| Hotline: 0983.970.780

Cộng đồng người Ba Na làm giàu bằng mô hình cà phê sạch

Chủ Nhật 21/08/2022 , 08:30 (GMT+7)

Cộng đồng người Ba Na tại tỉnh Gia Lai đã thay đổi cách trồng, chăm sóc cà phê theo các tiêu chuẩn, chất lượng đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu.

Rủ nhau làm cà phê sạch

Trong những năm gần đây, nhờ liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, nên người dân, đặc biệt là người đồng bào Ba Na tại huyện Đăk Đoa (tỉnh Gia Lai) đang dần thay đổi cách thức sản xuất cà phê theo cách cũ sang sản xuất cà phê đạt chuẩn chứng nhận toàn cầu, phục vụ xuất khẩu, bảo vệ sức khoẻ và thân thiện với môi trường. 

Empty

Cộng đồng người Ba Na rủ nhau làm cà phê sạch. Ảnh: Tuấn Anh.

Gia đình ông Uê (xã Glar, huyện Đăk Đoa) bắt đầu liên kết với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp theo chương trình sản xuất cà phê sạch từ năm 2015. Ngày trước, gia đình ông sản xuất cà phê theo hướng truyền thống chưa có kỹ thuật chăm sóc, làm cỏ sạch, sử dụng phân hóa học và nước tưới tràn lan, ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường xung quanh.

Sau đó, ông Uê nhận thấy không ổn khi vườn cà phê ngày càng kém hiệu quả, năng suất, chất lượng không đạt như mong muốn. Tình cờ, ông biết đến Công ty TNHH Vĩnh Hiệp với mô hình cà phê 4C sản xuất theo hướng bền vững. Thấy vậy, ông quyết định tham gia vào chương trình sản xuất cà phê sạch và được công ty hỗ trợ về kỹ thuật, tập huấn về quy trình trình chăm sóc, tưới nước, làm cỏ.

Chỉ tay về phía gốc cây cà phê, ông Uê vui mừng cho biết, ngày xưa chưa biết cách chăm sóc, thấy cỏ mọc tràn lan là gia đình phát sạch. Từ khi tham gia làm cà phê sạch thì mới biết được quy trình chăm sóc cà phê là phải nuôi cỏ để chống sói mòn, giữ độ ẩm và đặc biệt giảm sử dụng thuốc diệt cỏ cho cây cà phê. Ngoài ra, công đoạn bón phân cũng khác ngày xưa, không còn bón phân theo kiểu đón mưa mà phải sắp xếp quy trình thời gian cụ thể. Đặc biệt, sản xuất cà phê 4C thì khâu thu hái rất quan trọng.

“Trước đây, cứ thấy vài quả chính là gia đình hái hết cả vườn cây, như vậy năng suất, chất lượng không đảm bảo. Còn hiện tại, công đoạn hái được gia đình chia làm nhiều giai đoạn, ưu tiên hái những quả chín để đảm bảo tiêu chuẩn”, ông Uê chia sẻ.

Empty

Ông Uê được hướng dân sản xuất cà phê hữu cơ. Ảnh: Đ.L.

Đang chăm sóc vườn cà phê 1ha, anh Si Môn (làng Dor 2, xã Glar, huyện Đăk Đoa) cho biết, anh và các hộ dân trong làng tham gia vào HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh để cùng nhau cam kết sản xuất cà phê theo chứng nhận UTZ (chứng nhận toàn cầu về cà phê sạch, đảm bảo sức khỏe người trồng và bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất) từ năm 2018. Tại đây, người dân được hướng dẫn theo quy trình sản xuất cà phê sạch, giảm thiểu thuốc bảo vệ thực vật và phân hoá học, không sử dụng thuốc diệt cỏ, tăng lượng phân hữu cơ và chế phẩm sinh học.

Nhờ canh tác theo chứng nhận UTZ, nên nhiều năm nay, gia đình anh Si Môn bán được giá cà phê cao hơn so với giá thị trường 1.500 đồng/1kg. “Trước kia đất của mình bị chai, cứng, nhưng hiện nay thì đang thay đổi, dần tơi xốp hơn. Trong đất có nhiều vi sinh vật sinh sống. Cây cà phê cũng đang khoẻ dần lên, năng suất ổn định, không bị tình trạng năm được mùa, năm mất mùa như trước nữa”, anh Si Môn chia sẻ.

Phất lên nhờ làm cà phê sạch

Chính nhờ thay đổi tư duy canh tác cây cà phê từ truyền thống sang sản xuất cà phê theo hướng 4C, gia đình ông Uê không chỉ bán được cà phê tươi với giá cao mà còn tiết kiệm được nhiều khoản chi phí như tiền phân, thuốc men, công làm cỏ, xịt cỏ… Đặc biệt, có thể tận dụng tối đa những phụ phẩm như bơ, đậu nành, chuối…ủ để làm phân bón cho cây trồng… Với phương pháp này, giá cà phê sẽ được tăng thêm từ 2 - 4 giá so với thị trường. Đồng thời, người dân cũng không phải lo đầu ra vì được bao tiêu.

Empty

Cà phê theo hướng hữu cơ của người Ba Na cho năng suất, chất lượng rất tốt. Ảnh: Tuấn Anh.

“Ngày xưa, làm cà phê chỉ được 1,5 – 2 tấn cà phê nhân/ha, còn hiện tại gia đình liên kết với công ty và được HTX hỗ trợ kỹ thuật nên cà phê đã được năng cao năng suất, chất lượng. Hiện tại trung bình 1 ha cà phê của gia đình đạt từ 3,5-4 tấn cà phê nhân”, ông Uê thông tin.

Ông Lê Hữu Anh, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh cho biết, trong thời buổi gặp nhiều khó khăn như dịch Covid-19, vật tư nông nghiệp tăng cao, các thành viên trong đặc biệt là cộng đồng người đồng bào Ba Na bắt cần phải thay đổi phương thức sản xuất, sử dụng nhiều hơn các chế phẩm vi sinh trong quy trình canh tác.

Với việc áp dụng nhiều hơn các loại phân bón hữu cơ, phân tự ủ vào trong vườn cây đã tiết giảm được rất nhiều chi phí sản xuất, loại bỏ được các thuốc bảo vệ thực vật độc hại.

Qua 2 năm triển khai từ những mô hình vườn mẫu của các thành viên đã gặt hái được rất nhiều thành công, vườn cây khỏe mạnh, năng suất tăng. Đặc biệt, qua năm đầu tiên, chi phí sản xuất đã giảm được khoảng 30% và sẽ giảm 50% trong các năm tiếp theo.

Từ nền tảng các thành viên là người đồng bào Ba Na trên địa bàn, mô hình sản xuất cà phê sạch được triển khai rất thành công. Người đồng bào Ba Na vốn rất cần cù trong lao động, tuân thủ rất tốt các nguyên tắc về sản xuất cà phê sạch nên hiệu quả mang lại rất cao.

Chính vì vậy, trong năm đầu tiên chỉ có 3 vườn cà phê của người Ba Na tham gia sản xuất cà sạch thì đến nay đã tăng lên 30 vườn tham gia làm theo. Theo đó có trên 150 hộ đồng bào Ba Na tham gia vào quy trình ứng dụng chế phẩm vi sinh vào chăm sóc vườn cây cà phê. Hiện tại, HTX cũng đồng hành với tất cả các hộ dân để hướng dẫn quy trình chăm sóc cà phê sạch đạt hiệu quả cao nhất.

“Giảm được chi phí sản xuất xem như thắng lợi, phù hợp đối với người đồng bào Ba Na trong việc giảm chi phí đầu tư, áp dụng được kỹ thuật trong chăm sóc vườn cây của mình. Chính vì tiết kiệm được chi phí đầu vào, cùng với giá cà phê tăng cao như nhiện nay đã giúp cho bà con thu lợi được rất nhiều từ cà phê nhân xô”, ông Hữu Anh chia sẻ.

Trước đây, bà con làm cà phê không có được sự hướng dẫn, việc đầu tư không đến nơi đến chốn, sử dụng phân bón hóa học bừa bãi nên cho năng suất rất thấp. Trung bình 1 ha chỉ đạt năng suất từ 1,5-2 tấn cà phê nhân. Trong khi những vườn qua năm thứ 2 cải tạo đã cho năng suất từ 3-5 tấn cà phê nhân. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, chứng tỏ trong thực tế người dân thực hành rất tốt quy trình chăm sóc cà phê sạch.

Ông Hữu Anh cho biết: “Với quy trình sản xuất mới hiệu quả như thế này, chúng tôi mong muốn sẽ lan tỏa rộng thêm mô hình này trên khắp địa bàn và các huyện khác. Với tiêu chí giúp đỡ cho bà con nông dân thay đổi được cách làm, nâng cao đời sống và đặc biệt loại bỏ được thuốc bảo vệ thực vật độc hại, giữ được sức khỏe cho người nông dân”.

Empty

Thu nhập của người Ba Na được nâng cao đáng kể từ khi làm cà phê sạch. Ảnh: Đ.L.

Ông Bùi Quang Thoại, Phó chủ tịch UBND xã Glar (huyện Đăk Đoa) cho biết, năm 2019, UBND xã đã phối hợp với phòng NN-PTNT của huyện và Công ty TNHH Vĩnh Hiệp triển khai cho 15 hộ dân đồng bào Ba Na trên địa bàn tham gia sản xuất cà phê 4C.

Sau 1 năm triển khai, các hộ dân đã từng bước thay đổi được phương thức canh tác cà phê so với trước đây. Đến nay, các hộ dân vẫn tiếp tục duy trì sản xuất và đặc biệt cùng với HTX Lam Anh tư vấn thêm về kỹ thuật cũng như thay đổi về cách thức canh tác, nâng cao hiệu quả cho cây trồng.

Trước đây, người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón chưa đúng cách dẫn đến năng suất thấp. Qua triển khai cho các hộ dân sản xuất theo hướng hữu cơ thì thấy, chi phí đầu tư giảm rõ rệt, năng suất vườn cây tăng lên, đặc biệt sức khỏe người dân được đảm bảo.

Ông Bùi Quang Thoại cho biết, do cây cà phê là nguồn thu nhập chính nên những năm gần đây người dân đã mạnh dạn thay đổi các giống mới vào tái canh và chăm sóc cà phê duy trì năng suất bền vững. Về kinh tế của người dân, trong những năm gần đây nhờ cây cà phê cùng với chăn nuôi đời sống người dân đã phát triển, theo đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn cũng đã giảm dần qua các năm.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Mắm Lê Gia đạt OCOP 5 sao: Thành công là hành trình, không phải điểm đến

Sản phẩm nước mắm Lê Gia - Cốt đặc biệt 40N của Công ty TNHH Thực phẩm & TMDV Lê Gia vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao.