Tại Thanh Hóa, hiện có không ít dự án xử lý cấp bách đê điều được đầu tư hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng nhưng chỉ bàn giao được một thời gian ngắn đã xuống cấp. Đơn vị thi công và chủ đầu tư cho rằng, nguyên nhân là do nhiều xe quá khổ, quá tải lưu hành...
Điểm Km22+200 thuộc đê hữu sông Chu, đoạn Km 16+700 – K24+142 (từ thị trấn Thọ Xuân đến xã Xuân Hồng), vào năm 1944 từng xảy ra vỡ đê khiến 22 nghìn ha của 22 xã huyện Thọ Xuân và một số xã của huyện Thiệu Hóa, Triệu Sơn chìm trong biển nước.
Sau nhiều lần nâng cấp sửa chữa, tuyến đê này cơ bản đã đảm bảo được việc ngăn nước mùa mưa lũ, bảo vệ an toàn cho hàng chục nghìn hộ dân và hàng vạn ha hoa màu.
Năm 2018, trước tình trạng mặt bê tông đê xuống cấp, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Dự án xử lý cấp bách đê hữu sông Chu, giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 35 tỷ đồng bằng nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương.
Tháng 7/2019, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi (có địa chỉ tại TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) đã khởi công dự án.
Sau khi được gia hạn, ngày 27/4/2020 dự án được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng trong niềm hân hoan của người dân. Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang...
Theo phản ánh của người dân, chúng tôi có mặt tại đê hữu sông Chu, đoạn từ thị trấn Thọ Xuân đến xã Xuân Hồng vào một ngày cuối tháng 5/2020.
Thanh Hóa có 1.008 km đê. Trong đó có 315 km đê cấp 1, 2, 3; 693 km đê cấp 4, 5. Theo thống kê, rà soát của Chi cục Thủy lợi tỉnh Thanh Hóa, năm 2019 địa phương này có 32 vị trí xung yếu trong phòng chống thiên tai và năm 2020 có 34 vị trí. Trong đó có 3 trọng điểm loại I nằm trên đê thuộc huyện Thọ Xuân; 14 trọng điểm loại II; 17 vị trí xung yếu nằm rải rác ở nhiều huyện. Đây là các vị trí đê, kè, cống bị sạt lở hoặc hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm, mất an toàn khi có mưa bão, thiên tai.
Người dân ở đây cho biết, tuyến đê cấp 1 nằm ven sông Chu này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ an toàn cho hàng chục nghìn hộ dân phía trong đê.
Thế nhưng, không hiểu vì công trình bị “rút ruột”, kém chất lượng hay do tác động của xe quá tải, quá khổ mà chỉ sau một thời gian rất ngắn đưa vào sử dụng, đoạn được nâng cấp đã “nát như tương bần”.
Theo ghi nhận của PV, đoạn đi qua các thôn Phúc Nguyên, Phúc Thịnh (thị trấn Thọ Xuân), mặt đê đã hình thành những vết lún sâu, tạo thành những đoạn sống trâu. Mặt nhựa nứt nẻ, đọng đầy nước sau những trận mưa nhỏ.
Những chiếc xe tải chở hàng nhẹ khi đi qua đoạn đường này phải về số, rú ga chẳng khác gì đang è mình lên những con dốc lớn.
Những chiếc xe con gầm thấp, thay vì đi trên đường đê rộng này, chủ nhân của chúng sau vài phút chần chừ, ngao ngán lại phải lùi xe, chạy xuống đường dân sinh dưới chân đê.
Càng đi về phía xã Xuân Hồng, thực trạng công trình xuống cấp lại càng thể hiện rõ hơn. Đường nhựa biến thành những hố sâu, rãnh kéo dài, nhựa dồn thành từng đống. Có những đoạn mặt đường nhựa bị hoắm sâu xuống 30-40 cm, kéo dài hàng chục mét.
Ông Trần Ngọc Soạn, thôn Liên Phô, xã Xuân Hồng cho hay, trước đây, tuyến đê này được đổ bê tông dày nhưng sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp. Khi nghe nói có dự án nâng cấp, cải tạo đê, người dân hết sức phấn khởi.
Tuy nhiên, điều khiến người dân rất bức xúc là chỉ 1 tuần sau khi đơn vị thi công rút khỏi công trường, mặt đê bị lún sâu, gây ra rất nhiều khó khăn cho cuộc sống người dân ven đê.
“Trước đây đường bê tông cũng xuống cấp nhưng đi lại cũng không khó khăn như bây giờ. Theo tôi, nguyên nhân là do chất lượng công trình không đảm bảo, lu lèn không tốt. Họ lu lèn, nền đất đang bùng nhùng nhưng vẫn không múc đi mà để thế đổ đá, nhựa lên thì kiểu gì chả bị xé ra.
Mà ở đây, phải nói là “rưới” nhựa, tưới nhựa lên chứ không phải đổ nhựa nữa. Đê này mà vỡ thì không chỉ người dân huyện Thọ Xuân mà các huyện hạ lưu sông Chu và TP Thanh Hóa cũng phải chịu hậu quả nặng nề”.
Trong khi người dân cho rằng công trình kém chất lượng ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống thì ông Lê Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng cho rằng: “Đê có nhiều đơn vị thi công. Đơn vị cuối cùng mới hoàn thành được ít ngày. Chúng tôi cũng không thể khẳng định công trình có kém chất lượng hay không. Trong thời gian bảo hành thì đơn vị thi công sẽ có trách nhiệm bảo hành. Còn đê xuống cấp không ảnh hưởng gì đến cuộc sống người dân”.
Tại Thanh Hóa, thực trạng những tuyến đê kém chất lượng, “sáng bàn giao, chiều xuống cấp” không hiếm.
Phía bên kia dòng sông Chu, dự án xử lý cấp bách tuyến đê tả đoạn từ K19+800 - K22 và đoạn từ K25 - Km34+100 chạy qua huyện Thiệu Hóa, do Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa làm chủ đầu tư có tổng nguồn vốn gần 100 tỷ đồng. Đơn vị thi công là Công ty TNHH Tân Thành 1 và Công ty TNHH Hòa Bình.
Tháng 4/2020, tuyến đê này được bàn giao, đưa vào sử dụng nhưng cũng đang xuống cấp, mặt đê nứt toác, nhiều điểm bị bong tróc, vỡ nát, lún sâu, tạo thành ổ gà với độ rộng gần một mét và sâu gần 10cm. Có những điểm mặt đê hiện đang bị nứt toác, mặt đường nhựa dồn về một phía tạo thành sống trâu, khiến cho nhiều phương tiện giao thông qua lại hết sức khó khăn.
Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT Thanh Hóa - đơn vị làm chủ đầu tư và ủy thác làm chủ đầu tư nhiều công trình đê điều tại Thanh Hóa cho biết, tình trạng đê điều mới bàn giao đã xuống cấp không hiếm.
Ngoài các công trình chúng tôi đã “mục sở thị” nói trên thì còn một số công trình nằm trong tình trạng “sáng bàn giao, chiều xuống cấp” như đê tả sông Chu từ Km 25-K34 đi qua thị trấn Thiệu Hóa đến xã Thiệu Tiến huyện Thiệu Hóa...
Thực trạng này đang khiến chính quyền các địa phương và người dân hết sức lo lắng, nhất là khi mùa mưa bão sắp đến.