| Hotline: 0983.970.780

Công trình thủy lợi làm nên mùa vàng: Đập Bù Tam giải cơn khát vùng biên

Thứ Ba 16/04/2024 , 09:31 (GMT+7)

Bình Phước Chỉ với kinh phí đầu tư gần 51 tỷ đồng, công trình hồ đập thủy lợi Bù Tam đang giúp cư dân nhiều xã biên giới huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước chuyển mình.

Lúa đầy đồng

Bù Đốp là huyện biên giới, thuần nông nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Phước. Thời gian qua, địa phương này nhận được sự quan tâm đầu tư lớn của Đảng, Nhà nước, trong đó, các công trình thủy lợi được xem là bước đột phá phát triển nông nghiệp, thay đổi diện mạo nơi đây.

Các công trình thủy lợi được xem là bước đột phá phát triển nông nghiệp ở huyện Bù Đốp. Ảnh: Trần Trung.

Các công trình thủy lợi được xem là bước đột phá phát triển nông nghiệp ở huyện Bù Đốp. Ảnh: Trần Trung.

Chúng tôi băng băng trên tuyến đường nhựa phẳng phiu về Bù Tam - ấp đặc biệt khó khăn của xã Hưng Phước (huyện Bù Đốp). Vùng đất bưng bàu, sình lầy, quanh năm chỉ trồng một vụ lúa ngày trước đã thay đổi kể từ khi Dự án Cụm công trình thủy lợi vùng cao biên giới do Bộ NN-PTNT đầu tư xây dựng với tổng kinh phí 51 tỷ đồng đưa vào sử dụng, cung cấp nước cho hơn 300 ha lúa của xã Hưng Phước và một phần của xã Thiện Hưng.

Cánh đồng Xa Rây hơn 200 ha những ngày này chỉ thấy đồng ruộng xanh thẫm thẳng cánh cò bay, hầu hết trồng giống đặc sản chất lượng cao ST. Đặc biệt, nhờ con đập, cánh đồng trước đây dựa vào nước trời mỗi năm được 1 vụ thì nay đã nâng lên 3 vụ. Không chỉ có cái ăn, đời sống bà con ngày một khấm khá.

Đời sống bà con đồng bào dân tộc thiểu số S’tiêng ngày một khấm khá, nhờ thu hoạch mỗi năm 3 vụ lúa. Ảnh: Trần Trung.

Đời sống bà con đồng bào dân tộc thiểu số S’tiêng ngày một khấm khá, nhờ thu hoạch mỗi năm 3 vụ lúa. Ảnh: Trần Trung.

Đang tất bật thu hoạch 5 sào ruộng của gia đình, anh Điểu Lập ở ấp Bù Tam phấn khởi cho biết, khi có nước về, không chỉ tăng được vụ, năng suất lúa cũng nâng lên rất nhiều, kinh tế gia đình anh cũng như hàng trăm hộ dân dần ổn định hơn. “Ngày trước, đến mùa giáp hạt, hầu như nhà nào cũng đi nhận gạo cứu đói của Nhà nước, nay nước về giúp lúa đầy đồng, bà con rất vui mừng, rất biết ơn Đảng và Nhà nước”, anh Điểu Lập nói.

Chung niềm vui với bà con, ông Hoàng Thanh Thiệp - Chủ tịch UBND xã Hưng Phước phấn khởi cho biết thêm, cùng với công trình hồ đập, địa phương còn được quan tâm đầu tư hơn 4,5 km kênh mương nội đồng dẫn nước tưới tiêu cho gần 300 ha đất nông nghiệp. “Để phát huy hết hiệu quả, thời gian tới chúng tôi tập trung quy hoạch vùng sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ hàng hóa, nông sản. Đồng thời phát triển kinh tế HTX, kinh tế trang trại nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, lao động và nguồn vốn, góp phần tăng thu nhập, nâng cao cuộc sống của người dân”, ông Thiệp chia sẻ.

Đẩy lùi hạn hán

Không chỉ có công trình đập Bù Tam, trên địa bàn huyện biên giới Bù Đốp đang hiện hữu 7 công trình hồ đập thủy lợi, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu cho hơn 3.500 ha đất sản xuất, trong đó có hơn 1.000 ha đất trồng lúa.

Nổi bật có thể nhắc đến công trình đập tràn M26 thuộc ấp Điện Ảnh (xã Phước Thiện) được huyện Bù Đốp đầu tư nạo vét, nâng cấp dung tích hồ chứa lên 200.000 m3 và xây mới 1,64 km kênh mương nội đồng vào năm 2017. Nhờ vậy, gần 40 ha ruộng lúa cùng nhiều diện tích cây trồng khác phía sau đập luôn đảm bảo nguồn nước tưới dù đang là cao điểm mùa khô.

Từ khi đập tràn M26 được nâng cấp, người trồng lúa nơi đây không còn lo thiếu nước. Ảnh: Trần Trung.

Từ khi đập tràn M26 được nâng cấp, người trồng lúa nơi đây không còn lo thiếu nước. Ảnh: Trần Trung.

Đang tất bật lấy nước vào 2 sào ruộng của gia đình để sản xuất, anh Điểu Sơn ở ấp Điện Ảnh phấn khởi chia sẻ, từ khi đập tràn M26 được nâng cấp, người trồng lúa nơi đây không còn lo thiếu nước. Để sử dụng nước, những hộ có ruộng phải đăng ký và xuống giống đồng bộ, Ban quản lý các công trình thủy lợi huyện sẽ triển khai đóng, mở đập cung cấp nước theo giai đoạn, chu kỳ phát triển của cây lúa. Từ đó, luôn đảm bảo nước phục vụ sản xuất cho người dân, đồng thời tiết kiệm nguồn nước, chống lãng phí. 

Cách đó không xa là công trình thủy lợi sau Cần Đơn, công trình được xây dựng từ năm 2007 với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ. Mục tiêu của dự án là cung cấp nước tưới cho trên 4.500 ha đất nông nghiệp. Để phát huy hết công năng, mới đây huyện Bù Đốp cũng đầu tư xây mới 6 km kênh mương nội đồng nối dài, nâng tổng chiều dài kênh mương nội đồng của công trình lên 25 km, phục vụ tưới tiêu cho gần 3.000 ha cây trồng. 

Công trình thủy lợi sau Cần Đơn cung cấp nước tưới cho trên 4.500 ha đất nông nghiệp. Ảnh: Trần Trung.

Công trình thủy lợi sau Cần Đơn cung cấp nước tưới cho trên 4.500 ha đất nông nghiệp. Ảnh: Trần Trung.

Ông Trần Văn Thành, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bù Đốp cho biết: “Hiện đang là cao điểm của mùa khô nhưng chưa có hồ nào ở mực nước chết, đảm bảo đáp ứng đủ nước tưới và nước sinh hoạt trong cả mùa khô. Đó là kết quả nổi bật trong việc quan tâm đến công tác thủy lợi của chính quyền nơi đây”, ông Thành chia sẻ.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.