Công ty TNHH MTV Cà phê 734 (Công ty Cà phê 734) đứng chân trên địa bàn xã Đắk Mar, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty gắn chặt với việc thâm canh cây cà phê và trồng lúa nước 2 vụ. Hiện công ty đang quản lý hơn 533 ha đất sản xuất cà phê, trong đó có 220,76 ha đã đưa vào kinh doanh và hơn 199 ha lúa nước 2 vụ/năm.
Thời gian qua, do dịch Covid 19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh của công ty, hơn nữa năm nay giá các loại vật tư đầu vào tăng mạnh khiến chi phí sản xuất tăng cao. Bên cạnh đó, hiện vườn cây cà phê của đơn vị đang trong giai đoạn tái canh đồng loạt khiến sản lượng giảm, chi phí đầu tư lớn.
Ông Lê Văn Thái, Giám đốc Công ty Cà phê 734 cho biết, những vườn cây cà phê của đơn vị được trồng từ năm 1983 – 1984 nên đã đã già cỗi. Do đó việc tái canh để nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây là nhiệm vụ cấp bách và đã được công ty đã triển khai thực hiện theo lộ trình được Tổng Công ty Cà phê Việt Nam phê duyệt.
“Theo đó, toàn bộ diện tích trên 500ha cà phê của công ty đều phải tiến hành tái canh với nguồn vốn khoảng 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, do công ty không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi dành cho chương trình tái canh cà phê, không vay được vốn của ngân hàng nên việc thực hiện tái canh gặp rất nhiều khó khăn. Để có nguồn vốn đầu tư, đơn vị phải huy động của khách hàng và công nhân theo lãi suất thỏa thuận nên rất cao”, ông Lê Văn Thái chia sẻ.
Theo ông Thái, dù khó khăn về nguồn vốn nhưng bằng quyết tâm, đến nay đơn vị đã tái canh được hơn 340 ha cà phê. Để nâng cao hiệu quả, năng suất vườn cây, đơn vị đã trồng 2 cây một hố, do vậy 1 ha số cây tăng lên 2.200 cây. Bên cạnh đó, công ty đã lựa chọn giống cà phê TRS1 để tái canh, đây là giống có năng suất cao, ít sâu bệnh được Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ cà phê Eakmat (thuộc Viện khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên) cung ứng.
“Việc trồng 2 cây một hố giúp vườn cây phát triển đều, không phải trồng dặm vì cây này có khiếm khuyết thì đã có cây kia thay thế. Lúc mới trồng, có nhiều ý kiến phản đối vì cho rằng trồng như vậy không đúng với quy trình kỹ thuật. Nhưng từ thực tế việc trồng 2 cây một hố từ năm 1983 thì những vườn cây cà phê cho năng suất cao hơn hẳn so với những vườn cây trồng một cây/hố. Thực tế năm 2021, công ty có 20 ha cà phê tái canh đưa vào kinh doanh đạt năng suất bình quân trên 4 tấn nhân/ha”, ông Thái chia sẻ.
Ông Lê Văn Thái, Giám đốc Công ty cà phê 734: “Tái canh cà phê là một quá trình dài, từ khi nhổ bỏ vườn cà phê già cỗi, cải tạo đất, trồng mới cho đến khi có thu hoạch mất 5 năm (2 năm cải tạo lại đất, 1 năm trồng mới, 2 năm kiến thiết cơ bản) và đến năm thứ 6 mới bước sang giai đoạn kinh doanh. Chi phí mỗi ha tái canh hết khoảng 270 triệu đồng. Khi trồng tái canh công ty tăng cường đào hố ép xanh, bón phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh, trồng cây che bóng. Đồng thời trong thời gian tái canh, đơn vị trồng xen cây ngắn ngày như đậu, lạc để tăng thêm thu nhập”.