| Hotline: 0983.970.780

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần gắn với tăng trưởng xanh

Thứ Ba 19/07/2022 , 07:21 (GMT+7)

Tại buổi làm việc với Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ 4 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Chưa đạt mục tiêu đề ra

Tại buổi làm việc ngày 18/7, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” Trần Tuấn Anh cho rằng, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước còn chậm.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh (trái) phát biểu tại buổi làm việc.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh (trái) phát biểu tại buổi làm việc.

Theo ông Trần Tuấn Anh, năng lực tự chủ về công nghệ và sản xuất của nền kinh tế Việt Nam còn thấp; việc tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt mục tiêu, chưa thu hẹp được khoảng cách phát triển và bắt kịp các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, nền kinh tế còn chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động hoạt động sản xuất khu vực đầu tư nước ngoài và một số thị trường lớn. Đồng thời Việt Nam chưa phát triển công nghiệp nguyên liệu; cơ chế chính sách ban hành nhiều nhưng còn thiếu đồng bộ...

Nhằm tiếp tục nâng cao vị thế trên trường quốc tế, cũng như chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng giảm dần tỉ trọng ngành khai khoáng, tăng nhanh tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo, Ban Chỉ đạo họp với Bộ Công thương ngay sau khi có Dự thảo 1 của Đề án. Đây cũng là đơn vị đầu tiên Ban Chỉ đạo tới làm việc, trước khi trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII vào tháng 10/2022.

"Chúng ta cần làm rõ các vấn đề như: Đánh giá bối cảnh chung trong nước và quốc tế đang tác động đến Việt Nam nói chung và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói riêng; Làm rõ mô hình và các thành tố chính của trong thời gian tới; Các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể cần nêu trong Nghị quyết sẽ thế nào…", ông Trần Tuấn Anh nói.

Nhằm triển khai xây dựng đề án, Ban Chỉ đạo đã lập 60 báo cáo và chuyên đề, 63/63 tỉnh, thành phố có báo cáo theo đề cương, 4 tổ chức quốc tế (WB, UNIDO, AFD, GIZ) cũng tham gia và có các nghiên cứu chuyên sâu phục vụ xây dựng đề án.

Những nội dung được thảo luận tại buổi làm việc gồm: Nâng cao năng lực tự chủ về công nghệ và sản xuất của nền kinh tế; Xác định ngành, sản phẩm công nghiệp ưu tiên, mang tính chiến lược; Tạo bước đột phá cho nền công nghiệp cũng như phân bố không gian phát triển theo liên kết vùng, đại phương; Vai trò của các chủ thể tham gia tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Thu hút hơn nữa đầu tư nước ngoài; Khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới...

Toàn cảnh buổi làm việc ngày 18/7.

Toàn cảnh buổi làm việc ngày 18/7.

4 nhiệm vụ trọng tâm

Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo cho biết, theo phân công của Thường trực Tổ Biên tập, Bộ Công Thương đã hoàn thành 1 báo cáo và 3 chuyên đề. 

Bộ trưởng cũng nêu 4 nhiệm vụ cần tập trung hoàn thành, nhằm đảm bảo tiến độ xây dựng đề án.

Thứ nhất, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thời gian tới cần chuyển dịch và dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm.

Nội dung cốt lõi của công nghiệp hóa, hiện đại hóa được Bộ trưởng Diên chỉ rõ. Đó là: Thúc đẩy tự động hóa, số hóa và thông minh hóa các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội; Đẩy mạnh chuyển đổi số, đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chính để phát triển kinh tế; Nâng cao năng lực tự chủ của nền kinh tế, đặc biệt là tự chủ về công nghệ và sản xuất; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thứ hai, không đồng nhất công nghiệp hóa với phát triển công nghiệp, xác định công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực, then chốt, nền tảng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thứ ba, xây dựng thể chế, tạo động lực phát triển công nghiệp. Trong đó, cần rà soát, thực hiện quy hoạch tổng thể công nghiệp và quy hoạch một số ngành, lĩnh vực công nghiệp quan trọng; đồng thời xây dựng và ban hành luật về phát triển công nghiệp, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy tự động hóa, thông minh hóa và xanh hóa ngành công nghiệp.

Theo người đứng đầu Bộ Công thương, việc xây dựng và thiết lập thể chế quản lý vùng sẽ góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả phân bố không gian phát triển công nghiệp. Ông bày tỏ: "Phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng tập trung vào thượng nguồn của các ngành công nghiệp ưu tiên như: điện tử, cơ khí chế tạo, dệt may - da giầy, hóa chất và công nghệ số".

Thứ tư, kiến nghị sớm ban hành một Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Bảo vệ sức khỏe trái tim: Chìa khóa cho cuộc sống khỏe mạnh

Hiện nay, nhiều người chưa thật sự quan tâm đúng mực đến sức khỏe của trái tim, dẫn đến nhiều hệ lụy từ các bệnh lý tim mạch.  

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất