Hàng chục giống lâm nghiệp mới được công nhận
Chương trình trình nghiên cứu trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học có mục tiêu tạo ra các giống cây trồng lâm nghiệp, các chế phẩm công nghệ sinh học mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Tăng cường tiềm lực cho công nghệ sinh học lâm nghiệp thông qua đào tạo được đội ngũ cán bộ công nghệ sinh học và đầu tư nâng cấp hệ thống phòng thí nghiệm công nghệ sinh học lâm nghiệp.
TS Nguyễn Đức Kiên, Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) nhấn mạnh, đến nay có thể khẳng định chương trình đã đạt được cơ bản các mục tiêu đề ra, trong đó có rất nhiều thành tựu nghiên cứu được coi như bước đột phá mới cho ngành lâm nghiệp.
Cụ thể, chương trình đã chọn tạo được nhiều giống keo, bạch đàn mới, có năng suất và chất lượng cao, bao gồm 13 giống mới được công nhận là 4 dòng keo tam bội X101, X102, X201, X205; 7 dòng keo lai tự nhiên BB055, BV350, BV376, BV434, BV523, BV584 và BV586 và 2 dòng bạch đàn lai CU98 và CU82.
Bên cạnh đó, còn có 3 dòng bạch đàn trắng kháng bệnh đốm lá (mức kháng cấp C0), 8 dòng bạch đàn lai sinh trưởng nhanh (UC16, UC51, CU113, CU123, UC52, CU182, UE72, UC55), 4 dòng bạch đàn lai UU cho chiều dài sợ gỗ vượt từ 14% so với đối chứng, 40 dòng bạch đàn lai UP chuyển gen EcHB1 cho chiều dài sợi gỗ, 11 dòng T0 chuyển gen bạch đàn GA20/GS21 sinh trưởng nhanh, 8 dòng xoan ta chuyển gen GA20, GA21 sinh trưởng nhanh và mang gen Cl1 chất lượng gỗ tốt rất có triển vọng.
Chương trình cũng đã triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm vi nhân giống bạch đàn và keo với sản phẩm là qui trình công nghệ vi nhân giống cây bạch đàn, keo qui mô công nghiệp được hoàn thiện ứng dụng thành công tại Quảng Ninh, Yên Bái, Sơn La, Tuyên Quang, Bình Định. Khoảng 30 triệu cây giống bạch đàn, keo bằng công nghệ mô đã được cung cấp ra thị trường.
Về lĩnh vực vi sinh, đã nghiên cứu thành công 4 loại chế phẩm vi sinh, phân bón hữu cơ chức năng phục hồi, ổn định và nâng cao độ phì của đất trồng góp phần tăng khả năng giữ nước ở vùng đất trồng cây lâm nghiệp, phân giải chất hữu cơ để giảm nguy cơ cháy rừng, nổi bật là 2 chế phẩm vi sinh vật hỗn hợp dùng cho thông (MF1) và bạch đàn (MF2).
Từ chương trình, gần 20 thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành công nghệ sinh học đã được đào tạo ở các nước tiên tiến như Úc, Nhật Bản, Đức, Thụy Điển và hàng trăm kỹ thuật viên cho các cơ sở sản xuất. Thông qua các dự án khoa học công nghệ cũng đã tăng cường trang thiết bị cho các phòng thí nghiệm công nghệ sinh học của các đơn vị trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và Trường Đại học Lâm nghiệp.
Công nghệ sinh học tiếp tục là động lực cho ngành lâm nghiệp
Theo TS Nguyễn Đức Kiên, công nghệ sinh học ngày càng đóng vai trò quan trọng trong mọi mặt của sản xuất nông lâm nghiệp trên thế giới, nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ sinh học trong sản xuất nông lâm nghiệp nên năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2006/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020".
Từ năm 2006 đến nay, chương trình đã thực hiện 26 đề tài và dự án khoa học công nghệ với nhiều hướng nghiên cứu như nghiên cứu tạo giống cây lâm nghiệp mới bằng công nghệ sinh học tiên tiến, như chuyển gen, chỉ thị phân tử, đa bội thể. Từ đó nhân nhanh các giống mới bằng công nghệ tế bào và ứng dụng công nghệ vi sinh để sản xuất các chế phẩm bảo vệ thực vật, phân vi sinh phục vụ chăm sóc và bảo vệ cây trồng lâm nghiệp.
Với kết quả to lớn đạt được trong giai đoạn 2006 - 2020, ngành lâm nghiệp xác định, nghiên cứu công nghệ sinh học giai đoạn 2020 - 2030 vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu.
Trong đó, Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp tiếp tục đóng vai trò nòng cốt nghiên cứu chọn giống ứng dụng công nghệ gen cho các loài cây trồng rừng chính keo, bạch đàn và một số loài cây bản địa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng gỗ, khả năng chống chịu sâu bệnh hại và các điều kiện bất lợi khác.
Nghiên cứu tạo các giống mới bằng phương pháp đa bội thể cho các loài cây trồng rừng chính keo, bạch đàn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng gỗ, khả năng chống chịu sâu bệnh hại và các điều kiện bất lợi khác.
Nghiên cứu chuyển một số gen chống chịu sâu bệnh hại, chịu hạn, chịu mặn và tăng cường chất lượng gỗ cho một số loài cây trồng rừng chính keo, bạch đàn, thông,... Tiến hành lập bản đồ gen cho một số loài cây đặc hữu, cây quý hiếm, có giá trị kinh tế cao ở Việt Nam như sâm Ngọc Linh, trầm hương,…
Nghiên cứu phân lập một số gen quý hiếm liên quan đến chất lượng gỗ, chống chịu sâu bệnh hại, chịu hạn, chịu mặn ở các loài cây đặc hữu Việt Nam phục vụ cho nghiên cứu chọn tạo giống mới.
Tiếp tục nghiên cứu xây dựng thư viên mã vạch di truyền (DNA barcode) cho các loài cây quý hiếm, bị đe dọa ở Việt Nam. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano để tạo ra các giống cây trồng mới có khả năng chống chịu sâu bệnh hại cao.
Hoàn thiện quy trình vi nhân giống quy mô công nghiệp cho các giống mới keo, bạch đàn và một số loài cây bản địa, cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao, diện tích gây trồng lớn và chuyển giao cho các cơ sở sản xuất.
Nghiên cứu phát triển hoặc nhận chuyển giao từ nước ngoài công nghệ vi nhân giống cải tiến nhằm nâng cao hiệu suất và hạ giá thành cây giống.
Với định hướng ứng dụng công nghệ vi sinh trong lâm nghiệp, tập trung đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất quy mô công nghiệp các chế phẩm vi sinh vật tăng cường phân giải lân, cố định đạm và phục hồi hệ vi sinh vật, độ phì đất rừng, vi sinh vật phân hủy vật liệu hữu cơ sau khai thác rừng, vật liệu cháy dưới tán rừng.
Ngoài ra, nghiên cứu sản xuất các chế phẩm vi sinh, chế phẩm sinh học, chế phẩm sinh học nội sinh để kích kháng, phòng trừ sâu, bệnh hại, tăng năng suất rừng trồng cũng là nhiệm vụ quan trọng.