| Hotline: 0983.970.780

Con yêu con ghét

Thứ Bảy 12/10/2019 , 11:10 (GMT+7)

- Giá mà con Loan chỉ được bằng một phần của con Phượng thôi, thì tôi đã yên lòng, đã mãn nguyện rồi.

Câu nói ấy, bà Tư đã lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần rồi. Phượng và Loan là hai cô con gái của bà. Phượng là chị, Loan là em. Hai cô cách nhau 2 tuổi. Loan sinh được ba tháng thì bố mất vì tai nạn giao thông, từ đó bà Tư ở vậy nuôi con.

Trong hai đứa con ấy, bà dành hết tình thương yêu cho Phượng, còn Loan, không hiểu sao lại bị bà ghẻ lạnh, hững hờ. Miếng gì ngon, bà dành cho Phượng phần lớn, còn Loan thì chỉ được vét nồi. Cái áo mới cũng dành cho con gái lớn, còn con em thì toàn mặc đồ của chị thải ra. Đi học về, bà sai Loan đến tối tăm mặt mũi, nào quét sân quét nhà, nào thái rau băm bèo, cho gà cho lợn ăn, nào cơm nước...

Loan làm chậm một tý, bà chửi cho lút mặt. Còn Phượng thì chẳng phải mó tay vào bất cứ việc gì. Ngay từ ngày chúng còn bé tý, gặp ai bà cũng khen cái khôn ngoan, cái giỏi giang của Phượng, và chê cái đần độn, cái ngờ nghệch của Loan:

- Ai đời mấy ngày trước Tết, con Phượng đã đi hết nhà này đến nhà nọ, giao hẹn “mùng một cháu xông nhà cho cô hay cho chú, cho ông hay cho bà nhé”. Thấy nó mặt mũi sáng sủa, nhanh nhẹn, ai cũng nhận lời. Thế là sáng mùng một nó lần lượt chạy đến từng nhà, gặp ai cũng chúc tụng. Cuối cùng mới về đến ông bà nội, ông bà ngoại cùng các cô các chú, các dì các cậu.

Thương con bé côi cút, ai cũng lì xì cho nó hậu hĩnh. Được bao nhiêu, nó cất kỹ một chỗ, đừng hòng ai đụng được vào, rồi tiêu chung tiền của con Loan. Còn con Loan thì ngoài ông bà nội, ông bà ngoại, nó chẳng chịu đến nhà ai, lại ruột để ngoài da, nghe ai ngon ngọt thì moi hết cả ruột gan ra đưa cho họ. Đi đường có lần nhặt được mấy trăm ngàn, con này mang đến công an xã nộp.

Phát trên loa mấy ngày không ai đến nhận, các chú ấy gọi nó lên, đưa lại cho nó. Nó cầm về đưa hết cho mẹ. Giá phải là con Phượng thì đừng hòng. Rõ khổ, hai đứa đều do tôi dứt ruột đẻ ra, thế mà sao một đứa thì khôn ngoan thế, còn đứa kia thì đần độn thế.

Có lần bà ốm không muốn ăn cơm, bảo Loan nấu cho bát canh bánh đa. Khi bưng lên, vừa húp được một húp, bà nhăn mặt, mắng té tát:

- Cha tiên nhân nhà mày, mày độn muối vào cho mẹ mày ăn đấy à?

Vừa lúc ấy thấy Phượng về, bà bảo Phượng:

- Con ơi...Con... Con thương mẹ với, con đổ cái bát canh này cho lợn, rồi nấu cho mẹ bát khác. Chứ để cái con chết băm chết vằm này nó làm, thì mẹ đến chết khô chết héo mất thôi.

Cô con lớn bưng bát canh xuống bếp, để nguyên thế một lúc rồi bưng lên. Vừa húp được một húp, bà đã khen lấy khen lể những là ngon ngọt, là mát ruột...

Hai cô con gái lần lượt lấy chồng, đều ở cùng xã. Ngày cưới Phượng, bà cho cô một cây vàng làm của hồi môn, còn cưới Loan, thì chỉ có đúng một chỉ.

Cưới nhau xong, vợ chồng Loan lăn lộn làm ăn, họ thầu hơn chục mẫu đất ven sông Kinh rồi ra sức khai hoang. Họ lập vồng trông chuối tiêu hồng, dưới gốc chuối thì nuôi cáy. Cáy là một loài thuộc họ cua, từ lâu, mắm cáy đã trở thành đặc sản của vùng quê họ. Vừa nuôi cáy, họ vừa thu mua cáy của dân trong vùng rồi mở xưởng sản xuất mắm cáy. Chẳng bao lâu, mắm cáy Hồng Loan đã thành thương hiệu, cung không đủ cầu. Vườn chuối tiêu hồng cũng cho họ một khoản thu nhập không nhỏ.

Còn vợ chồng Phượng thì buôn tiền. Họ vay của mọi người với lãi suất 4%/tháng rồi ôm lên thành phố cho vay lại với lãi suất 9%/tháng, ăn chênh lệch 5%. Tham lãi cao, người trong vùng đua nhau mang tiền đến cho vợ chồng Phượng vay, chẳng mấy lúc, họ đã vay được hơn chục tỷ. Dành dụm được gần trăm triệu định để dưỡng già, nghe vợ chồng con gái lớn ngon ngọt, bà Tư đưa hết cho vợ chồng Phượng. Biết vợ chồng Loan dành dụm được ít tiền, Phượng đến hỏi vay nhưng Loan nhất định không nghe. Thấy vậy, bà Tư gọi Loan về, mắng cho một trận:

- Sao mày ngu thế. Tiền ở trong nhà là tiền chửa, tiền ra khỏi cửa mới là tiền đẻ. Mày gửi ngân hàng, mỗi tháng chỉ được lãi có 0,42%, sao không biết đưa cho chị mày để hưởng lãi gấp 10 lần. Mày nhìn chị mày đấy, cứ ngồi không mà mỗi tháng nó hưởng lãi chênh lệch mỗi tỷ là 5 triệu. Gần hai chục tỷ, mỗi tháng nó hưởng chênh lệc bao nhiêu? Vợ chồng mày sấp ngửa với cua cáy, chuối chăn, liệu có bằng tý rơi tý vãi của nó không? Rõ là cái đồ mo nang trôi sấp biết ngày nào khôn.

Mặc mẹ mắng chửi, Loan nhất quyết không đưa tiền cho chị. Thế rồi đùng một cái, người trên thành phố vẫn vay tiền của vợ chồng Phượng lặn mất tăm, ôm theo 18 tỷ đồng của cô. Những ngày đó, vùng quê như trời long đất lở. Hàng trăm người ngày ngày vây kín nhà Phượng đòi tiền, những lời chửi mắng, sỉ nhục đổ xuống đầu Phượng như thác đổ. Không còn cách nào khác, vợ chồng Phượng chỉ còn nước duy nhất là quỳ xuống khóc lóc van xin. Đồ đạc trong nhà phút chốc bị xiết sạch.

Rồi một hôm, những chủ nợ lại tìm đến nhà Phượng, và họ sững sờ thấy cổng khóa, cửa nhà cũng khóa. Vợ chồng Phượng cùng hai đứa con nhỏ không biết đã đi đâu từ đêm. Nghe tin, bà Tư ngất xỉu. Lúc tỉnh dậy, bà thấy mình nằm trong bệnh viện, xung quanh chẳng có ai ngoài vợ chồng Loan.

(Kiến thức gia đình số 41)

Xem thêm
Gia đình - Nơi hạnh phúc bắt đầu

Gia đình - Nơi hạnh phúc bắt đầu là cách nhấn mạnh rằng gia đình chính là nguồn cội của mọi niềm vui và sự bình yên trong cuộc sống.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?