Th.S Võ Thị Hồng Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Kiên Giang cho biết, mô hình sản xuất lúa theo “Công nghệ sinh thái và IPM” đã được tỉnh triển khai mấy năm qua.
Trong đó, năm 2015 thực hiện được 6 mô hình tại các huyện Hòn Đất, Tân Hiệp, Giồng Riềng, Châu Thành. Tham gia mô hình, nông dân được tập huấn kỹ thuật, xuống giống tập trung, đồng loạt theo lịch gieo sạ né rầy, ứng dụng 3 giảm - 3 tăng, trồng hoa trên bờ ruộng để thu hút thiên địch và quản lý dịch hại theo IPM.
Nông dân áp dụng mô hình “Công nghệ sinh thái và IPM” đã giảm được lượng lúa giống gieo sạ (trung bình 126 kg/ha, giảm 60kg/ha so với đối chứng. Về phân bón, nông dân sử dụng 3 - 4 lần/vụ, tương ứng nhu cầu sinh trưởng của cây lúa ở các giai đoạn mạ, đẻ nhánh, làm đòng và nuôi hạt, trong đó đã giảm hơn so với ruộng đối chứng được 7 kg N. Số lần phun thuốc BVTV trong ruộng mô hình giảm 1,7 lần/vụ so với cách làm truyền thống.
Kết quả thu được từ các vụ lúa làm theo “Công nghệ sinh thái và IPM” cho thấy mang lại lợi ích kép. Năng suất lúa trong mô hình cao hơn so với ruộng đối chứng 376 kg/ha, lợi nhuận tăng thêm gần 4 triệu đồng/ha. Trong quá trình sản xuất, giảm lượng thuốc BVTV trên đồng ruộng từ đó bảo vệ sức khỏe người dân, an toàn cho người tiêu dùng, hạn chế ô nhiễm môi trường.
“Thông qua các mô hình thực hiện đã giúp nông dân quản lý tốt các loại dịch hại, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng, giảm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập”, Th.S Thủy nhận xét.
Ngoài ra, chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” được thực hiện tại Kiên Giang từ năm 2012 đến nay đã giúp nông dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bắt đầu từ việc không vứt bừa bãi bao bì, vỏ chai thuốc BVTV trong quá trình canh tác. Đồng thời tạo điều kiện để nông dân thu gom bao bì, vỏ chai thuốc BVTV trên đồng ruộng đem đến nơi tiêu hủy an toàn. Đến nay, chương trình tại Kiên Giang đã thu gom được trên 10 tấn bao bì, vỏ chai thuốc BVTV đem đi tiêu hủy (tại nhà máy xi măng Holcim, Kiên Lương, Kiên Giang)
Về kết quả của chương trình này, Th.S Võ Thị Hồng Thủy nhận xét: “Chương trình kết hợp hướng dẫn người nông dân áp dụng biện pháp công nghệ sinh thái trồng hoa trên bờ ruộng để hấp dẫn thiên địch, nhằm kiểm soát nguồn sâu hại trên đồng ruộng, đồng thời áp dụng đồng bộ với các giải pháp trong gói kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, xuống giống “ đồng loạt – tập trung – né rầy” giúp giảm đáng kể số lần phun thuốc BVTV, giảm chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả canh tác, mang lại nguồn thu nhập cao hơn cho nhà nông”.