Italia đang hứng chịu đại dịch hô hấp nguy hiểm nhất thế giới với ít nhất 59.138 ca nhiễm và 5.476 người chết tính đến Chủ nhật, hầu hết ở vùng Bologna, khu vực giàu có phía Bắc nơi toạ lạc trung tâm tài chính Milan.
Chính phủ đã ban hành quy định đóng cửa tất cả các hoạt động kinh doanh đến hết 3/4, trừ các hoạt động thiết yếu và đưa ra một danh sách các trường hợp ngoại lệ để duy trì chuỗi cung ứng.
Ba công đoàn chính trong ngành kim khí: FIOM, FIM và UILM, cho biết danh sách này đã được mở rộng quá mức, bao gồm các khu vực không thật sự cần thiết.
Trong một tuyên bố chung, các công đoàn tuyên bố sẽ ngừng hoạt động tất cả các nhà máy không trực tiếp sản xuất cho y tế trong ngày 25/3. Công nhân ngành hoá học trong vùng nhanh chóng hưởng ứng thông báo và tuyên bố sẽ đình công vào cùng ngày.
"Quy định cho phép nhiều công ty không có các tiêu chuẩn an toàn và đảm bảo phù hợp tiếp tục duy trì hoạt động, tạo ra các điều kiện bất lợi cho chúng tôi và khiến nhiều công nhân lo ngại“, ông Paolo Pirani, người đứng đầu Công đoàn dệt và hóa chất Uiltec cho biết
Nhân viên ngân hàng đe dọa tuần hành trên toàn quốc, nói rằng họ bị buộc làm việc trong điều kiện không an toàn, không có khẩu trang, găng tay và đủ chất sát trùng. Một số ngân hàng đã tạm thời đóng cửa chi nhánh để vệ sinh.
Vài công ty nổi tiếng nhất của Italia đã giảm sản lượng đầu ra, bao gồm nhà sản xuất kính mắt Luxottica, hãng ô tô hạng sang Ferrari và nhà sản xuất lốp xe Pirelli. Hãng ô tô Fiat Chrysler thông báo vào thứ Hai rằng họ sẽ ngừng sản xuất ở tất cả các nhà máy châu Âu và Bắc Mỹ, đồng thời trợ giúp sản xuất khẩu trang trong trường hợp khẩn cấp, một đại diện công đoàn cho biết.
Người đứng đầu hiệp hội doanh nghiệp Confindustria cảnh báo về tác động kinh tế đến từ việc đóng cửa nhà máy.
"Khi giảm 70% sản lượng đầu ra của đất nước, Italia sẽ mất 100 tỷ euro (107,63 tỷ USD) mỗi tháng", ông nói với đài Sky Italia trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình.
Việc di chuyển của người dân được thắt chặt trong nỗ lực mới nhất của chính quyền nhằm ngăn chặn virus lây lan. Cảnh sát Italia tăng cường kiểm tra để phát hiện những người cố gắng rời khỏi nơi ở vì những lý do không thiết yếu.
Hai ngày trước đó, các bài tập thể dục tập thể ngoài trời ở khu dân cư cũng đã bị cấm.
Các khu vực phía Bắc Italia, đặc biệt là vùng Bologna đã phải gánh chịu khủng hoảng to lớn. Nhiều mối lo ngại cho thấy virus có thể lan xuống miền Nam, nơi có hệ thống y tế còn yếu kém hơn.
Sebastiano Musumeci, Chủ tịch khu vực Sicily, vào hôm thứ Hai đã bày tỏ sự phản đối với việc người di cư dùng phà đi đến một hòn đảo phía Nam nước Ý. "Chính phủ phải can thiệp vì người Sicilia chúng tôi không thể chết như những con gia súc", ông nói trên Facebook.