Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản
Theo chân các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh đi kiểm tra, giám sát ngư dân sử dụng đăng đáy, lưới vây, cọc tre để khai thác thủy sản không đúng quy định vi phạm danh mục nghề, ngư cụ sử dụng cấm khai thác thủy sản trên vùng khai thác tự nhiên tại vịnh Hạ Long cho thấy, nhiều ngư dân đã chủ động tháo bỏ, tránh đánh bắt khu vực không cho phép.
Để xử lý dứt điểm tình trạng này, các ngành chức năng của tỉnh Quảng đã tiến hành rà soát, kiểm tra số hộ dân dựng đăng đáy, vây lưới không đúng quy định vi phạm danh mục nghề, ngư cụ sử dụng cấm khai thác thủy hải sản trên vùng khai thác tự nhiên tại bãi triều. Đồng thời, tuyên truyền, vận động, tổ chức gặp mặt, đối thoại trực tiếp với các hộ dân và yêu cầu các hộ dân phải tiến hành khai thác theo đúng quy định.
Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản, các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh đã tuyên truyền trực tiếp cho hàng nghìn ngư dân. Chỉ tính trong năm 2020, Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh) đã kết hợp trong các chuyến thanh, kiểm tra trên biển tuyên truyền trực tiếp cho hơn 4.000 lượt ngư dân đang hoạt động khai thác thủy sản.
Sẵn sàng tổ chức nhiều chuyến công tác với thời gian bám biển trên 420 ngày, đảm bảo duy trì lực lượng gần như 24/24 giờ tại các ngư trường trọng điểm như: Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long... Qua đó phát hiện kịp thời và xử phạt nghiêm 289 trường hợp vi phạm, thu phạt nộp ngân sách nhà nước trên 2,4 tỷ đồng.
Tịch thu tiêu hủy 42 chiếc kích điện, 775m dây điện, 620m ống hơi, 23 bộ quần áo lặn, 26 chiếc lưới te, 2.030m lồng bát quái, 20 chiếc cào sắt và nhiều loại ngư cụ cấm sử dụng trong khai thác thủy sản khác, như: Càng te, bàn trượt sắt, chã ván. Đặc biệt, qua công tác thanh tra đã kiến nghị tịch thu tiêu hủy 7 phương tiện tàu cá vi phạm nghiêm trọng trong khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường biển với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như: Chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường biển, thu gom, xử lý rác thải dọc các bờ biển, bãi tắm ven biển; quản lý chặt tài nguyên biển và hải đảo; xử lý nghiêm mọi hoạt động, hành vi thiếu trách nhiệm làm ô nhiễm môi trường biển, xâm phạm tới tài nguyên thiên nhiên; hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản được cơ quan, đơn vị và người dân trong tỉnh tích cực thực hiện.
Với trên 6.100km2 mặt nước, vùng biển, Quảng Ninh có hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, nhiều vụng, áng cùng hệ sinh thái đa dạng, phong phú, nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Đây là lợi thế quan trọng để Quảng Ninh phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường biển.
Những năm qua, Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản. Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, địa phương này đã thả trên 11 triệu con giống tôm, cua, cá về môi trường tự nhiên, đứng đầu cả nước trong công việc tái tạo nguồn lợi thủy sản, góp phần duy trì các loại giống đang có nguy cơ cạn kiệt.
Hỗ trợ, chuyển đổi nghề cho ngư dân
Để tạo chuyển biến trong nhận thức của ngư dân, công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản được thực hiện thường xuyên, bằng nhiều hình thức. Các địa phương có diện tích biển trong tỉnh Quảng Ninh đang tích cực chuyển đổi nghề cho ngư dân, vận động ngư dân vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu đánh bắt xa bờ theo “Nghị định số 67/NĐ-CP”.
Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh): Trước thực trạng nguồn lợi thủy sản bị đe dọa, những năm qua UBND tỉnh đã chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể để tái tạo nguồn lợi thủy sản, trong đó ban hành các chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề. Điển hình như chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, hỗ trợ 6% lãi suất vốn vay/năm. Một hồ sơ có thể vay tối thiểu 50-100 triệu đồng, thời gian áp dụng chính sách đến năm 2020.
“Với sự tham mưu kịp thời từ đơn vị, tỉnh Quảng Ninh cũng đã phê duyệt danh mục 45 nghề, nhóm nghề đào tạo trình độ sơ cấp và mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ cho từng nghề... để ngư dân nắm bắt cơ hội. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách của trung ương như khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa và hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, chính sách phát triển thuỷ sản…” ông Minh nói thêm.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh: Với những chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề của Trung ương và địa phương, từ năm 2014 đến nay đã phát triển thêm được 461 tàu xa bờ, giải quyết việc làm cho hơn 2.800 lao động. Chuyển đổi trong nội bộ nghề khai thác đã hỗ trợ 12 ngư dân vay vốn đầu tư đóng mới, 1 ngư dân nâng cấp tàu cá theo Nghị định số 67/NĐ-CP, giải quyết việc làm cho 120 lao động, thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/người/tháng. Thêm nữa, đóng mới, nâng cấp cải hoán tàu cá đến nay đạt 448 tàu, giải quyết việc làm cho 2.240 lao động, trong đó 62 tàu được hỗ trợ lãi suất vay vốn 6%/năm, thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Có khoảng 50-70 chủ tàu làm nghề khai thác thuỷ sản tại Vân Đồn, Cẩm Phả đã chuyển từ khai thác sang dịch vụ thủy sản (cung cấp hàng hoá, nước, đá lạnh và nhu yếu phẩm tại các khu nuôi trồng thuỷ sản, cảng cá).
Ông Nguyễn Văn Vên, xóm Nam, xã Liên Vị, TX Quảng Yên (Quảng Ninh) là một trong những hộ ngư dân có thâm niên gần 20 năm làm nghề biển và khai thác thủy sản bằng lờ dây cho hay: Sau khi được tuyên truyền và hỗ trợ ông nhận thức rõ tác hại của việc sử dụng phương tiện lờ dây, ảnh hưởng rất lớn tới nguồn lợi thủy sản, ông đã nhận thầu bãi triều ở xã Hoàng Tân và chuyển sang nuôi hà treo dây. Với nghề mới này, thu nhập của gia đình ông tuy không cao do phát sinh chi phí vận chuyển, thuê nhân công lao động... nhưng cuộc sống của gia đình ông không còn phải lênh đênh trên sông nước nhiều như trước nữa.
Hàng loạt chính sách hỗ trợ đã giúp ngư dân chuyển đổi nghề thành công. Trong mấy năm trở lại đây số tàu khai thác thủy sản vùng ven bờ đã đăng ký có xu hướng giảm dần, qua đó, góp phần bảo vệ tốt hơn nguồn lợi thủy sản và môi trường biển.
Tính đến tháng 12/2020, trên địa bàn Quảng Ninh có tổng số 8.410 tàu với khoảng 33.000 lao động đang hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn. Trong đó có 5.833 tàu thường xuyên hoạt động ven bờ (chiếm 69,3%), đã gây sức ép quá lớn cho nguồn lợi thủy sản và môi trường tại vùng biển ven bờ. Song, với các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân của trung ương, nhiều ngư dân đã chuyển đổi nghề thành công, giảm số tàu đánh bắt ven bờ.