| Hotline: 0983.970.780

Công dụng bất ngờ của rau bạc hà

Thứ Bảy 14/03/2020 , 13:15 (GMT+7)

Bạc hà tính mát, không độc, chứa hàm lượng lớn chất dinh dưỡng cần thiết đối với sức khỏe.

Rau bạc hà.

Rau bạc hà.

Bạc hà có rất nhiều tên gọi khác như Bà hà, Anh sinh, Băng hầu úy, Bạt đài, Kê tô, Đông Đô, Kim tiền bạc hà (Bản thảo cương mục), Thach bạc hà (Hòa hán dược thảo), Miêu nhị bạc hà (Ly sàm nham bản thảo).... Tên khoa học Mentha Arvensis Lin thuộc họ hoa môi (Lamiaceae).

Theo một số nghiên cứu, bạc hà có chứa hàm lượng lớn chất dinh dưỡng cần thiết đối với sức khỏe. Trên thực tế, cứ 14g bạc hà chứa khoảng 6 calo, 8% RDI mangan, 9% RDI sắt, 1 gram chất xơ và 12% RDI vitamin và 4% RDI folate… Ngoài các thành phần hóa học này, dược liệu này còn giúp cung cấp lượng lớn chất chống oxy hóa và vitamin A hòa tan trong chất béo.

Chính nhờ chứa những hoạt chất này, bạc hà thường được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như: Giúp tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể, cải thiện hội chứng ruột kích thích, giảm chứng khó tiêu, kích thích hệ thần kinh, giảm stress và căng thẳng, giảm đau và chống viêm.

Bên cạnh các tác dụng này, hoạt chất mentol chứa trong bạc hà còn có công dụng làm dịu vòm họng, tiêu đờm và ức chế cơn ho. Chính vì vậy, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe thường khuyến cáo nên tiêu thụ bạc hà thường xuyên để điều trị ho do cảm lạnh hoặc ho do bệnh lý đường hô hấp gây nên.

Theo đông y, bạc hà tính mát, không độc, có khả năng tán phong nhiệt, chữa nhức đầu, chữa trị cảm mạo không ra mồ hôi. Hay còn dùng để điều trị các tình trạng ho, hắt hơi sổ mũi, ngạt mũi. Bên cạnh đó bạc hà giúp kích thích quá trình tiêu hóa và chữa chứng chán ăn không tiêu, nôn mửa ở nhiều người.

* Dùng trà bạc hà trị ho: Các bạn có thể mua túi trà bạc hà đã được chế biến sẵn tại các cửa hàng tạp hóa địa phương hoặc ở các diễn đàn sức khỏe. Mỗi lần uống dùng 1 túi hãm trong nước ấm từ 4 đến 6 phút và uống. Ngoài ra, bạn cũng có thể tự chế trà bạc hà điều trị ho theo các cách làm sau đây:

Cách 1: Cách pha trà bạc hà nóng chữa ho: Lá bạc hà: 5 – 10 lá, Nước: 470ml, Mật ong, đường và chanh: Rửa sạch lá bạc hà, xé hoặc thái nhỏ để tiết mùi thơm. Cho lá bạc hà vào bình thủy tinh, đổ nước đã đun sôi vào và ủ từ 5 – 10 phút. Sau đó, cho đường, mật ong và chanh vào khuấy đều (tùy theo sở thích mà bạn có thể cho nhiều hoặc ít). Mỗi ngày uống 1 – 2 cốc trà bạc hà nóng giúp giảm ho và làm dịu vòm họng.

Cách 2: Chữa ho bằng trà cây bạc hà kết hợp với chè xanh: Lá chè xanh: 15g, Nước lọc: 1.2 lít, Đường: 40 – 50g. Bạc hà tươi: 5 – 10 cây. Lá chè xanh và bạc hà đem rửa sạch. Cho lá chè vào bình thủy tinh và hãm với nước nóng. Sau đó, giữ lại phần lá và đổ bỏ phần nước. Tiếp tục cho nước sôi vào và hãm trong vòng 10 – 15 phút. Sau đó cho lá bạc hà và đường vào, ủ thêm 5 phút rồi rót ra ly và uống

Không chỉ riêng bạc hà, trà xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ niêm mạc vòm họng khỏi gốc tự do gây hại. Đồng thời, các hoạt chất chứa trong dược liệu này còn có công dụng làm tiêu đờm và hỗ trợ điều trị ho. Do đó, mỗi ngày uống 1 – 2 cốc trà xanh và bạc hà giúp kiểm soát ho.

* Sử dụng tinh dầu cây bạc hà chữa ho: Tinh dầu bạc hà có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm. Do đó, chúng không chỉ giúp giảm ho mà còn hỗ trợ làm dịu, giảm ngứa ở cổ họng. Ngoài ra, tinh dầu chiết xuất từ thảo dược này còn giúp cải thiện triệu chứng đau nhức đầu và hơi thở có mùi hôi.

Cách sử dụng tinh dầu bạc hà trị ho rất đơn giản, chỉ cần thêm tinh dầu vào máy khuếch tán và hít. Ngoài ra, có thể thêm 1 – 2 giọt tinh dầu vào bát nước nóng và tiến hành xông hơi. Bên cạnh đó, cũng có thể giảm ho bằng cách thoa tinh dầu bạc hà lên cổ họng và ngực. Tuy nhiên, trước khi thoa, nên pha loãng trước bằng dầu dừa để tránh trường hợp kích ứng do da nhạy cảm.

* Bị cảm giai đoạn đầu kèm theo biến chứng phong nhiệt: Bạc hà 8g, Thuyền thoái (bỏ chân) 12g, Thạch cao 24g, Cam thảo 6g, sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

* Bị ban sởi giai đoạn đầu chưa phát, phong ngứa, mề đay: Bạc hà 4g, Ngưu bàng tử 12, Thuyền thoái 4g, Cam thảo 4g, Sắc uống sẽ làm sởi mọc ra.

* Trị mắt đỏ, đau đầu, họng sưng đau do phong nhiệt: Bạc hà 4g, Phòng phong 8g, Cát cánh 8g, Cương tằm 12g, Kinh giới 12g, Cam thảo 8g, sắc uống ngày 1 thang, chia 3lần.

* Chữa chứng toét mắt: Ngâm bạc hà với nước gừng 1 đêm, sau sấy khô tán bột. Mỗi lần dùng 4g bột này hòa với nước đã đun sôi rửa mắt.

* Đau răng do phong hỏa: Lá bạc hà 10g, Tổ ong 10g, Cúc hoa 10g, Bạch chỉ 6g, Hoa tiêu 2g, sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

* Chữa đau tai: Lấy lá bạc hà giã nát lấy nước cốt nhỏ vào tai đau 3 - 5giọt.

* Trị mụn làm mờ sẹo: Giã lá bạc hà đắp lên mụn và sẹo.

* Tăng cường miễn dịch trị nhức đầu, cảm mạo: Lá bạc hà 6g, hành hoa 6g, Kinh giới 6g, Phòng phong 5g, Bạch chỉ 4g, hãm với nước sôi sau 20 phút uống nóng, rồi đắp chăn nghỉ ngơi chờ cơ thể hồi phục.

* Trị hen suyễn, Viêm xoang, làm sạch đường hô hấp: Chất rosmarinic acid có khả năng chống viêm. Vì vậy ta dùng lá bạc hà tươi hay tinh dầu rồi pha với nước sôi xông mũi sẽ làm sạch xoang và chống nhiễm trùng. Một số nghiên cứu cho thấy anh sinh có khả năng điều trị hen suyễn và các chứng dị ứng nhiễm trùng nấm.

* Bị lỵ tiêu ra máu: Dùng bạc hà sắc đặc uống.

* Trị nhọt vỡ mủ, nhọt độc gây đau, lao hạch: Bạc hà 1 nắm to (chừng 20 - 30g), ngâm với 200ml rượu phơi khô rồi lại tẩm tiếp 3 đêm như thế, sau sấy khô, thêm 10 trái tạo giáp (cỡ 2 thốn), bỏ vỏ đen rồi tẩm dấm và mang nướng cho vàng. Cả 2 thứ tán bột rồi viên hoàn bằng hạt ngô đồng, uống vào trước bữa ăn 20 viên, trẻ em liều bằng nửa.

* Bị chảy máu cam cầm không được: Lấy bạc hà tươi giã lấy nước cốt tẩm bông nhét vào mũi.

* Bị sốt cao, không ra mồ hôi, sợ nóng, bứt rứt, đêm nằm không yên, miệng khát: Bạc hà 20g, thạch cao sống 40g, tán bột rồi uống mỗi lần 2 - 4g, cùng với nước nóng 3 lần một ngày.

* Làm giảm hôi miệng: Lấy lá bạc hà nhai hoặc uống trà bạc hà.

* Làm giảm stress, chữa chứng trầm cảm: Uống trà bạc hà giúp giảm căng thẳng, ngủ ngon do ổn định tâm trạng, kích thích giác quan.

* Bệnh ung thư: Một số nghiên cứu cho thấy Bạc hà có chứa các enzyme có khả năng ngăn ngừa ung thư.

Lưu ý không dùng cho những người ngứa đổ mồ hôi khí hư, người dễ bị lạnh tự ra mồ hôi âm hư gây ra sốt do uống lâu ngày hay uống nhiều. Không uống nhiều kéo dài dễ tổn tâm, can, tiết hết tâm khí tổn dương hao âm. Những người mới khỏi bệnh nội thương, âm hư, biểu hư không dùng vì làm ra mồ hôi gây vong dương. Người huyết áp cao táo bón, suy nhược toàn thân gày yếu, trẻ dưới 24 tháng không dùng.

(Kiến thức gia đình số 11)

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bình luận mới nhất