Ngày 14 - 15/5, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 tổ chức kiểm tra công trình kè phòng, chống sạt lở bờ biển phía Tây tỉnh Cà Mau. Cùng tham gia có đại diện Cục Quản lý Xây dựng công trình (B2), Sở NN-PTNT Cà Mau, Hạt Quản lý Đê điều và UBND các huyện, xã nơi xây dựng công trình.
Dự án “Xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển khu vực ĐBSCL” gồm 9 công trình (6 kè sông và 3 kè biển) thuộc địa bàn 7 tỉnh, 13 huyện, thị xã và thành phố được khởi công từ ngày 2/11/2022. Trong đó, tuyến kè phòng, chống sạt lở bờ biển Tây tỉnh Cà Mau gồm 4 đoạn với tổng chiều dài 12.530m từ cửa biển Khánh Hội (xã Khánh Hội, huyện U Minh) đến cửa Cái Cám (huyện Phú Tân).
Dự án nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân và các công trình hạ tầng thiết yếu tại những đoạn, tuyến bờ sông, bờ biển bị sạt lở và có nguy cơ tiếp tục phát triển, mở rộng; tạo điều kiện ổn định để phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.
Đồng thời, công trình góp phần khép kín tuyến đê biển Tây tỉnh Cà Mau nhằm phòng, chống sạt lở bờ biển, giảm sóng, gây bồi tạo bãi, dần phục hồi tuyến rừng phòng hộ ven biển Tây tỉnh Cà Mau.
Công trình được khởi công vào ngày 2/11/2022 và hoàn thành vào ngày 20/4/2024, nhanh hơn tiến độ hợp đồng khoảng 6 tháng, góp phần phòng, chống sạt lở bờ biển trước mùa mưa bão sắp đến.
Công trình đạt kết quả trên nhờ sự chỉ đạo sát sao của Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Cà Mau, chủ đầu tư, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự cố gắng, nỗ lực của các nhà thầu và một số đơn vị liên quan.
Cà Mau có đường bờ biển dài hơn 254km, trong đó bờ biển Tây gần 108km nằm trên địa phận huyện Trần Văn Thời, Phú Tân và U Minh. Ngoài vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng, đê biển cùng với hệ thống rừng phòng hộ giúp ngăn mặn, bảo vệ hơn 26.000 hộ dân với gần 129.000 ha đất sản xuất nông lâm và ngư nghiệp.
Tuy nhiên, những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, khu vực rừng phòng hộ bờ Tây Cà Mau bị sạt lở do mực nước biển dâng và sóng cuốn mất đất rừng, nhà cửa dọc tuyến bị hư hỏng.
Đặc biệt, gió mùa Tây Nam ảnh hưởng trực tiếp đến bờ biển phía Tây của tỉnh Cà Mau, tình trạng xói lở diễn ra vô cùng nghiêm trọng đến mức báo động. Theo Chi cục Thủy lợi (Sở NN-PTNT Cà Mau), diện tích rừng ven biển đang suy giảm, đai rừng phòng hộ còn rất mỏng.
Do đó, việc xây dựng tuyến kè phòng chống sạt lở bờ biển Tây đoạn Khánh Hội đến Cái Cám góp phần tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển là hết sức cần thiết và cấp bách, phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau Nguyễn Thanh Tùng cho biết, công trình kè bảo vệ bờ biển sau khi hoàn thành sẽ giúp Cà Mau giảm thiểu tình trạng sạt lở, dần phục hồi rừng phòng hộ ven biển trước tác động của sóng to, gió lớn và nước biển dâng, góp phần bảo vệ đời sống sản xuất của người dân bên trong tuyến đê biển.
Tuyến kè bảo vệ bờ biển theo hướng song song đường bờ biển Tây thuộc các xã Khánh Hội (huyện U Minh), xã Phú Tân (huyện Phú Tân), xã Phong Điền (huyện Trần Văn Thời), cách đai rừng 100 - 120m. Tuyến kè gồm 4 đoạn, đoạn 1 ở cửa Khánh Hội dài 1.700m, đoạn 2 ở cùng khu vực dài 2.870m, đoạn 3 từ Sông Đốc - Mỹ Bình dài 3.415m, đoạn 4 từ Mỹ Bình - kè hiện hữu tại Cái Cám dài 4.545m.
Kết cấu công trình gồm hai hàng cọc bê tông cốt thép ly tâm dự ứng lực D300, chiều dài cọc 9m, khoảng cách tim cọc theo phương ngang kè 2m, theo phương dọc kè 0,6m. Liên kết định cọc bằng hệ dầm bê tông cốt thép M30 (28), cao trình đỉnh dầm +1,7m; giữa hai hàng cọc thả đá hộc đường kính từ 40 - 60cm; bên dưới là lớp phên tràm, vải địa kỹ thuật; khoảng hở giữa các đoạn dài 10m; bên ngoài chân kè phía biển được thả đá hộc gia cố giảm sóng, phòng xói.