quá trình khai thác phải ghi chép nhật ký và lưu trữ hồ sơ đầy đủ”, TS. Nguyễn Thanh Tùng nói.

Xác định nghêu là đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh nên ngành NN-PTNT đã thực hiện nhiều giải pháp quản lý, khai thác bền vững như: Quy hoạch vùng nuôi nghêu thịt, nghêu giống, nghêu bố mẹ.

Đồng thời phối hợp với các viện trường, ICAFIS, hội thủy sản tỉnh Bến Tre triển khai các đề tài nghiên cứu đối với nhuyễn thể, điều tra trữ lượng thành phần loài có trên bãi nghêu. Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thường xuyên quan trắc môi trường định kỳ, giám sát dịch bệnh chủ động trên nghêu, khuyến cáo kịp thời khi nắng nóng hay mưa nhiều, truy xuất nguồn gốc khi thu hoạch.

Ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre chia sẻ: Để tiếp tục duy trì, phát triển và khai thác nghêu bền vững theo tiêu chuẩn MSC, thì trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là Sở NN-PTNT cần hỗ trợ cho HTX, cộng đồng người dân.

Theo đó, ngành sẽ hướng dẫn thực hiện nghiêm túc 3 bộ nguyên tắc của tiêu chuẩn MSC để thực hiện công tác đánh giá duy trì hàng năm theo yêu cầu của đơn vị.

Bảo tồn nguồn lợi nghêu giống bố mẹ, quy hoạch khai thác hợp lý và bảo vệ tốt nguồn nghêu giống tự nhiên hiện có. Thực hiện điều tra sản lượng, thành phần loại trên bãi nghêu hằng năm để làm cơ sở dữ liệu phục vụ cho đánh giá. Hình thành và thúc đẩy liên kết ngang và liên kết dọc để phát triển phát triển thương hiệu MSC đối với con nghêu Bến Tre trên thị trường trong nước và quốc tế.

“Để đạt được các nhiệm vụ trên cần sự phối hợp chặt chẽ từ các cấp, các ngành của tỉnh, sự hỗ trợ của viện, trường, trung tâm để cùng nhau hỗ trợ cho hợp tác xã và cộng đồng ngư dân ven biển”, ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, khẳng định.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.