| Hotline: 0983.970.780

Người dân trước miệng hà bá vì những tuyến đê bị băm nát

Công trình trăm tỷ 'đắp chiếu' và những hệ lụy

Thứ Tư 24/06/2020 , 13:10 (GMT+7)

Trong khi có không ít công trình đê điều “sáng bàn giao, chiều xuống cấp” thì tại Thanh Hóa hiện cũng có nhiều công trình được duyệt nguồn vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng.

Thiếu vốn, đê kè biển xã Quảng Thái sau khi thi công được 400m đã 'đắp chiếu' từ nhiều năm nay. Ảnh: Võ Dũng.

Thiếu vốn, đê kè biển xã Quảng Thái sau khi thi công được 400m đã “đắp chiếu” từ nhiều năm nay. Ảnh: Võ Dũng.

Tuy nhiên, sau nhiều năm thi công, không được cấp vốn theo tiến độ, các đơn vị thi công đã rút toàn bộ công nhân, máy móc khỏi công trường. Những hạng mục đã thi công cũng chưa hoàn thiện cứ thế xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.

Công trình đê kè biển xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa nhận ủy thác làm chủ đầu tư.

Dự án này có chiều dài 3,3km với tổng mức đầu tư trên 181 tỷ đồng, nguồn vốn Trung ương và vốn đối ứng của tỉnh; thời gian thực hiện từ tháng 11/2016 – 11/2019.

Người dân xã Quảng Thái cho biết, để thực hiện dự án này, lớp đất phong hóa được bóc đi, hàng nghìn cây phi lao chắn sóng hàng chục năm tuổi đã phải chặt bỏ. Người dân Quảng Thái vui mừng bởi dù hàng phi lao bị chặt nhưng hi vọng chúng sẽ nhanh chóng được thay thế bằng hệ thống đê, kè chắn sóng; giảm bớt lo lắng trước việc biển xâm thực đất liền, nhất là khi mùa mưa bão về.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện được khoảng 400m đê kè tại thôn 1, xã Quảng Thái, do không được rót vốn theo tiến độ, đơn vị thi công đã rút khỏi công trường, dự án “chết đứng”.

 
Hiện trường còn lại là những cấu kiện bê tông ngổn ngang, chiếm chỗ cất giữ bè đi biển của ngư dân. Ảnh: Võ Dũng.

Hiện trường còn lại là những cấu kiện bê tông ngổn ngang, chiếm chỗ cất giữ bè đi biển của ngư dân. Ảnh: Võ Dũng.

Theo thống kê sơ bộ, chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Quảng Xương hiện đã có 4 dự án đê điều phòng chống lụt bão được thực hiện.

Ngoài ra, tại Thanh Hóa còn có một số tuyến đê tại các huyện Nga Sơn, Tĩnh Gia hiện cũng đang chờ vốn để thi công. Những công trình dự án này đang chậm tiến độ do “đói vốn” hoặc ướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Chủ đầu tư dự án đang đề nghị UBND tỉnh bổ sung kinh phí để tiếp tục thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Đến nay, toàn bộ máy móc của đơn vị thi công đã rút khỏi công trường, để lại hiện trường là những cấu kiện bê tông, cống thoát nước đã có dấu hiệu hư hỏng.

Cỏ mọc quanh những khối bê tông, rác thải được tấp vào trong những ống cống gây ô nhiễm môi trường. Khối lượng công việc đã hoàn thành cũng đã xuống cấp. Sự việc này dẫn đến nhiều hệ lụy, khiến người dân hết sức lo lắng.

Một người dân cho hay, ngư dân Quảng Thái đi biển chủ yếu dùng bè mảng. Hiện nay, các khối cấu kiện bê tông tấp ngổn ngang chiếm hết diện tích, không có chỗ để bè.

Với việc hàng nghìn cây phi lao chắn sóng đã bị chặt, mùa mưa bão, gió đưa cát tràn vào nhà những hộ dân ở phía trong đê.

Khi không còn hàng cây chắn sóng, đê kè lại chưa hoàn thành, cuộc sống người dân phía đông đường 4C vô cùng khốn đốn.

Theo tìm hiểu của PV, sau 4 năm thi công, đến nay, tổng giá trị khối lượng thực hiện dự án đê kè Quảng Thái mới đạt khoảng 14,7 tỷ đồng, bằng 12% giá trị hợp đồng. Do thiếu vốn, tuyến đường thực hiện dang dở thì “đắp chiếu”.

Ông Phạm Trung Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái cho hay, trước việc công trình thi công chậm tiến độ và dừng hẳn khi còn dang dở, người dân Quảng Thái rất bức xúc, nhiều lần kiến nghị tiếp tục thi công hoàn thành công trình.

Địa phương cũng đã có đề đạt nguyện vọng lên cấp trên nhưng chưa nhận được thông tin phản hồi nào.

“Khi lớp đất phong hóa bị bóc đi, cây phi lao bị chặt thì những hộ dân phía đông tuyến đường 4C nhiều phen khốn đốn vì cát tràn vào nhà.

Vật liệu nằm ngổn ngang khiến ngư dân không có nơi để bè mảng. Đất của xã ở những đoạn chưa làm đê cũng đã bị xâm thực, người dân và chính quyền địa phương đang rất lo lắng”, ông Tuấn cho biết.

Những đoạn đã thi công đang xuống cấp. Ảnh: Võ Dũng.

Những đoạn đã thi công đang xuống cấp. Ảnh: Võ Dũng.

Cũng theo ông Tuấn, với việc đê kè đi qua địa phương chưa hoàn thành, khi mưa bão đến có hàng nghìn hộ dân phía đông đường 4C buộc phải di dời. Công trình dang dở cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế của địa phương.

“Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Quảng Thái khóa 25, nhiệm kỳ 2015 - 2020 có chương trình trọng tâm là phát triển kinh tế biển, du lịch biển, du lịch tâm linh.

Tuy nhiên, với thực trạng đê kè đang dậm chân tại chỗ, chương trình kinh tế trọng tâm này hiện không thể triển khai”, vẫn lời ông Tuấn.

Trước tình trạng đê kè Quảng Thái thi công dang dở, mới đây, trong chuyến thị sát tại Quảng Xương, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Sở Tài chính phối hợp với Sở KH-ĐT rà roát, xác định lại điểm dừng kỹ thuật dự án, tham mưu cho UBND tỉnh ra thông báo kết thúc dự án.

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục đưa dự án vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025; huyện Quảng Xương có trách nhiệm quản lý dự án, tránh để tình trạng người dân lấn chiếm.

Ông Quyền cho rằng, quá trình tổ chức thi công của dự án này là không hợp lý nên đã gây lãng phí nguồn vốn. Vì vậy, yêu cầu các đơn vị thực hiện cần phải rút kinh nghiệm, từ việc quản lý Nhà nước về đầu tư cho đến việc tổ chức thi công của nhà thầu thi công.

Những hàng phi lao đã bị chặt hết, người dân phía đông đường 4C khốn đốn khi mùa mưa bão về. Ảnh: Võ Dũng.

Những hàng phi lao đã bị chặt hết, người dân phía đông đường 4C khốn đốn khi mùa mưa bão về. Ảnh: Võ Dũng.

Tuy nhiên, người dân Quảng Thái vẫn hết sức lo lắng, tình trạng đê kè thi công kéo dài sẽ kéo theo nhiều hệ lụy; mùa mưa bão đến gần, người dân phía đông đường 4C luôn sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ.

Theo rà soát của Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, những năm qua, Thanh Hóa là địa phương hứng chịu nhiều trận bão, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản; nhiều công trình đê điều phòng chống lụt bão cũng bị lũ lụt tàn phá. Riêng trong năm 2019, các trận bão lũ đã khiến 280m đê, kè tại Thanh Hóa bị sạt lở.

Mặc dù, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các chủ đầu tư kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai phương án PCLB để đảm bảo an toàn cho các công trình đê điều thi công dở dang; phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu về đê điều, hồ đập; phương án sơ tán dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai nhưng thiệt hại về người và của trong những năm qua ở địa phương này là không hề nhỏ.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.