Sáng 21/11, Vườn quốc gia (VQG) Vũ Quang, Hà Tĩnh tổ chức lễ công bố “Vườn Di sản ASEAN”, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT; lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và hơn 200 đại biểu các sở ban ngành địa phương; cán bộ, nguyên cán bộ, nhân viên VQG Vũ Quang.
Năm 2002, VQG Vũ Quang được chuyển đổi từ Khu Bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang; thực hiện chức năng, nhiệm vụ chính là bảo tồn mẫu chuẩn về hệ sinh thái rừng Bắc Trường Sơn; bảo tồn sự đa dạng sinh học đặc trưng của rừng tự nhiên thuộc dãy Trường Sơn, tiếp giáp với biên giới Việt Nam – Lào; góp phần duy trì cân bằng sinh thái và gia tăng độ che phủ rừng, bảo đảm an ninh môi trường và sự phát triển bền vững về tự nhiên, kinh tế của các tỉnh thuộc khu IV.
Đồng thời, phát huy các giá trị của hệ sinh thái rừng, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tham quan và du lịch sinh thái...
Công tác bảo vệ rừng được vườn xem là nhiệm vụ nòng cốt. Đặc biệt, khoảng 5 năm gần đây, với lực lượng đông đảo cán bộ kiểm lâm bố trí tại 10 đội, trạm kiểm lâm đóng tại 3 huyện Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn, số vụ lâm tặc xâm hại đến rừng gần như đếm trên đầu ngón tay.
Hiện độ che phủ rừng của VQG Vũ Quang đạt tới 99,8%; trữ lượng rừng được đánh giá là đứng nhóm đầu của cả nước với hơn 8 triệu m3.
Theo ông Nguyễn Danh Kỳ, Giám đốc VQG Vũ Quang, vườn không chỉ được biết đến là trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam, mà còn là nơi lưu giữ nhiều nguồn gen rất giá trị cho công tác bảo tồn. Khu vực này có duyên với việc phát hiện loài mới đến mức các chuyên gia và nhà báo nước ngoài từng nói rằng: “Vũ Quang là 'mỏ' loài mới của Việt Nam”.
Vườn nằm trong một vùng sinh thái có mức độ ưu tiên toàn cầu, được xác định là cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học cho cả khu vực thuộc dãy Trường Sơn.
Trong suốt hơn 4 thập kỷ quản lý, bảo vệ rừng, VQG Vũ Quang được tỉnh Hà Tĩnh, các sở, ban ngành, đơn vị trên địa bàn đánh giá là một điểm sáng. Minh chứng là từ 55 vụ vi phạm công tác quản lý, bảo vệ rừng năm 2015 giảm xuống còn 3 vụ (năm 2018). Đặc biệt trong năm 2019, nắng nóng kéo dài nhưng Vườn không để xảy ra vụ cháy rừng hay xâm hại rừng nào.
Đối với nghiên cứu khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học, VQG Vũ Quang có sự hiện diện của nhiều loài đặc hữu cho cả Việt Nam và Lào. Trong đó, có những loài đặc trưng, quý hiếm như: sao la, mang lớn, thỏ vằn, cầy vằn, chà vá chân nâu, vượn đen, gà lôi lam đuôi trắng, rắn lục sừng, ếch cây sần Bắc Bộ...
Tại đây cũng đã xác định được 1.829 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 813 chi với 217 họ; ghi nhận sự góp mặt của 94 loài thú thuộc 26 họ, 315 loài chim, 58 loài bò sát, 31 loài lưỡng cư, 88 loài cá xương, 316 loài bướm, 73 loài kiến và 28 loài nhện.
Thời gần đây VQG Vũ Quang tích cực phối hợp với các Tổ chức, các chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu, phát hiện ra nhiều loài mới cho thế giới, làm nổi bật tiềm năng đa dạng sinh học của VQG và tỉnh Hà Tĩnh.
Đáng chú ý là các loài: Chà ran tuyến (phát hiện năm 2016), Dẻ Vũ Quang (năm 2017), Trà hoa vàng Vũ Quang và Trà hoa vàng Hà Tĩnh (năm 2018), Tân bời lời Vũ Quang (phát hiện năm 2019).
Tại Hội nghị Vườn Di sản ASEAN (AHP) lần thứ 6 diễn ra tại nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào (tháng 10/2019), VQG Vũ Quang chính thức được công nhận là “Vườn Di sản ASEAN” (Khu AHP) cùng với 3 đại diện khác của Việt Nam.
Việc công nhận danh hiệu Vườn Di sản ASEAN góp phần quan trọng đối với công tác bảo tồn các hệ sinh thái không chỉ có đa dạng sinh học cao mà còn có giá trị văn hóa, lịch sử đối với từng quốc gia và cả khu vực. Đồng thời, điều này góp phần quan trọng nâng cao nhận thức bảo tồn đa dạng sinh học của người dân các nước ASEAN.
Tại lễ công bố, tham luận của một số nhà khoa học khẳng định, ngoài phát hiện, bảo tồn rất nhiều loài động, thực vật mới cho khoa học thì việc phát hiện loài sao la, mang lớn - một trong những loài cực kỳ nguy cấp tại VQG Vũ Quang một lần nữa minh chứng cho tính đa dạng sinh học và giá trị sinh thái bậc nhất của VQG Vũ Quang trong khu vực ASEAN.
Phát biểu tại lễ công bố, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chúc mừng thành quả mà VQG Vũ Quang đạt được trong thời gian vừa qua.
Danh hiệu "Vườn Di sản ASEAN" không chỉ mang giá trị về mặt đa dạng sinh học mà còn thể hiện giá trị văn hóa, lịch sử của cả khu vực. "Đạt danh hiệu "Vườn Di sản ASEAN" đã khó, gìn giữ và phát huy giá trị của danh hiệu lại càng khó. Vì vậy, thời gian tới đề nghị VQG Vũ quang tiếp tục nâng cao công tác BVR - PCCCR. Tích cực tuần tra rừng tại gốc, giữ nguyên hiện trạng rừng, góp phần gia tăng độ che phủ rừng.
Đặt nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học là nhiệm vụ xương sống. Đồng thời, phát huy tiềm năng, lợi thế xây dựng, phát triển mô hình du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường...", ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Đặng Ngọc Sơn cũng bày tỏ lời cảm ơn, ghi nhận sự quan tâm, giúp đỡ, đồng hành đầy hiệu quả của các tổ chức, bộ ngành Trung ương, các Trường đại học, nhà khoa học giúp VQG đạt được danh hiệu hết sức ý nghĩa "Vườn Di sản ASEAN".
Vườn Di sản ASEAN là danh hiệu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), được triển khai từ năm 2003 với mục đích bảo tồn toàn diện các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mang tính độc đáo của khu vực ASEAN, với sự tham gia và ký kết của các bộ trưởng về Môi trường của ASEAN.