Công trình đa mục tiêu
Ninh Thuận là địa phương khô hạn nhất nước, mặc dù nước vẫn đổ ra biển. Hiện nay Ninh Thuận có 21 hồ với dung tích 194 triệu m3, trong khi đó dòng chảy nước mặt là 1,94 tỷ m3, lượng nước chuyển hàng năm từ thủy điện Đa Nhim xuống tỉnh Ninh Thuận là 0,57 tỷ m3. Tổng nguồn nước từ tất cả các nguồn khoảng 2,51 tỷ m3/năm. Sông Cái là con sông huyết mạch của tỉnh Ninh Thuận có lưu lượng chủ yếu tập trung vào mùa lũ, nhiều đỉnh lũ vượt 5.000m3/s.
Trong khi đó vào mùa kiệt, lưu lượng dòng chảy lại rất nhỏ, như trong giai đoạn đầu tháng 3 vừa qua chỉ dao động từ 2-5 m3/s. Vì vậy các nhà khoa học, các chuyên gia; Bộ NN-PTNT đã quyết định lựa chọn xây dựng hồ chứa Tân Mỹ tại xã Phước Hòa, huyện Bác Ái có dung tích 219 triệu m3 để điều tiết dòng chảy có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển kinh tế xã hội cho tỉnh Ninh Thuận.
Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ có tổng mức đầu tư 5.951 tỷ đồng. Là công trình đa mục tiêu, liên tỉnh có ý nghĩa quan trọng, là trái tim của thủy lợi Ninh Thuận được Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Ninh Thuận đặc biệt quan tâm và chỉ đạo sâu sát.
Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ có các hợp phần chính gồm đập dâng Tân Mỹ cùng hệ thống đường ống kênh có áp dài 29,6 km và Cụm công trình đầu mối hồ Sông Cái. Theo Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7 (Ban 7), đơn vị làm chủ đầu tư cho biết, công tác khảo sát thiết kế Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ được thực hiện từ năm 2008 và được khởi công tháng 8/2010. Tuy nhiên do công trình phải giãn tiến độ, đến năm 2015 mới tái khởi động lại.
Đập dâng Tân Mỹ và hệ thống kênh từ K0-K21,8 hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 2/2020. Cụm đầu mối hồ Sông Cái, gồm 5 đập bê tông kết nối dài 2.770m, cao 66,7m; dung tích 219 triệu m3 và được triển khai đầu năm 2018. Nhiệm vụ chính của Dự án bao gồm: Tưới và tạo nguồn cho 7.480 ha; tiếp nước hệ thống thủy nông Nha Trinh - Lâm Cấm tưới 12.800 ha; Tiếp nước 2,5 m3/s cho khu tưới các hồ Cho Mo, Bà Râu, Sông Trâu, Ông Kinh... cấp nước sinh hoạt, dịch vụ, công nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản với lưu lượng 2,56 m3/s.
Đồng thời tạo nguồn cho thủy điện tích năng Bác Ái với công suất 1.200 MW và 2 Nhà máy thủy điện với công suất 24 MW. Ngoài ra Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ còn tạo nguồn tiếp nước cho vùng Nam Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa); Giảm nhẹ lũ hạ du và nuôi trồng thủy sản lòng hồ.
Khắc phục khó khăn hoàn thành đúng tiến độ
Trước những khó khăn không có nước để sản xuất, sinh hoạt của người dân; bức thiết của địa phương, những năm Ninh Thuận bị hạn hán đã gây thiệt hại vô cùng lớn (đợt hạn năm 2015 đến tháng 5/2016, thiệt hại khoảng 700 tỷ đồng; đợt hạn hán mùa khô 2020 thiệt hại về kinh kế khoảng 740 tỷ đồng).
Cuối tháng 5/2020, lãnh đạo Bộ NN-PTNT về làm việc tại Ninh Thuận đã khẳng định bằng mọi giá phải tích nước công trình đầu mối Tân Mỹ trong năm 2021 để khắc phục hạn hán, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Với sự vào cuộc sâu sát, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ NN- PTNT, UBND tỉnh Ninh Thuận trong thời gian qua, toàn thể các cán bộ, kỹ sư, công nhân đã miệt mài làm việc 3 ca, mở nhiều đợt thi đua, đặc biệt là đợt thi đua cao điểm 45 ngày đêm đã thi công vượt lũ chính vụ năm 2020.
Đến nay công trình đầu mối đã hoàn thành 98% khối lượng công việc, nhiều hạng mục đã hoàn thành 100%. Theo đó đã đổ 1,13 triệu m3 bê tông các loại, đào đắp 1,45 triệu m3 đất đá, gia công chế tạo 1.265 tấn, lắp đặt 1.513 tấn thiết bị...
Đặc biệt ngày 11/3/2021, công trình được Hội đồng kiểm tra Nhà nước kiểm tra và đồng ý cho phép chặn dòng, tích nước; được Tổ chuyên gia đánh giá cao về chất lượng và công tác quản lý Dự án. Theo tiến độ; sau chặn dòng, chuyển qua giai đoạn hoàn thiện và đến quý IV năm 2021 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần vào ổn định đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế xã hội tỉnh Ninh Thuận.
Lãnh đạo Ban 7 cho biết, công trình đầu mối hồ Tân Mỹ được thi công theo công nghệ bê tông đầm lăn. Trong thời gian qua dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại nhiều nơi trong cả nước và diễn biến hết sức phức tạp, các nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều động cán bộ kỹ thuật, nhân công vận chuyển vật tư thiết bị đến công trường dẫn đến chậm tiến độ dự án.
“Tuy nhiên, được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Ninh Thuận, đến nay hồ Tân Mỹ đã tích được gần 60 triệu m3, đồng thời sẽ tích nước đến cao trình 181,3m với dung tích gần 112 triệu m3 sau lũ chính vụ và bàn giao cho địa phương đưa vào sử dụng cuối năm 2021, góp phần chống hạn trong mùa khô năm tới, cũng như phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Ninh Thuận”, một lãnh đạo Ban 7 cho biết.
Đối với công tác quản lý chất lượng, công trình được thi công đảm bảo theo đúng qui trình, chỉ dẫn kỹ thuật của thiết kế và tiêu chuẩn, qui phạm thi công hiện hành. Các kết quả thí nghiệm, kiểm tra vật liệu, sản phẩm xây dựng, cấu kiện, thiết bị lắp đặt đạt yêu cầu thiết kế. Đã thực hiện một khối lượng lớn các thí nghiệm sản phẩm đúc mẫu bê tông đầm lăn và bê tông cốt thép trong phòng với tổng số 2.193 tổ mẫu.
Ngoài ra dự án còn có 11 chuyên gia là những nhà khoa học, quản lý đầu ngành và Hội đồng kiểm tra Nhà nước các công trình xây dựng tham gia trong quá trình xây dựng. Đã tổ chức kiểm tra công trình được 7 đợt, trong đó có 1 đợt kiểm tra và rà soát thiết kế kỹ thuật, 6 đợt kiểm tra hiện trường, kiểm tra công tác thi công, kiểm tra công tác chất lượng, quản lý chất lượng và kiểm tra công tác nghiệm thu.
Tháng 2/2021, Hội đồng kiểm tra Nhà nước các công trình xây dựng kiểm tra và đồng ý tích nước từ ngày 15/3/2021, vượt tiến độ 2 tháng so với yêu cầu, kịp đón lũ tiểu mãn góp phần tham gia chống hạn mùa khô năm 2021; kết quả giải ngân 9 tháng đầu năm đạt 66,6% so với kế hoạch vốn được giao.
Ngày 7/10 vừa qua, Cục Quản lý Xây dựng công trình và các chuyên gia phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh Ninh Thuận kiểm tra công tác phòng chống lụt bão, tiến độ và công tác quản lý chất lượng công trình đầu mối hồ Tân Mỹ. Theo đó tổ chuyên gia đã đánh giá các hạng mục công trình chính thi công đạt yêu cầu theo chỉ dẫn của hồ sơ thiết kế, đập ổn định.
Ông Nguyễn Tài Sơn, chuyên gia của Tổ công tác Cục quản lý Xây dựng công trình cho biết, qua kiểm tra đập Sông Cái được thi công với kỹ thuật rất tốt. Các mẫu khoan trực tiếp tại hệ thống đập đều đạt chuẩn kỹ thuật. Hệ thống thấm thân đập và các lỗ thoát nước hoạt động tốt. Theo thiết kế công trình cho phép lưu lượng thấm là 24 lít/s, hiện nay cao trình tích nước của công trình là 171m tương đương với lưu lượng thấm cho phép 14,18 lít/s nhưng kết quả đo thực tế tổng lưu lượng thấm đo được là 3 lít/s. Do đó, tải trong tác động lên đập nhỏ hơn so với thiết kế, vì vậy hệ số an toàn đập được nâng lên.
TS Nguyễn Đức Thắng, chuyên gia của Tổ công tác cho biết thêm, hệ thống đập Sông Cái có kết cấu các đập là bê tông đầm lăn. Qua kiểm tra các mẫu khoan tại 5 đập, khối lượng bê tông vượt hơn so với quy định. Các chỉ tiêu khối lượng, cường độ chịu nén, chịu kéo và chịu kéo lớp đều đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, hệ số biến động chất lượng của bê tông đập đạt ở mức tốt và rất tốt.
Ông Lưu Anh Tuấn, Phó Giám đốc Cty TNHH MTV KTCTTL Ninh Thuận: "Công trình đầu mối Tân Mỹ đang thi công nhưng hệ thống đập dâng Tân Mỹ đã phát huy hiệu quả từ mấy năm nay, hệ thống này đã cung cấp nước tưới trực tiếp và cấp nước bổ sung cho hồ thủy lợi Cho Mo, Thành Sơn, Phước Trung... để tham gia chống hạn trong mùa khô cho các địa phương phía Bắc của tỉnh với diện tích trên 2.000 ha".