Đổ đất lấn dòng chảy sông Hồng
Công trình đào tuyến thoát lũ suối Ngòi Đường có chi phí đầu tư xây dựng lên tới 163 tỷ đồng. Đây là một trong những hạng mục thuộc công trình hồ điều phối lũ của thành phố Lào Cai. Công trình do Ban quản lý dự án ODA (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai) làm chủ đầu tư.
Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng công trình giao thông – Tập đoàn Phúc Lộc là đơn vị thi công công trình này. Lạ là, phần đất của dân chưa thống kê, thu hồi, đền bù, công ty này đến thoả thuận với người dân để đổ hàng chục nghìn khối bùn, đất đá, từ bờ kéo dài tới gần giữa sông để thi công.
Ông Phạm Văn Dân (tổ 13, phường Xuân Tăng, thành phố Lào Cai) cho biết, phần đất bồi, gia đình tôi canh tác ở đây gần 20 năm để trồng cà chua, bí, các loại hoa màu… đơn vị thi công có nói với tôi cho họ đổ đất lên rồi sẽ đền bù hoa màu đã canh tác. Sau đó, không biết vì lý do gì họ dừng không đổ đất nữa và cũng không thực hiện thoả thuận nên tôi đã trồng chuối lên”.
Cũng theo người dân, ước tính đơn vị thi công đã đổ khoảng hàng ngàn m3 khối bùn, đất đá để phục vụ thi công tuyến thoát lũ nói trên.
“Đơn vị thi công có được phép của cấp có thẩm quyền hay chưa thì dân cũng không rõ nhưng họ đổ đất lấn dòng chảy sông Hồng hết tuần này qua tuần khác và bằng trực quan đổ ra sông như thế là không đúng. Từ xưa đến nay, chưa có quy định nào được đổ đất ra sông suối mà phải có bãi tập kết đàng hoàng. Đổ đất xuống lòng sông như vậy gây tác hại tới hạ lưu, khi nước lên sẽ cuốn trôi hết”, ông Nguyễn Văn Nhị, người dân địa phương nói.
Sau đó, người dân thấy sự việc bất thường, có biểu hiện đơn vị thi công huỷ hoại môi trường, nắn dòng chảy hết sức nguy hiểm, người dân đã báo chính quyền địa phương.
Bất ngờ, hàng chục xe chở đất ra vào mỗi ngày tại đây bỗng dưng “biến mất”. Đường đi ra bãi đổ thải của đơn vị thi công - Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng công trình giao thông – đã bị múc bỏ, xe cơ giới không thể di chuyển ra ngoài như trước.
Báo cáo để được làm sai?
Mặc dù đào tuyến thoát lũ suối Ngòi Đường được Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng công trình giao thông – Tập đoàn Phúc Lộc thi công nhưng người dân địa phương cho rằng, họ không thấy pano, áp phích thông tin về công trình, mọi việc rất mập mờ.
Liên quan việc đổ thải của đơn vị thi công này, UBND phường Xuân Tăng đã lập biên bản sự việc. Ông Phạm Văn Tuân - Chỉ huy trưởng, đại diện đơn vị thi công cam kết thực hiện đúng pháp luật và phương án thi công của công ty là tập kết đất đá tại khu vực bên trái tuyến cuối cọc K51, đắp chặn 2 điểm cuối tuyến để tránh nước lũ gây ngập lụt ảnh hưởng tiến độ thi công.
Sau khi kết thúc dự án, đơn vị sẽ giải phóng toàn bộ số đất đá đã tập kết và đấu nối bàn giao công trình theo đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt.
Tuy nhiên, thực tế là phần lớn đất đá đổ xuống sông Hồng của đơn vị này chưa được giải phóng theo cam kết đã kịp cuốn trôi theo sông.
Khoảng 1 tháng sau, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai cũng đã kiểm tra khu vực thi công và cho thấy, đơn vị thi công đã san gạt, đổ đất đá thải không đúng theo nội dung cam kết trong báo cáo ĐTM đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.
Cụ thể, theo báo cáo ĐTM đã được phê duyệt toàn bộ đất đá thải phát sinh trong quá trình thi công được đổ thải theo thông báo giới thiệu địa điểm xây dựng tại công văn số 391/TB-SXD ngày 21/11/2017 (vị trí đổ đất thuộc phạm vi ranh giới quy hoạch chi tiết xây dựng phường Xuân Tăng (thành phố Lào Cai) với diện tích 51.945m2; vị trí đổ đất thuộc ranh giới quy hoạch chi tiết xây dựng tiểu khu đô thị 14+15, khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường với diện tích 64.732m2)...
Một lần nữa, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng công trình giao thông - Tập đoàn Phúc Lộc tiếp tục biện bạch cho việc làm sai trái bằng tiến độ dự án để đổ đất tập kết sai quy định. Trong khi, điểm đổ đất theo công văn số 391 nêu trên nằm cách đó không xa, đường đi lại thuận lợi.
Công ty này cũng khẳng định, “nội dung bãi trữ và đắp đê quây phục vụ thi công cũng như việc hoàn nguyên hiện trạng sau khi hoàn thành công trình đã được đơn vị thi công báo cáo với chủ đầu tư, tư vấn giám sát và chính quyền địa phương”...
Với lời giải thích trên của đơn vị thi công, có lẽ nào một hạng mục công trình có mức đầu tư xây dựng tới 163 tỷ đồng lại có phương án thi công chộp giật như vậy hay Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng công trình giao thông - Tập đoàn Phúc Lộc có được đặc quyền nào đó mà người dân không hay biết?