| Hotline: 0983.970.780

Còn trách nhiệm tập thể thì không thể chống được tham nhũng

Chủ Nhật 14/01/2018 , 07:01 (GMT+7)

“Tham nhũng là anh em sinh đôi của nhà nước. Nước nào cũng có tham nhũng. Ở Việt Nam muốn chống tham nhũng có hiệu quả, ngoài quyết tâm chính trị thì hành lang pháp lý phải được hoàn thiện chắc chắn. Trong đó phải quy được trách nhiệm người đứng đầu”, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công an.

26540231-958126994339301-26172020-o184458410
Thiếu tướng Lê Văn Cương trò chuyện cùng PV NNVN


Tham nhũng gắn liền với vận động bộ máy

Ông có thể khái quát rõ hơn về thành tựu đấu tranh phòng chống tham nhũng trong năm 2017?

Tôi cho rằng, thành tựu tập trung 2 vấn đề. Thứ nhất, trong một năm, Đảng ta đã đẩy cuộc đấu tranh chống tham nhũng lên một mức độ cao hơn, tập trung vào những vụ án trọng điểm. Hàng loạt vụ án tham nhũng lớn được tổ chức điều tra, phơi bày trước công luận. Hàng chục cán bộ cao cấp bị xử lý đích đáng.

Đặc biệt nhất, năm 2017 đã xử lý đến những cán bộ đương quyền cấp cao như ông Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Anh. Lần đầu tiên, Đảng xử lý một Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM và hiện ông Thăng đã bị đưa ra xét xử.

Thành tựu thứ hai là đã tạo ra bầu không khí cởi mở trong xã hội. Chưa bao giờ báo chí, truyền thông vào cuộc hiệu quả như năm nay.

Nguyên nhân thì có nhiều nhưng rõ nhất là quyết tâm của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà người đứng đầu làm nòng cốt, ngọn cờ. Cuộc đấu tranh này phù hợp với lòng dân. Cách làm của Đảng có nhiều điểm khác biệt. Từ làm điểm đến làm diện sâu rộng. Từ rút kinh nghiệm đến làm lan tỏa. Nó thể hiện một quyết tâm nung nấu chuyển biến từ nhận thức đến hành động đúng đắn.

Khởi tố cả cán bộ cao cấp đương chức, kể cả con, cháu của các bậc lãnh đạo tiền bối, cho thấy chống tham nhũng không còn vùng cấm. Thế nhưng tại sao, chúng ta vẫn chưa kiểm soát được tình trạng quan chức nối tiếp nhau vi phạm, đụng vào đâu, đến ai là thấy sai phạm và người sau sai phạm lớn hơn người trước. Vậy đâu là căn nguyên của vấn đề này, thưa ông?

Về mặt khoa học, tham nhũng gắn liền với vận động bộ máy. Chủ quan mà nói, những người này tha hóa, suy thoái rồi. Đứng trước cờ Đảng, họ tuyên thề vì lợi ích dân tộc, nhân dân nhưng khi vào được rồi thì họ đặt lợi ích của bầu đoàn thê tử, chà đạp lên lợi ích dân tộc, họ chỉ lo vun vén, ăn cướp, ăn cắp của chung.

Cái căn nguyên là chúng ta biết mà xử lý chưa triệt để. Chỗ nào cũng có, càng lên cào càng thấy phức tạp. Hệ thống giám sát quyền lực của ta lỏng lẻo, không đủ mạnh. Ở Singapore một công chức, viên chức có đến 5 cơ quan kiểm soát quyền lực nên rất khó tham nhũng. Bộ máy của chúng ta phình to, đủ thành phần nhưng không kiểm soát được.

Quyền lực không được kiểm soát thì cán bộ dễ tha hóa. Chúng ta giao cho Đinh La Thăng quản lý hàng ngàn tỷ đồng mà buông kiểm soát thì ông ấy sẽ làm liều thôi.

Căn nguyên thứ hai là chưa có quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu. Cái này là sâu xa trong cấu trúc hệ thống của nước ta. Chừng nào chưa làm rõ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu thì chừng ấy còn khó khắc phục triệt để tham nhũng. Ở các nước, Chính phủ làm sai, bộ, ngành làm sai thì Thủ tướng mất chức ngay. 200 quốc gia trên hành tinh này, người ta quy định mỗi việc do một cơ quan chịu trách nhiệm, mỗi cơ quan do một người chịu trách nhiệm. Điều này khác biệt với Việt Nam nên chúng ta mới có tình trạng cha chung không ai khóc, ngã sự không ai chịu trách nhiệm.
 

Ở đâu dân chủ còn giả vờ thì ở đó còn sai phạm

Bà Nguyễn Thị Bích Ngà, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương có nói một câu trong Nghị quyết 4 đấy là nhiều nơi tổ chức đảng thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, đi xuống cơ sở kiểm tra có những Bí thư Tỉnh ủy trơ trẽn và không hề biết ngượng. Là một đảng viên, ông nghĩ sao về điều này?

Rõ ràng dân chủ trong sinh hoạt Đảng ở những nơi đó là giả vờ, hình thức, làm cho người đứng đầu thao túng quyền lực, độc đoán, chuyên quyền muốn làm gì thì làm. ĐBQH Lê Thanh Vân ví những người này như ông vua con ở địa phương. Do đó muốn khắc phục được điều này phải bắt nguồn từ việc tăng cường kiểm soát quyền lực, trao thêm quyền lực cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương; xác nhận trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ.

Ở đâu dân chủ còn giả vờ, tổ chức đảng bị tê liệt, sức chiến đấu của từng cấp ủy viên không còn thì sẽ còn có những sai phạm diễn ra như Thanh Hóa, Quảng Nam, Hậu Giang, Yên Bái...

Từ những thành tựu công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng năm 2017, ông có kỳ vọng gì trong năm 2018?

Ai đó, nói việc xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm như năm 2017 dễ làm cho một bộ phận cán bộ đảng viên và người dân hoang mang, lo lắng. Tôi cho rằng, nói như thế là ngụy biện. Đảng mạnh mẽ, dũng cảm xử lý một Ủy viên Bộ Chính trị, cách hết chức vụ, khởi tố và cách chức một số Bí thư Tỉnh ủy đương nhiệm và đã nghỉ hưu cho thấy lòng dân rất tin và ủng hộ tuyệt đối vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Như thế chỉ có tốt cho Đảng, đảm bảo tồn vong của chế độ.

Vì thế tôi càng tin tưởng và kỳ vọng, Đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới hiệu quả, thực hiện triệt để Nghị quyết Trung ướng 4 khóa XII, xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

"Ở nước Anh, cách đây 7 năm, xảy ra đánh nhau ở một trường cấp hai, Bộ trưởng giáo dục từ chức. Ở Hàn Quốc một cây cầu sập, Bộ trưởng Giao thông vận tải từ chức. Do đó, còn trách nhiệm tập thể thì không thể chống được tham nhũng. Chẳng hạn khi ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí quốc gia bị khởi tố thì người liên đới phải chịu trách nhiệm là ông Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ. Vì Thủ tướng đã ký bổ nhiệm ông Thăng và giao vốn cho ông Thăng. Cái này luật pháp của ta còn lỏng lẻo, sơ hở chỗ này", tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh.

(Kiến thức gia đình số 2)

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm