| Hotline: 0983.970.780

Con nghêu Bến Tre lần thứ 3 chinh phục tấm visa MSC

Thứ Năm 13/06/2024 , 10:17 (GMT+7)

Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre vừa cho biết, nghề sản xuất, quản lý và khai thác nghêu Bến Tre đạt được chứng nhận MSC lần thứ 3.

Nghề sản xuất, quản lý và khai thác nghêu Bến Tre vừa được Hội đồng Quản lý biển quốc tế (Marine Stewardship Council - MSC) công nhận đạt tiêu chuẩn chứng nhận MSC. Ảnh: Minh Đảm.

Nghề sản xuất, quản lý và khai thác nghêu Bến Tre vừa được Hội đồng Quản lý biển quốc tế (Marine Stewardship Council - MSC) công nhận đạt tiêu chuẩn chứng nhận MSC. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, nghề sản xuất, quản lý và khai thác nghêu Bến Tre vừa được Hội đồng Quản lý biển công nhận đạt tiêu chuẩn chứng nhận MSC. Đây là lần thứ 3 nghề quản lý và khai thác nghêu của tỉnh đạt được chứng nhận này.

Trước đó vào năm 2009, lần đầu tiên con nghêu Bến Tre được cấp chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn MSC. Năm 2016, sau khi khảo sát đánh giá lại, Hội đồng Quản lý biển tiếp tục tái chứng nhận MSC cho con nghêu Bến Tre.

Chứng nhận MSC do Hội đồng quản lý biển cấp cho “một đơn vị nghề cá” khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản tự nhiên và được xem như một giấy thông hành, là “visa” để mở rộng xuất khẩu nghêu Việt Nam sang các thị trường trên thế giới.

Bến Tre là tỉnh đứng đầu cả nước về phát triển nghề nuôi nghêu, tiềm năng đến 15.000ha. Trong đó, diện tích có thể phát triển là 7.164ha, sản lượng dao động từ 25.000 - 27.000 tấn/năm. Toàn tỉnh hiện có diện tích nghêu hơn 2.850ha; trong đó, nghêu thương phẩm là 2.248ha, nghêu giống hơn 580ha.

Hiện có 7 hợp tác xã (HTX) khai thác gồm: Rạng Đông, Đồng Tâm (huyện Bình Đại), An Thủy, Tân Thủy, Bảo Thuận (huyện Ba Tri), Thạnh Lợi, Bình Minh (huyện Thạnh Phú) và các tập đoàn nghêu với gần 20.000 thành viên. Nghề này đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động.

Khai thác nghêu giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động ở Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.

Khai thác nghêu giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động ở Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.

HTX Thủy sản Rạng Đông ở xã Thới Thuận, huyện Bình Đại được thành lập vào năm 1997, có sân nghêu rộng khoảng 1.500ha, khai thác tại 2 khu vực gồm: khu vực cồn Chày Mười và khu vực Thới Bình. Đây là “nồi cơm chung” của trên 3.000 thành viên với trên 9.000 nhân khẩu.

Năm 2009, toàn bộ vùng nghêu của HTX được chứng nhận MSC. Nhờ đó, sản phẩm thuận lợi trong xuất khẩu ra nhiều thị trường “khó tính”. Nhiều năm qua, nhờ khai thác nghêu mà đời sống của người dân nơi đây từng bước được nâng cao, đảm bảo tốt chính sách an sinh xã hội địa phương. Năm 2023, doanh thu của HTX đạt trên 50 tỷ đồng, riêng 5 tháng đầu năm 2024 đạt trên 20 tỷ đồng.

Mỗi tháng, HTX sẽ khai thác 2 đợt, mỗi đợt khoảng 6-7 ngày. Sản lượng khai thác mỗi ngày phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường, bình quân khoảng trên 10 tấn. Các hộ thành viên sẽ luân phiên tham gia cào nghêu. Bình quân, mỗi lao động nam có thu nhập từ 600 nghìn đồng, còn lao động nữ từ 400-500 nghìn đồng.

Ngoài khai thác nghêu thương phẩm, các HTX ở Bến Tre còn hướng tới khai thác du lịch trải nghiệm bắt nghêu. Ảnh: Minh Đảm.

Ngoài khai thác nghêu thương phẩm, các HTX ở Bến Tre còn hướng tới khai thác du lịch trải nghiệm bắt nghêu. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Huỳnh Thanh Phương, Đội trưởng Đội Bảo vệ sân nghêu của HTX Thủy sản Rạng Đông cho biết: “Năm nay, tình hình hạn mặn gay gắt, tuy nhiên, con nghêu vẫn phát triển tốt, không bị chết như mọi năm. Hằng tháng, HTX đều có nghêu khai thác, tạo việc làm cho bà con. Con nghêu được tái chứng nhận MSC, tôi cũng như nhiều bà con ở địa phương rất phấn khởi”.

Để phát huy lợi thế này, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho biết, trong tháng 6/2024 sẽ tổ chức hội nghị trao giấy chứng nhận MSC cho 7 HTX khai thác nghêu. Đồng thời, giới thiệu vùng nguyên liệu đạt chứng nhận MSC cho các doanh nghiệp. Lâu dài, Sở sẽ tiếp tục định hướng cho cộng đồng sản xuất duy trì và phát triển chứng nhận MSC cũng như xây dựng chỉ dẫn địa lý, bảo tồn nguồn lợi nghêu giống bố mẹ, khai thác hợp lý và bảo vệ tốt nguồn nghêu giống tự nhiên.

 Tỉnh Bến Tre cũng hướng các chủ thể hình thành và thúc đẩy liên kết ngang và liên kết dọc để phát triển phát triển thương hiệu MSC đối với con nghêu Bến Tre trên thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các đề tài nghiên cứu nhằm đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc và bộ tiêu chí của MSC và tất cả các vùng nghêu tập trung đều được kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu và đào tạo nguồn nhân lực cho các HTX.

Xem thêm
Nuôi tôm 2 giai đoạn đạt tỷ lệ sống trên 90%

Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh thực hiện thành công mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0, kết hợp hầm biogas, đạt tỷ lệ sống trên 90%.

Khó khăn xử lý tàu cá vi phạm mất kết nối thiết bị VMS

Xử lý triệt để, đủ sức răn đe với các tàu cá vi phạm IUU để người dân tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định, từng bước gỡ 'thẻ vàng' của EC.

Lê Gia làm nhà máy thủy sản đóng hộp kết hợp tham quan trải nghiệm

Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia vừa khánh thành nhà máy sản xuất thực phẩm đóng hộp từ thủy sản, kết hợp tham quan trải nghiệm.

Khám bệnh, tặng quà cho ngư dân Tiền Giang

Chương trình thực hiện nhiều hoạt động thiết thực tại tỉnh Tiền Giang như tặng quà cho 200 ngư dân, học bổng cho 200 thiếu nhi và khám chữa bệnh miễn phí 500 người dân.

Bình luận mới nhất

Những thông tin từ bài viết này càng gợi cho những người làm thủy lợi ở ĐBSCL nhớ tới món nợ thủy lợi cho Cà Mau hơn bao giờ hết! Dự án “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu” (giai đoạn 2009 - 2012) ra đời sau sự kiện phá đập Láng Châm mới chỉ là biện pháp đối phó tình thế (khi mà mặn đã xâm nhập vào đến Thị xã Ngã Năm). Khi phê duyệt chủ trương đầu tư Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề xuất các giải pháp trữ ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau. Dự án “Cống âu thuyền Ninh Quới” là bước đột phá trung gian đầu tiên của Hệ thống, thuộc giai đoạn 2 nhưng lại được làm trước đã phát huy hiệu quả bất ngờ, tạo ra được cục diện mới, lòng tin vào cách làm mới đáp ứng thực tế đời sống và hợp với lòng dân, từng bước tháo gỡ thế bí do xung đột mặn ngọt ở 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu trên bán đảo Cà Mau. Hướng chuyển nước ngọt mới bây giờ là rạch Xẻo Chít. Để nước về đến TP Cà Mau, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2 cần có nội dung tiếp nước cho con rạch này trong thời gian tới. (KS thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn – Hội Khoa kọc kỹ thuật thủy lợi TP Hồ Chí Minh)
+ xem thêm