| Hotline: 0983.970.780

Công tác dân tộc là nhiệm vụ chiến lược

Thứ Hai 30/12/2013 , 09:48 (GMT+7)

Sáng 28/12, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020.

* Chính sách thay hỗ trợ bằng đầu tư

* Không để chiến lược, kế hoạch nằm trên giấy

Sáng 28/12, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020. Các đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Giàng Seo Phử - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương và đại diện các tổ chức Quốc tế.

3 điểm mới

Theo Quyết định 449 của Thủ tướng Chính phủ thì mục tiêu chiến lược này là tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển KT-XH toàn diện, nhanh, bền vững, đẩy mạnh giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số (DTTS), rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, giảm dần vùng đặc biệt khó khăn, từng bước hình thành các trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học vùng DTTS. Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS; củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định an ninh, quốc phòng.


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Theo ông Hoàng Xuân Lương - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thì đây là lần đầu tiên chúng ta có hẳn một chiến lược công tác dân tộc trong đó có 3 điểm mới. Một là, chính sách thay hỗ trợ bằng đầu tư. Hai là, hình thành các vùng DTTS để xây dựng các trung tâm KT - XH - VH làm động lực phát triển vùng. Ba là huy động các nguồn lực đầu tư vùng DTTS, trong đó xác định nguồn lực Nhà nước là chủ yếu.

Phát biểu tại hội nghị, đa số các đại biểu cho rằng, việc ban hành chiến lược công tác dân tộc sẽ là động lực lớn giúp đồng bào DTTS có nhiều điều kiện để phát triển KT - XH. Ông Phạm Đăng Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng còn nhiều chính sách bất cập nên đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành rà soát lại, cái nào bất hợp lý thì loại ra.

Ông Quyền đề nghị, chính sách hỗ trợ cho đồng bào nên áp dụng có thời hạn. Theo ông Quyền làm như thế sẽ tránh được tình trạng ỷ lại, trông chờ của một bộ phận đồng bào dân tộc. “Chúng ta tạo điều kiện và hỗ trợ giúp đồng bào nhưng cũng mong đồng bào phát huy nội lực cùng nhau phấn đấu chứ kéo dài hỗ trợ, chu cấp hết năm này qua năm khác thì sẽ khó thay đổi được cuộc sống của đồng bào” - ông Quyền tâm tư.

Đồng quan điểm với ông Quyền, bà Hà Thị Nga - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai kiến nghị: “Nay có chiến lược rồi thì mong các chính sách đầu tư cần tập trung trọng điểm, tránh dàn trải và bất khả thi như một số chính sách trước đây”.

Nghiên cứu về Quyết định của Thủ tướng, ông KSor Phước - Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, công tác dân tộc là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Điều 5 Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua cũng khẳng định thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước là tư tưởng xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Tôi đề nghị, các Bộ, ngành khi xây dựng chính sách cần lấy ý kiến của Ủy ban Dân tộc để tránh những hành vi vi hiến” - ông KSor Phước nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phước, chiến lược công tác dân tộc phải thực sự coi trọng công tác cán bộ. Ở đâu cán bộ tốt, năng nổ thì ở đó mới có chuyển biến mạnh. Làm được cái này phải chú tâm đến giáo dục, đào tạo. Cùng với đó là phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, phải làm cho đời sống đồng bào được nâng lên và cộng đồng DTTS gắn bó với nhau. “Chính sách cho đồng bào dân tộc phải bằng một chiến lược đầu tư mạnh mẽ có hiệu quả chứ không thể là một vài chính sách kiểu ban ơn” - ông Phước kết thúc phát biểu của mình.

Không để chiến lược và kế hoạch nằm trên giấy

Trăn trở về công tác cán bộ đồng bào DTTS, ông Trương Xuân Cừ - Phó Trưởng BCĐ Tây Bắc tán thành với ý kiến của ông KSor Phước. Ông Cừ cho rằng, có đi vào thực tế mới thấy được những bất cập của vấn đề này. Minh chứng về điều đó, ông Cừ nêu: Ở tỉnh Điện Biên có 500 doanh nghiệp nhưng không có giám đốc nào là người DTTS. Xã Mường Tùng có 48% người Mông nhưng không có cán bộ nào là người Mông. Xã Mường Lý có 65% người Mông nhưng có 3 cán bộ người Mông làm cấp phó ở các đoàn thể thanh niên, phụ nữ và mặt trận. Cho nên đào tạo thì đã đành nhưng bố trí như thế nào cho hợp lý lại là cả vấn đề lớn mà chúng ta phải xem xét để điều chỉnh.


Tổ chức cấp bò giống cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số Kor ở xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi

Chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ rõ: Mục tiêu quan trọng đối với chiến lược này là đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị và nhân dân, đặc biệt là sự tham gia đồng thuận của bà con vùng đồng bào dân tộc.

Theo Phó Thủ tướng, công tác dân tộc có nhiều nội dung quan trọng nhưng cần xác định chăm lo đời sống cho đồng bào, phát triển giáo dục, đào tạo và coi trọng công tác cán bộ là những nhiệm vụ then chốt. Tiếp đến mới tới các mục tiêu khác như y tế, văn hóa và cơ sở hạ tầng.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành liên quan triển khai quyết định của Thủ tướng bằng những việc làm cụ thể, không để xảy ra tình trạng chiến lược và kế hoạch nằm trên giấy. “Đề án nào, giao ai chủ trì phải có tên tuổi, thời gian cụ thể để buộc chặt trách nhiệm” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.

“Nói đồng bào DTTS không có đất sản xuất cũng phải vì nơi đó có những nông lâm trường chỉ có 10 cán bộ, nhân viên thôi nhưng đang quản lý hàng ngàn ha đất rừng. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách xung quanh vấn đề này để cho đồng bào có đất sản xuất” - ông Trường Xuân Cừ, Phó Trưởng BCĐ Tây Bắc kiến nghị.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ôtô BMW tự bốc cháy khi đang đỗ

Khoảng 12h ngày 2/5, trên đường Ngô Thì Sỹ, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông một chiếc ôtô nhãn hiệu BMW đỗ ven đường đột nhiên bốc cháy dữ dội.