Trong khuôn khổ Tọa đàm, Cục Quản lý thị trường Bến Tre đã công bố kết quả điều tra về sản phẩm nhái thương hiệu Ống nhựa Hoa Sen trên thị trường.
Trước đó, ngày 15/12/2023, Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP. Bến Tre. Qua kiểm tra phát hiện 4 cơ sở vi phạm gồm Công ty TNHH MTV nhựa H.O, hộ kinh doanh H.O, hộ kinh doanh Đ.T.L, hộ kinh doanh H.N và tạm giữ hơn 3.300 sản phẩm ống nhựa cứng các loại có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ của Tập đoàn Hoa Sen với tổng trị giá hàng hóa trên 188 triệu đồng.
Cụ thể, các sản phẩm vi phạm này in “hình hoa sen 8 cánh và dòng chữ Ống nhựa Bông Sen MeKong” gắn trên sản phẩm ống nhựa cứng đã xâm phạm quyền (quy định tại Điều 11 Nghị định 105/2006 sửa đổi) đối với nhãn hiệu được bảo hộ theo GCNĐKNH số 209389 của Tập đoàn Hoa Sen.
Qua thẩm tra, xác minh và căn cứ vào kết luận giám định của cơ quan chuyên môn, Đội Quản lý thị trường số 1 đã trình Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bến Tre ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV nhựa H.O, hộ kinh doanh Đ.T.L, hộ kinh doanh H.N; chuyển hồ sơ, trình UBND tỉnh Bến Tre ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh H.O nói trên.
Ngày 12/1/2024, Cục Quản lý thị trường Bến Tre đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV nhựa H.O với số tiền 48.500.000 đồng, xử phạt hộ kinh doanh Đ.T.L số tiền 3.375.000 đồng, xử phạt hộ kinh doanh H.N số tiền 1.625.000 đồng về hành vi bán hàng hóa là ống nhựa cứng xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Ống nhựa Hoa Sen được bảo hộ của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen.
Ngày 17/1/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh H.O với số tiền xử phạt trên 99.519.650 đồng với cùng hành vi vi phạm trên.
Ông Nguyễn Hoàng Thuận, Phó Tổng Thư ký VATAP cho biết: “Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu là một quyền sở hữu đối với tài sản vô hình. Do vậy việc bảo vệ quyền sở hữu tài sản này bằng biện pháp hành chính có ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ trật tự xã hội, trật tự kinh doanh, xử lý người vi phạm và bảo vệ chủ văn bằng, bảo vệ người tiêu dùng”.
“Trong thời gian qua, tình trạng xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu vẫn còn tiềm ẩn phức tạp, làm ảnh hưởng rất lớn tới phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và các doanh nghiệp bị xâm phạm. Do vậy, đứng ở vai trò của VATAP, chúng tôi rất quyết liệt trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm, chủ động ngăn chặn các hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả, góp phần xây dựng và bảo vệ các thương hiệu chân chính của Việt Nam”, ông Thuận nói thêm.