Cùng với nhận xét trên, trong các bình luận được đăng trên tờ Sunday Telegraph và các tờ báo chủ nhật khác, Thủ tướng Boris Johnson cho biết dịch vụ y tế của Anh có thể bị áp đảo.
"Trừ khi chúng ta hành động cùng nhau, trừ khi chúng ta nỗ lực tập thể và từng cá nhân để làm chậm sự lây lan - nếu không rất có thể hệ thống y tế vương quốc sẽ bị (Covid-19) áp đảo tương tự (Italia)", ông nói.
Ông Johnson hôm 20/3 đã ra lệnh cho các quán rượu, nhà hàng, nhà hát, rạp chiếu phim và phòng tập thể dục phải đóng cửa để giảm tốc độ lây lan nhanh chóng của nCoV, "phong tỏa đất nước một cách hiệu quả".
"Tôi thừa nhận rằng những gì đang làm là phi thường: Chúng tôi lấy đi quyền cổ xưa, không thể thay đổi, của những người sinh ra ở Vương quốc Anh - đó là đến quán rượu, và tôi có thể hiểu mọi người cảm thấy thế nào về điều đó", Thủ tướng Johnson nói.
"Đó là một sự siết chặt đau khổ, mọi người đều hiểu điều đó", ông nói. "Thật đau lòng khi nghĩ về các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn do các biện pháp mà đất nước này phải thực hiện."
Chỉ một ngày sau, chính phủ Anh kêu gọi 1,5 triệu người được xác định là nhóm dễ bị tổn thương trước virus Corona "ở nhà" để tự bảo vệ mình.
Đất nước này đang đẩy mạnh các biện pháp chống lại virus mà cho đến nay ít nghiêm ngặt hơn các nơi khác ở châu Âu.
Những người được xác định là thuộc một hoặc nhiều nhóm có nguy cơ bao gồm người đã được cấy ghép nội tạng, người sống với tình trạng hô hấp nghiêm trọng hoặc ung thư cụ thể và những ai đang điều trị bằng thuốc.
Họ sẽ được liên lạc bởi bác sĩ của mình với lời khuyên nên ở nhà trong thời gian ít nhất là 12 tuần.
Cho đến nay, Covid-19 đã cướp đi mạng sống 233 người ở Anh trong tổng số hơn 5.000 ca nhiễm.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết vào Chủ nhật tuần trước rằng "những người trên 70 tuổi sẽ được bảo vệ khỏi virus bằng cách tự cách ly đến bốn tháng".
Chính phủ Anh cũng cho biết đang có kế hoạch triển khai lực lượng vũ trang để hỗ trợ giao nhu yếu phẩm cũng như thuốc thiết yếu cho những người có nguy cơ cao nhất càng sớm càng tốt.