
Hiện cả nước có khoảng 24.000 nhà yến, tập trung chủ yếu ở 42 tỉnh thành. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Ngành kinh tế mũi nhọn
Với khí hậu đặc biệt và bờ biển dài, Việt Nam có lợi thế rất lớn, thuận lợi cho sự sinh trưởng của loài chim yến. Từ năm 2004, tại một số tỉnh Nam Bộ, nghề nuôi chim yến phục vụ mục đích thương mại bắt đầu xuất hiện. Trong suốt hai thập kỷ, ngành yến Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với đa dạng hình thức, quy mô, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Tổ yến còn được ví như "vàng trắng" mang lại giá trị kinh tế cao.
Đến nay, cả nước có khoảng 24.000 nhà yến, tập trung chủ yếu ở 42/63 tỉnh thành, với sản lượng hàng năm đạt từ 150 đến 200 tấn. Bên cạnh đó, hương vị và chất lượng yến sào Việt Nam đã và đang được khách hàng quốc tế đánh giá cao, nhất là tổ yến tại các tỉnh ven biển.
Theo ông Lê Thành Đại, Chủ tịch Hiệp hội yến sào Việt Nam, trong suốt thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có sự quan tâm đặc biệt, không chỉ thông qua các chính sách như Luật Chăn nuôi, Nghị định 13 mà còn thông qua các hội nghị, hội thảo để thúc đẩy ngành yến phát triển.
“Yến sào hiện đã trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, được đưa vào danh mục nông sản của Việt Nam và có chỉ tiêu xuất khẩu hàng năm do Thủ tướng Chính phủ giao”, Chủ tịch Hiệp hội yến sào Việt Nam nói.
Ông Huỳnh Tấn Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa cho biết, Khánh Hòa không chỉ dẫn đầu về sản lượng yến sào thiên nhiên, chiếm tỉ lệ lớn nhất cả nước, mà còn nổi bật về kinh nghiệm quản lý, bảo vệ và khai thác bền vững các nguồn tài nguyên này.
Một trong những doanh nghiệp đầu đàn về ngành yến của địa phương là Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa, quản lý 33 đảo yến với 173 hang yến, mang đến những sản phẩm yến sào tự nhiên, đặc trưng của Khánh Hòa.
"Công ty không chỉ tập trung vào phát triển sản phẩm, mà còn liên kết với các địa phương ven biển từ Quảng Bình đến Côn Đảo để hỗ trợ, khôi phục và phát triển các đảo và hang yến thiên nhiên, nâng cao tiềm năng khai thác yến sào tại Khánh Hòa và toàn quốc", lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa nói và cho biết thêm, Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa được Kỷ lục châu Á vinh danh là đơn vị quản lý số lượng hang đảo yến nhiều nhất và sản lượng yến đảo thiên nhiên lớn nhất tại thị trường châu Á.

Ông Huỳnh Tấn Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm về yến của Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa tại Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu năm 2025. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Theo ông Trương Văn Minh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, được bao phủ bởi 143 hòn đảo, trong đó 43 đảo có dân sinh sống, ngành nuôi chim yến Kiên Giang đang phát triển mạnh mẽ với hơn 3.000 nhà yến, đóng góp hơn 20 tấn yến thô mỗi năm cho cả nước. Tỉnh hiện có 23 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
"Kiên Giang đặt mục tiêu phát triển và hình thành hợp tác xã yến Kiên Giang, song vẫn đang tìm kiếm cơ hội xây dựng thương hiệu riêng", ông Trương Văn Minh cho hay,
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM cho biết, hiện sản lượng yến của TP.HCM chỉ chiếm khoảng 1/10 tổng sản lượng của cả nước. Trong đó, tập trung chủ yếu tại Cần Giờ với 519 nhà yến. Tuy nhiên, chất lượng yến Cần Giờ được đánh giá cao.
"Chúng tôi tập trung xây dựng phát triển thương hiệu yến Cần Giờ là thương hiệu nông sản đặc trưng cho thành phố, theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo thành phố", ông Nguyễn Nguyên Phương nói và cho biết, dự kiến thành phố sẽ phối hợp Hiệp hội Yến sào Việt Nam tổ chức Festival Yến sào vào tháng 11 năm nay. Trên cơ sở đó, sẽ phối hợp với Hiệp hội Yến sào các tỉnh/thành xây dựng thương hiệu yến Việt Nam để khai thác vào thị trường Trung Quốc và thế giới.

Việt Nam có nhiều lợi thế cho sự sinh trưởng của loài chim yến. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Yến và nhân sâm
Dẫn đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc sang Việt Nam tham dự Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu năm 2025 vừa qua, ông Jeong Ji Hoon, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM), bày tỏ sự quan tâm và đặc biệt đánh giá cao ngành yến Việt Nam.
Ông Jeong Ji Hoon nhận định, tại Việt Nam, tổ yến đã từ lâu được tôn vinh như một dược liệu quý, gắn liền với ẩm thực cung đình và thường được sử dụng làm quà tặng trong những dịp đặc biệt hoặc dành cho những vị khách quý. Tuy nhiên, dù có giá trị dinh dưỡng và văn hóa vô cùng lớn, các sản phẩm từ tổ yến tại Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển đa dạng, mà chủ yếu được tiêu thụ dưới dạng nguyên bản, chưa được khai thác hết tiềm năng để trở thành một loạt sản phẩm phong phú trên thị trường.
Theo ông Jeong Ji Hoon, ở Hàn Quốc, nhân sâm là một đặc sản nổi tiếng và đã được nghiên cứu, phát triển thành nhiều dòng sản phẩm đa dạng, phân phối rộng rãi toàn thế giới. Mỗi khi nhắc đến nhân sâm, người ta nghĩ ngay đến Hàn Quốc.
"Tôi hy vọng, Việt Nam sẽ đẩy mạnh đổi mới, phát triển sản phẩm từ tổ yến, để một ngày nào đó, khi thế giới nhắc đến tổ yến, Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên được nhớ đến", ông Jeong Ji Hoon nói và cam kết sẽ phối hợp cùng Sở Công thương TP. HCM để đưa tổ yến Việt Nam vươn tầm quốc tế, nâng cao giá trị thương mại và mang đến những sản phẩm dinh dưỡng chất lượng cho người tiêu dùng trên toàn thế giới. Đặc biệt, là mở ra cơ hội hợp tác phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ sự kết hợp nhân sâm Hàn Quốc và yến sào Việt Nam.
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, tới đây, Sở sẽ cùng KOCHAM tính toán lựa chọn các sản phẩm yến chất lượng và có khả năng xuất khẩu ngược trở lại Hàn Quốc. "Hai bên sẽ cùng có xác nhận đối với các sản phẩm yến đã được lựa chọn để giúp cho việc xuất khẩu ngược trở lại Hàn Quốc thuận lợi hơn", lãnh đạo Sở Công Thương TP. HCM nói.